Trùm “xã hội đen” Năm Cam (giữa) tại phiên tòa xét xử (ảnh tư liệu).
Về nhà họp “ban tham mưu”, Năm Cam nhận ra rằng mối đe dọa từ hướng Tây mà bà thầy Đài Đắc đã phán chính là Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành - người vừa từ miền Tây về TPHCM nhận nhiệm vụ ở Tổng cục Cảnh sát.
Rất nhiều câu chuyện ly kỳ được loan truyền xung quanh chuyện ông Tư Bốn phá án “Năm Cam và đồng bọn”, chẳng hạn: Năm Cam đã xin gặp “đối thủ số một” trong đời ông là tướng Tư Bốn một lần thì ông mới có thể thanh thản nhận lấy án tử. Thực hư câu chuyện ra sao? Tôi đã có dịp ngồi nghe ông Tư Bốn kể lại chuyện đánh án.
Đối thủ đến từ hướng Tây
Đó là lúc ông Tư Bốn rời Công an Tiền Giang về TPHCM nhận nhiệm vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, phụ trách phía Nam vào năm 1999. Lúc ấy, tổ chức “xã hội đen” Năm Cam đang khuynh đảo thế giới ngầm ở TPHCM. Theo lời của Hiệp “phò mã” (con rể Năm Cam), ngay khi ông Tư Bốn về TPHCM, trùm “xã hội đen” Năm Cam triển khai ngay kế hoạch tiếp cận, mua chuộc nhằm vô hiệu hóa vị tướng miền Tây.
Người lãnh “trọng trách” này là Hiệp “phò mã” và Thọ “đại úy”. Công việc của họ là theo sát ông Tư Bốn để tìm hiểu hoàn cảnh, sở thích, thói quen, kể cả việc ông thích ăn uống ở đâu, nhậu loại rượu gì. Mục đích của Năm Cam là mua chuộc cho được tướng Tư Bốn bằng mọi giá.
Sau thời gian theo dõi sát mọi công việc, sinh hoạt của tướng Tư Bốn, Hiệp “phò mã” đã báo cáo cho cha vợ là Năm Cam về ông Tư Bốn bằng mấy chữ ngắn gọn: “Ăn cơm tập thể, ngủ giường cá nhân” (vì xa nhà, ông Tư Bốn hằng ngày ăn cơm tập thể tại cơ quan cùng anh em, tối ông ngủ luôn tại cơ quan trong một căn phòng nhỏ với chiếc giường cá nhân đơn giản). Ông Tư Bốn cũng hay nhậu, ông thích nhất là nhậu rượu đế từ dưới quê đem lên, nhậu tại cơ quan với anh em thuộc cấp, rất hiếm khi thấy ông đi tiếp khách ở nhà hàng.
Từ những thông tin trên, Năm Cam và “ban tham mưu” nhận định: Tư Bốn là con người rất khó mua chuộc, là mối nguy thật sự cho công việc “làm ăn” của chúng!
Ông Tư Bốn kể: “Khi còn là Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, tôi đã nghe nói nhiều về băng “xã hội đen” ở TPHCM do Năm Cam cầm đầu. Thỉnh thoảng tôi có đọc các báo cáo nội bộ, trong đó không ít lần có thông tin về băng “xã hội đen” Năm Cam. Nhiều anh em ở Công an Tiền Giang khi phối hợp phá án ở TPHCM, trở về cũng báo cáo với tôi về chuyện Năm Cam “làm mưa làm gió” ở TPHCM”.
Ông Tư Bốn cho biết, ban đầu ông nghĩ băng Năm Cam cũng giống như bao băng nhóm “xã hội đen’ khác, cũng dùng dao búa, vũ lực để ức hiếp người lương thiện, cát cứ một khu vực, kiếm ăn bằng cách bảo kê, đòi nợ thuê, đâm thuê chém mướn… Ở tỉnh Tiền Giang cũng từng xuất hiện nạn “xã hội đen” bảo kê cho các nhà hàng, khách sạn, chợ búa ở khu vực Chợ Giữa, ở thị xã Gò Công, ở cảng cá Vàm Láng, ven quốc lộ 1A… Ông Tư Bốn với vai trò Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đã kiên quyết đấu tranh với loại tội phạm này, chúng bị dẹp sạch khi mới manh nha, chưa kịp gây thanh thế.
Khi về nhận công tác ở TPHCM với vai trò Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phụ trách phía Nam, trong bộn bề công việc, thỉnh thoảng ông Tư Bốn cũng nghiên cứu các báo cáo về băng “xã hội đen” Năm Cam. Kể cả lúc ấy ông cũng chưa hình dung hết sự nghiêm trọng đặc biệt của băng nhóm Năm Cam, ông nghĩ có thể đó cũng chỉ là một dạng bảo kê không phải là hiếm ở đô thị sầm uất này.
