Các ca thử nghiệm "hô mưa, chuyển bão"
Ba cơ quan nghiên cứu là Liên hiệp Khoa học Tin học và Ứng dụng (UIA), Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) và Trung tâm Bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống sẵn sàng khảo nghiệm trường hợp có khả năng "hô mưa, gọi gió" của anh Lê Minh Hoàng. Trên thực tế cũng đã từng có nhiều người tuyên bố có khả năng "thần thông" này và đã được kiểm nghiệm.
Đem câu chuyện của anh Lê Minh Hoàng (xã Bột Xuyên, Mỹ Đức, Hà Nội) tới thẩm định tại nơi chuyên nghiên cứu và khảo nghiệm những người có khả năng đặc biệt, TS Vũ Thế Khanh, Giám đốc Trung tâm UIA, Chủ tịch Hội đồng khoa học của 3 cơ quan nói trên khẳng định, trung tâm sẵn sàng tiếp nhận anh Hoàng để khảo nghiệm "khả năng đặc biệt" của anh như công bố.
Trường hợp nếu đúng anh Hoàng có khả năng này, trung tâm sẵn sàng trả cho anh Hoàng 1 tỷ đồng giúp phát triển tài năng. Nếu sai, anh Hoàng phải nộp cho Trung tâm 1 triệu đồng. Theo TS Vũ Thế Khanh, đã là vấn đề khoa học thì phải để chứng minh bằng khoa học thực nghiệm. Lấy hoang tưởng để cho rằng đó là vấn đề tâm linh chưa giải thích được là sai.
TS Vũ Thế Khanh cho biết, hội đồng khoa học của 3 cơ quan đã khảo nghiệm rất nhiều ca tuyên bố có khả năng như của anh Hoàng. Như trường hợp của anh Nguyễn Văn M. ở Thanh Hóa "có khả năng gọi và ngăn mưa", thậm chí "điều khiển được mưa xuyên qua mái nhà".
Nhưng chỉ bằng một thử nghiệm đơn giản là dùng vòi hoa tưới cây phun nước từ tầng trên xuống và bảo đó là trời mưa đề nghị anh M. ngăn lại. Kết quả anh ướt như chuột và anh không hiểu tại sao ở nhà mình làm lại có kết quả như vậy.
Hay một người ở Xuân Mai, Hà Nội tự công bố mình có khả năng dùng nhân điện để xoay chuyển cơn bão, biến bão thành áp thấp nhiệt đới và đặc biệt xoay chuyển hướng bão để bão không vào Việt Nam. Khi thực nghiệm, ông ấy đã đưa ra minh chứng về một cơn bão cấp 12 được đài truyền hình dự báo trước đó, ông đã dùng ý nghĩ để chuyển hướng và kết quả cấp 12 chỉ còn đổ bộ vào Việt Nam là áp thấp nhiệt đới...
Các nhà khảo nghiệm đã cùng ông thảo luận và đưa ra cách thử nghiệm đơn giản trước, nghĩa là, ông dùng sức mạnh của mình để chuyển hướng gió của chiếc quạt điện ở ngay bên cạnh, có sức mạnh thấp hơn nhiều so với cơn bão hoặc chuyển tốc độ gió của quạt từ số cao xuống thấp... nhưng kết quả cũng không thành công.
Đặc biệt, có một trường hợp ở Tây Hồ, Hà Nội "chém gió" nhờ dùng con lắc mà khử được mùi tanh của nước hồ Tây, nhưng khi thử nghiệm khử mùi và độ chua của cốc nước chanh lại bó tay...
Thực tế, rất nhiều ca chỉ thử nghiệm những điều đơn giản nhất cũng không khiến các nhà "thần thông" vượt qua.
Anh Lê Minh Hoàng. |
Hoang tưởng vì sự trùng hợp
TS Vũ Thế Khanh nhấn mạnh, tất cả những ca trên đều là do họ hoang tưởng mà thành. Họ cứ nghĩ mình có khả năng đặc biệt nào đó và tiến hành thử nghiệm dựa vào thời tiết, các phương tiện dự báo... khi thấy một số hiện tượng trùng hợp thì cho rằng mình làm được điều đó, nhưng thực tế trên thế giới và cả Việt Nam người bình thường chưa ai có khả năng làm điều này.
TS Vũ Thế Khanh ví dụ, đến "thiên hạ kỳ tài" như Khổng Minh cũng không làm được điều này. Trong trận "Xích Bích" ông bày ra chyện đăng đàn cầu gió Đông Nam là để lừa Chu Du và tìm kế thoát. Sự thực là bằng sự tinh thông về thiên văn, thời tiết...
Khổng Minh đã tính được trước đến thời điểm đó là có gió Đông Nam mới "lên đàn" làm lễ và dặn trước Tử Long đến đón mình đúng ngày đó... Thực tế, sử sách ghi nhận một số người có tài "lôi phong, hoán vũ" là do họ giỏi về thiên văn, địa lý và nắm được quy luật của tự nhiên nên dự đoán được.
