Nỗi ám ảnh ‘Thuỷ thần’ sông Lam

Chủ nhật, 30/09/2012, 10:54
Tình trạng dòng sông bị “rút ruột” đã gây sạt lở đất và bồi lắng dẫn tới tắc nghẽn dòng chảy, đang là nỗi ám ảnh với hàng nghìn cư dân sống ven con sông Cả (còn gọi là sông Lam, Nghệ An).

>> Du khách trẻ háo hức khám phá ruộng bậc thang mùa lúa chín
>> Mưa lũ miền Trung: Thêm nhiều người thương vong 
>> Người lớn múa lưỡi dạy trẻ con, “lưỡi thần kỳ” xuất hiện…
>> Mưa lũ lớn ở miền Trung

Mất đất

Nhiều năm qua, người nông dân xã Nam Cường (Nam Đàn) ngán ngẩm khi mỗi năm đều phải “nộp” cả trăm m2 đất nông nghiệp cho “thủy thần sông Lam”.

Khu vực đất sản xuất của bà con xóm 4 Nam Cường sát cầu đường sắt Yên Xuân bị sạt lở nặng nhất. Cả một doi đất trù phú từ ngàn xưa với chiều dài hơn 3km đã bị “ăn” sát mép đường. Theo phản ánh của người dân, từ đợt mưa lũ năm 2011, tình trạng sạt lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng.
 

Sạt lở đất nông nghiệp nghiêm trọng tại Nam Cường, Nam Đàn.

Ước tính mỗi năm nước sông lấn vào bờ từ 3-5m, nhiều diện tích đất của bà con vừa gieo trồng từ đầu vụ thì cuối mùa đã bị nước cuốn mất” - ông Thái Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Nam Cường cho biết.

Tính khoảng 10 năm trở lại đây, nước sông đã “ăn” vào bờ chừng 50m. Năm 2007, ngành đường sắt “hốt hoảng” cho đóng một hàng cọc bê tông tổng chiều dài chừng 2km để “gia cố” cho diện tích vùng đầu bờ. Thế nhưng nay sau 4 năm, hàng cọc trước đây vốn được dựng trên diện tích đất sản xuất của bà con, đã nằm chơ vơ giữa lòng sông.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, gần 50 hộ dân xóm Hòa Lam, xã Hưng Hòa (TP. Vinh) luôn sống trong tình trạng thấp thỏm lo sợ nước lũ có thể nuốt chửng căn nhà bất cứ lúc nào. Từ vài năm qua, tình trạng sạt lở đất ở đây đã diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Người dân phải tự bỏ tiền để xây kè chống sạt lở nhưng đã bị nước đánh sập.

Năm nào xóm chúng tôi cũng phải trải qua vài lượt chạy lũ, nhưng với tình trạng sạt lở như thế này sợ rằng ít năm nữa thôi nước sẽ ngoạm hết đất mất” – xóm trưởng xóm chài Hòa Lam Đậu Xuân Thương lo lắng.

Cũng chịu chung số phận, hàng chục hộ dân tại xóm 16 xã Hưng Long (Hưng Nguyên) cũng đang bị thủy thần “hỏi thăm”. Tại đây, nước đã lấn vào sát tận cổng nhà dân, cuốn trôi mất con đường độc đạo trong xóm.

Ông Nguyễn Đình Trọng, Bí thư xóm 16 cho biết: “Tình trạng sạt lở xảy ra liên tục trong thời gian qua. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên có biện pháp đảm bảo cuộc sống ổn định cho bà con nhưng nay vẫn chưa có gì thay đổi”.

Nếu như tình trạng sạt lở đất đang khiến hàng trăm hộ dân sống ven sông Lam lo lắng thì tại huyện Đô Lương, hiện tượng bồi lắng ngày càng nghiêm trọng trên tuyến kênh Âu Vòm Cóc cũng khiến cơ quan chức năng và người dân đau đầu.

Theo số liệu tại Công ty CP Quản lý, Xây dựng giao thông Thủy bộ Nghệ An, thời điểm năm 2005 - 2006 mức độ bồi lắng cao 20 - 50cm. Giai đoạn từ 2008 đến nay, độ bồi lắng đã dày tới 2,4m, xảy ra trên toàn tuyến kênh, gây ra hiện tượng tắc nghẽn dòng chảy nghiêm trọng, khiến cho tàu bè không thể qua lại vào mùa nước cạn.

Xử lý cách nào?

Đại tá Tần Châu, Trưởng phòng CSGT đường thủy Nghệ An, người đã trực tiếp xử lí cả trăm lượt vi phạm trong hoạt động khai thác cát sỏi cho rằng, việc quản lý như hiện nay rất khó hiệu quả.

Hiện chúng tôi lập các đoàn kiểm tra xử lí liên tục, mỗi tháng số tiền xử phạt vi phạm khai thác cát từ 60 – 80 triệu đồng, tuy nhiên không thể nói là hiệu quả. Chỉ cần lực lượng chức năng vắng mặt, việc khai thác trái phép lại diễn ra ồ ạt” - đại tá Tần Châu cho biết.

 

 
 
Hàng trăm hộ dân xóm 16 Hưng Long, Hưng Nguyên lo lắng vì nước sông gây sạt lở đến tận cổng.

Theo đại tá Châu: “Chúng tôi chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính chứ không thể tịch thu phương tiện vì chưa có quy định cụ thể. Theo tôi, địa phương phải tiến hành quy hoạch triệt để, phân vùng được phép khai thác và vùng cấm. Bên cạnh đó cần sớm có những quy định pháp luật về việc xử lí phương tiện hoạt động trái phép. Có như thế việc quản lý mới dễ đi vào khuôn khổ”.

Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Trần Văn Toản, Trưởng Phòng Khoáng sản, Sở TN-MT Nghệ An khẳng định, nhất thiết phải có qui hoạch chi tiết, hợp lí các điểm khai thác cát. Tuy nhiên, theo ông Toản, việc quy hoạch các mỏ đòi hỏi có thời gian.

"Tỉnh đang thực hiện cấp quyền khai thác mỏ qua hình thức đấu giá, nhưng hiện nay vẫn chưa có khung đấu giá khởi điểm. Đây cũng là lý do của việc trong năm 2012 vẫn chưa có mỏ cát nào được cấp phép" - ông Toản cho hay.

Trong khi chờ đợi việc quy hoạch cấp phép tổng thể của cơ quan chức năng, các ngành, các cấp vẫn phải chấp nhận sự tồn tại của hàng chục “điểm nóng” khai thác cát trên tuyến sông Cả (sông Lam) và những hệ lụy vẫn sẽ diễn ra với mức độ ngày càng đáng báo động hơn.
 

Theo VNN

Các tin cũ hơn