“Một lần, anh em trong cơ quan đi dự một buổi tiệc ở một nhà hàng trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, khi trở về đã kể cho tôi nghe câu chuyện lạ có liên quan tới Năm Cam, làm tôi suy nghĩ nhiều và có cái nhìn chính xác hơn về băng nhóm “xã hội đen” Năm Cam” - ông Tư Bốn nhớ lại.
Người cán bộ thuộc cấp của ông Tư Bốn kể: Buổi tiệc sang trọng, mời hàng trăm khách, trong đó có nhiều cán bộ thuộc nhiều ngành đóng ở TPHCM. Đã đến giờ khai tiệc, khách đến cũng đông đủ nhưng tiệc vẫn chưa bắt đầu, vì chủ bữa tiệc còn chờ đợi ai đó. Rồi Năm Cam xuất hiện, người chủ bữa tiệc chạy ra đón “anh Năm”. Khi Năm Cam đi vào, không ai bảo ai, tất cả đều đứng dậy chào, lác đác có tiếng vỗ tay. Năm Cam tươi cười đưa tay ra hiệu mời mọi người ngồi xuống.
Nghe xong câu chuyện, ông Tư Bốn nghĩ ngợi rất nhiều. Tại sao Năm Cam được chào đón trọng thị như thế? Xâu chuỗi những thông tin có được, ông Tư Bốn mường tượng nhận ra Năm Cam không phải là dạng “giang hộ vặt” như ông từng đánh giá, mà đã gần với dạng “bố già” phương Tây, một dạng mafia, là dạng tội phạm có tổ chức chặt chẽ, rất nguy hiểm, đặc biệt có thể Năm Cam đã khuynh loát được không ít những cán bộ nhà nước.
Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành bắt đầu nghiên cứu kỹ hồ sơ về Năm Cam: Năm 1962, khi còn ở tuổi vị thành niên, Năm Cam đã dính líu tới một vụ đâm chết người tại khu sòng bạc Da Heo ở Sài Gòn, bị Tòa án Sài Gòn xử phạt 3 năm tù giam. Tới tuổi “quân dịch”, Năm Cam nhập ngũ Quân lực Việt Nam Cộng hòa làm lính kiểng giữa Sài Gòn. Năm 1971, Năm Cam lại bị xử phạt về tội đánh bạc.
Trước năm 1975, Năm Cam chưa có số má trong giới giang hồ và các tổ chức tội phạm ở Sài Gòn. Sau ngày miền Nam giải phóng, thế giới tội phạm ở Sài Gòn tan rã dần, một số hoàn lương sống cuộc sống mới, một số vượt biên ra nước ngoài, một số tiếp tục phạm tội bị chính quyền nhân dân trừng trị... Tay “giang hồ vặt” Năm Cam tạm bỏ “nghề”, chuyển qua buôn bán đồ cũ ở chợ trời Huỳnh Thúc Kháng.
Một thời gian sau, Năm Cam nhận thấy cơ hội làm “bá chủ giang hồ” đã tới khi mà các tay “cộm cán” trong giới giang hồ ở Sài Gòn đều không còn. Năm Cam bắt đầu tham gia những hoạt động phạm pháp, ngày càng nguy hiểm hơn, rồi vào tù ra khám. Ông Tư Bốn nghiên cứu rất kỹ những lần Nam Cam có dính tới pháp luật, như lần bị bắt vào năm 1994, được ân xá ngay sau đó, có dấu hiệu được sự che chở. Đặc biệt là vụ trọng án giết chết Dung Hà - một nữ trùm “xã hội đen” là đối thủ của Năm Cam, lần này Năm Cam cũng “vô can”. Rồi vụ một chiến sĩ cảnh sát bị giết chết bí ẩn giữa Sài Gòn…
Chân dung trùm “xã hội đen” Năm Cam hiện lên rõ dần dưới cặp mắt nghiệp vụ của tướng Tư Bốn và ban tham mưu. Chuyên án đặc biệt “Năm Cam và đồng bọn” được thành lập do Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành làm trưởng ban. Vụ án này được người dân TPHCM và cả nước đặc biệt quan tâm theo dõi, nhiều lúc rất hồi hộp, cuối cùng Năm Cam và đồng bọn phải cúi mặt nhận tội trước tòa về các tội danh: Giết người, hối lộ, cố ý gây thương tích, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, che giấu tội phạm... Năm Cam đã phải nhận mức án cao nhất - tử hình.
