Thí điểm thành lập 80 phòng khám bác sĩ gia đình

Thứ bảy, 20/04/2013, 09:36
“Chúng ta vẫn chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để bác sĩ gia đình (BSGĐ) hoạt động. Bộ Y tế sẽ hoàn thiện quy chế hoạt động để BSGĐ phát huy thế mạnh”, TS Trần Quý Tường  - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết.

bác sĩ gia đình

Theo quy định mới của mô hình BSGĐ hiện nay, cần hiểu đúng một BSGĐ như thế nào?

bác sĩ gia đình

 TS Trần Quý Tường

- Phòng khám nếu đủ điều kiện và được công nhận là phòng khám BSGĐ sẽ được khám chữa bệnh cho người bệnh nói chung và khám chữa bệnh BHYT.

Nhiệm vụ của BSGĐ là sơ cứu, cấp cứu, khám chữa các bệnh thường gặp; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh, tật và khám, chữa bệnh tại phòng khám và tại nhà người bệnh; có trách nhiệm giới thiệu và chuyển người bệnh đến các cơ sở khám chữa bệnh khác khi có yêu cầu về chuyên môn.

Bệnh nhân sau khi đã khám và điều trị ở tuyến trên về thì BSGĐ lại tiếp tục chăm sóc và hướng dẫn họ điều trị theo phác đồ...

Đề án huy động cả bác sĩ tư nhân nhưng lại chưa cho phép họ khám chữa bệnh có BHYT. Việc này giải quyết thế nào?

Từ năm 2000, Bộ Y tế chính thức cho phép đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp y học gia đình. Hiện đã có hơn 500 BSGĐ ra trường, phần lớn trở về công tác tại tuyến y tế cơ sở.

- Phòng khám tư nhân là một nguồn lực thuận lợi để chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân tại cộng đồng. Tuy nhiên, chỉ một số phòng khám đa khoa được phép khám chữa bệnh có BHYT, còn hầu hết các phòng khám tư chuyên khoa thì chưa được. Để huy động đội ngũ bác sĩ tư nhân vào cuộc cần phải đào tạo thêm cho họ kiến thức, kỹ năng hoạt động của BSGĐ, đồng thời phối hợp với BHYT có thêm các quy định phù hợp.

Phòng khám tư muốn tham gia mô hình BSGĐ cần có đủ điều kiện nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế theo yêu cầu của Bộ Y tế. Bác sĩ đứng đầu cơ sở phải có chứng chỉ hành nghề y học gia đình do Sở Y tế sẽ thẩm định và cấp.

Bộ Y tế sẽ xúc tiến thực hiện mô hình này thế nào?

- Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể về các điều kiện hoạt động của phòng khám BSGĐ. Trong giai đoạn 2013-2015, Bộ sẽ thí điểm thành lập phòng khám BSGĐ theo các mô hình: Tại khoa khám bệnh của bệnh viện đa khoa; lồng ghép với trạm y tế xã, phường, thị trấn; tại cụm dân cư.

Mục tiêu đặt ra là thành lập được ít nhất 80 phòng khám BSGĐ (trong đó có 56 phòng khám tư nhân) tại các tỉnh, thành phố tham gia dự án sau đó, từ năm 2016-2020 sẽ nhân rộng mô hình ra toàn quốc.

 

Theo Danviet

Các tin cũ hơn