Theo TS Vũ Thế Khanh, trong lịch sử Phật giáo và loài người có những bậc chư thiên, chư bồ tát có năng lực siêu nhiên hơn hẳn người thường. Họ là những bậc có công đức tu hành thâm hậu và cao siêu có thể làm được những điều như điều này mà người thường không làm được.
Chẳng hạn như ở Việt Nam, các Vua Hùng và Vua Trần đều có tục làm lễ cầu mưa và có thành công. Điều này có thể xảy ra nhưng ở đây là do lực cộng hưởng, muôn dân cùng một ý nguyện, ý chí thành một sức mạnh cộng hưởng từ đó có thể chuyển sức mạnh từ tâm thế thành thực thể.
Còn những cá nhân bình thường không có công đức tu hành và đạo đức không cao thì không có khả năng hoán vũ như các vị "thánh thần" được.
Cùng quan điểm này, ThS Vũ Đức Huynh, chuyên gia nghiên cứu về tâm linh, tác giả cuốn sách "con người với tâm linh" cũng khẳng định, đây là hiện tượng ảo tưởng trong tâm thức.
Rất nhiều người nhận mình có khả năng đặc biệt nhưng người có khả năng thật rất ít và cũng chỉ dừng lại ở một số lĩnh vực như dự báo (xem bói, tìm mộ...), chữa bệnh... chứ không thể “hô mưa, gọi bão” được. Nhiều người ngộ nhận về khả năng của mình mà không biết chỉ có "thần Phật" - những người có năng lượng siêu nhiên rất lớn mới làm được điều này.
Ba cơ quan nghiên cứu trả lời kết quả khảo nghiệm ông Nguyễn Lộc Em (Đồng Tháp) tại Bệnh viện Đa khoa Tràng An, Hà Nội. |
Cơ thể con người là "phong vũ biểu"
Giải thích về hiện tượng anh Hoàng có thể gọi mưa, ngăn cháy rừng... ông Khanh cho hay, những câu chuyện cầu mưa, ngăn bão ở Việt Nam chủ yếu là do mẹo hiểu biết về quy luật tự nhiên, hiểu về cỏ cây hoa lá hoặc đọc sách biết được điều đó...
Cũng có thể anh Hoàng biết được quy luật của một con vật hoặc một loài cây nào đó có biểu hiện khác lạ khi sắp có mưa hoặc cháy rừng ở Mộc Châu nên mới chỉ thực hiện được ở khu vực đó. Hoặc cũng có thể cơ thể anh Hoàng có một đặc điểm gì đó dị ứng với sự thay đổi của thời tiết mà anh không nói bí mật đó ra và cho là mình có khả năng "hô mưa, gọi gió".
Thực tế, cơ thể con người và nhất là cơ thể của nhiều loại động vật là "phong vũ biểu" có khả năng dự báo thời tiết rất chính xác. Chẳng hạn người đi biển, dù trời đang đẹp nhưng nhìn biểu hiện của cá nhảy là sắp có bão; kiến bò ra là mưa, voi cảnh báo sóng thần... Đặc biệt, đối với những người mắc các bệnh về thời tiết thì họ có biểu hiện rất rõ khi thời tiết sắp thay đổi như: đau xương khớp, hắt hơi sổ mũi...
Bản thân TS Vũ Thế Khanh khi còn bé đã từng bị mọi người tưởng chết do cảm nắng nhưng khi qua khỏi lại có khả năng dự báo mưa rất chính xác (bắp chân đau nhức là trời sắp mưa) nhưng càng lớn khả năng này càng biến mất...
Vì vậy, theo TS Vũ Thế Khanh, không nên chỉ nghe người tự phong có khả năng đặc biệt nói mà cần phải khẳng định tại cuộc thi, chứ nếu chỉ nghe kể thì chẳng khác nào học sinh tự ra đề thi, tự làm bài và chấm ra kết quả. Điều đó sẽ không được công nhận.
Riêng chuyện anh Hoàng làm nhiễm sóng ti vi, TS Vũ Thế Khanh cho rằng, đó là chuyện bình thường, nhiều người có khả năng làm nhiễm sóng ti vi. Nếu muốn biết, anh Hoàng hãy đến trung tâm để đo xem mức độ từ trường thế nào.
"Mỗi năm 3 trung tâm nghiên cứu thường khảo nghiệm khoảng hơn 1.000 ca tự xưng là người có khả năng đặc biệt. Thực tế khảo nghiệm, 90% là bị hoang tưởng, chỉ khoảng 10% có khả năng biết trước sự việc, hiện tượng về thiên nhiên và xã hội xảy ra trong tương lai thông qua miêu tả. Nhưng biết trước khác việc biến không thành có như làm ra sự kiện biến nắng thành mưa là không tưởng". TS Vũ Thế Khanh |
Theo Kienthuc