Năm Cam xin gặp Tư Bốn
Ông Tư Bốn nhớ lại, một bữa ông nhận được thư của Năm Cam gửi, do anh em trong ban chuyên án mang đến. Thì ra Năm Cam đã chủ động viết thư xin gặp Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành. Sau khi được chấp thuận của cấp trên, ông Tư Bốn đã vào trại giam gặp và nói chuyện với Năm Cam. Khi được thông báo Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành chấp nhận thư đề nghị đến trại giam để gặp mình, Năm Cam tỏ ra xúc động và cảm kích thật sự trước cách hành xử này của ông Tư Bốn. Trước sự chứng kiến của mấy người cán bộ các ngành có liên quan, Năm Cam đã nói chuyện với ông Tư Bốn khá lâu.
Tướng Nguyễn Việt Thành thăm một người dân bị bọn tội phạm bắn trọng thương khi ngăn cản bọn chúng gây án (ảnh do ông Tư Bốn cung cấp). |
Ông Tư Bốn kể: “Năm Cam nói rằng, khi nghe tin tôi từ Tiền Giang về TPHCM giữ trọng trách trong ngành cảnh sát phụ trách phía Nam, ông ta biết chắc công việc “làm ăn” của mình sẽ gặp khó. Ban đầu Năm Cam nghĩ rằng sẽ mua chuộc được tôi, vì vậy mà ông ta chưa có những quyết sách gì lớn để đề phòng nguy hiểm, ngoài chuyện cho tay chân đi theo dõi để tìm cách tiếp cận, mua chuộc tôi”. Sau đó, Năm Cam đặt thẳng vấn đề với ông Tư Bốn: Xin được tha tội chết, Năm Cam chấp nhận làm tất cả những mọi chuyện, miễn sao được tha tội chết!
Trước khi đến trại giam gặp Năm Cam, trong tất cả những điều dự liệu trong đầu của ông Tư Bốn không có tình huống Năm Cam xin tha tội chết. Ông Tư Bốn nghĩ, một trùm “xã hội đen” khét tiếng ở Sài Gòn hẳn phải rất bản lĩnh và đầy cá tính. Nhưng trước mặt ông là một Năm Cam tham sống sợ chết. “Khi con người ta hành động không phải vì lý tưởng cao đẹp, mà chỉ vì lợi ích cá nhân, người ta rất sợ chết, họ sẵn sàng đổi tất cả để chỉ mong được sống” - ông Tư Bốn trầm ngâm.
Dù hơi bất ngờ trước lời đề nghị xin tha chết của Năm Cam, nhưng ông Tư Bốn cũng giải thích rành mạch: Mức hình phạt cho người phạm tội được quy định rõ trong Bộ luật Hình sự, tòa án sẽ xem xét mức độ phạm tội mà xử mức án. Trưởng ban chuyên án không có quyền đưa ra mức án. Luật pháp có xem xét giảm nhẹ hình phạt khi bị cáo thật thà khai báo những tội lỗi mà mình đã gây ra, hợp tác tốt với cơ quan điều tra. Sau lần gặp ông Tư Bốn, Năm Cam tỏ ra có sự hợp tác tốt hơn, lời khuyên của ông Tư Bốn đã có tác dụng.
Năm Cam chấp nhận án tử
Sau lần gặp nói trên, ông Tư Bốn còn có 3 lần nữa gặp Năm Cam trong trại giam, theo đề nghị của Năm Cam cũng có, mà vì công việc phục vụ công tác điều tra cũng có. Những lần gặp sau, Năm Cam không còn xin tha tội chết cho mình, mà chỉ mong tha tội chết cho các con của mình. Hẳn Năm Cam biết rằng tất cả những tội ác mà mình gây ra đã không thể che giấu được ông Tư Bốn và ban chuyên án, nên án tử là điều không thể tránh khỏi.
Nhưng khi nghĩ đến gia đình, Năm Cam đã mềm lòng trước nguy cơ các con mình cũng chịu án tử. Cũng với cách giải thích ân cần, từ tốn, ông Tư Bốn nói: “Các con anh có đáng tội chết hay không là tùy vào tội lỗi và sự thành khẩn của chúng nó, tòa án sẽ xem xét điều đó”.
Năm Cam nhận trách nhiệm thuộc về mình hoàn toàn, ông xin nhận hết tội lỗi, hòng giúp cho các con nhẹ tội. Cũng với giọng nhẹ nhàng, từ tốn, ông Tư Bốn ôn tồn giải thích với Năm Cam: “Luật pháp Việt Nam quy định ai gây ra tội thì người đó phải chịu trách nhiệm, không thể có chuyện một người chịu tội thay cho người khác, nếu các con anh thật sự không gây tội ác nghiêm trọng, chúng sẽ được xử nhẹ”.
Lần cuối cùng gặp ông Tư Bốn, Năm Cam không còn cầu xin, mặc dù vẫn nói nhiều, như muốn giãi bày, tâm sự. Năm Cam nói rằng, ông đã “tâm phục khẩu phục” trước ban chuyên án đứng đầu là ông Tư Bốn. Những chứng cứ, tình tiết mà ban chuyên án dày công điều tra, thu thập làm cho Năm Cam dù có muốn chối tội cũng không được. Năm Cam nói với ông Tư Bốn: “Lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng trong đời tôi chịu thua. Nhưng tôi không ân hận vì đã thua một người như ông”. Lần này thì Năm Cam đã cư xử không đáng hổ thẹn với tiếng tăm của một trùm “xã hội đen” Sài Gòn - nghiêng mình bái phục người đã hạ được mình.
Có lẽ trong những ngày dài trong trại giam, Năm Cam được ai đó kể về cuộc đời của ông Nguyễn Việt Thành từng chế lựu đạn dàn thun đánh Mỹ; một mình chống chọi lại cả đại đội đối phương; từng đánh gần 200 trận, bị thương đến 7 lần; từng cắn răng chịu đau, không một lời rên la khi bác sĩ mổ bụng “sống” để vá bao tử sau khi ông bị thương vào bụng… Chịu thua một “đối thủ” như thế, một kẻ giang hồ như Năm Cam hẳn không có gì phải hối tiếc!
Ngày thi hành án tử hình Năm Cam, ông Tư Bốn có mặt để thực thi nhiệm vụ. Ông hơi thất vọng về tư cách và hình ảnh của Năm Cam trước giờ đón nhận cái chết, sao mà quá bệ rạc, yếu đuối! Trong cuộc đời chiến đấu của mình, ông Tư Bốn đã chứng kiến bao cái chết hiên ngang của đồng đội, họ chết mà trên miệng vẫn nở nụ cười, họ chết trong niềm tin đất nước được độc lập thống nhất, trường tồn. Còn Năm Cam thì không bước nổi ra pháp trường và như đã chết trước khi đội thi hành án làm nhiệm vụ.
Kể về chuyên án “Năm Cam và đồng bọn”, ông Tư Bốn luôn giữ giọng ôn tồn, không bao giờ lộ vẻ giận dữ trên khuôn mặt hiền từ của ông. Không chỉ đến trại giam gặp Năm Cam, sau đó ông Tư Bốn cũng gặp hết các con của Năm Cam và ần cần khuyên họ nên thành tâm nhận tội, thật thà khai báo để nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
Người viết bài này nhớ lại, khi chuyên án “Năm Cam và đồng bọn” vừa kết thúc, một tờ báo ở TPHCM đã tổ chức giao lưu trực tuyến giữa ông Tư Bốn và bạn đọc gần xa. Trong suốt cuộc giao lưu dài, ông Tư Bốn rất ít nói về mình, mà luôn cho rằng chuyên án kết thúc thắng lợi là nhờ công sức của tập thể, của nhiều đồng đội, của sự chỉ đạo đúng đắn và kiên quyết của cấp trên, cùng sự đồng tình, ủng hộ của người dân.
Có những câu hỏi đặt ra theo hướng ly kỳ hóa chuyện phá án, nhưng ông Tư Bốn trả lời thực ra “Năm Cam và đồng bọn” không có gì là ghê gớm, mọi diễn biến của vụ án đều đã được ông và ban chuyên án lường trước, các ông không gặp bất cứ sự bất ngờ nào, kết cục của vụ án là không thể khác được.
Lúc chuyên án kết thúc thắng lợi, khi lãnh đạo TPHCM gửi biếu lẵng hoa và 20 triệu đồng tiền thưởng cho cá nhân ông Tư Bốn, ông chỉ nhận lẵng hoa, còn số tiền 20 triệu đồng ông gửi biếu để xây dựng khu lưu niệm cơ quan an ninh trong kháng chiến chống Mỹ ở căn cứ Tây Ninh.
Trước sau gì ông Tư Bốn đều khiêm tốn cho rằng, thành công của chuyên án “Năm Cam và đồng bọn” là kết quả của nhiều yếu tố, từ sự lãnh đạo sâu sát, kiên quyết của cấp trên; sự tận tụy của tập thể cán bộ, chiến sĩ trong ban chuyên án; sự hỗ trợ tích cực của 2 địa phương TPHCM và Tiền Giang; sự giúp đỡ, động viên của quần chúng, nhân dân…
(Còn tiếp)
Theo Laodong