Tướng Tư Bốn - Nguyễn Việt Thành: Cuộc đời lẫy lừng và chuyên án Năm Cam để đời (kỳ 1)

Thứ bảy, 20/04/2013, 09:54
Người dân cả nước biết tới Trung tướng Tư Bốn từ chuyên án “Năm Cam và đồng bọn”. Thực ra, ông Tư Bốn đã rất nổi tiếng ở tỉnh Tiền Giang từ thời chiến tranh và những năm đầu sau ngày giải phóng.

Ông đã được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân nhờ những thành tích trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước với hàng trăm trận đánh vang dội, lập nên nhiều chiến công hiển hách. Trong đó, đáng kể nhất là sáng kiến sử dụng cái ná thun bắn chim thời còn nhỏ để làm “lựu đạn dàn thun” bắn xa mấy trăm thước, làm đối phương mất ăn mất ngủ, tổn thất nặng nề.

Đi chiến đấu khi mới 14 tuổi

Như bao đứa trẻ ở vùng quê nghèo Chợ Gạo-Tiền Giang, cậu bé Huy (ông Tư Bốn có tên khai sinh là Nguyễn Văn Huy) cũng biết chơi bắn ná thun từ nhỏ. Khi mới 8 - 9 tuổi, cậu bé đã là tay thiện xạ bắn chim, bắn cá bằng ná thun. Từ những câu chuyện cổ tích được bà nội kể trong những trưa hè, cậu bé thấy ghét bọn quạ, diều chuyên đi bắt gà con, vịt con.

 

Đi chiến đấu khi mới 14 tuổi.

Có lần cậu bé Huy đã khóc thương chú gà con mà cậu vô cùng thương yêu đã bị lũ diều sà xuống bắt mất. Cậu bé quyết tâm phục bắn cho bằng được con chim ác. Con diều nọ lại tìm đến khoảnh sân nơi có mấy con gà con đang quanh quẩn bên gà mẹ. Gà mẹ phát hiện thấy con diều đang sà xuống, vội choàng đôi cánh mỏng che chở. Con diều đang say mồi, sà xuống sát bầy gà. Chỉ chờ có vậy, bé Huy buông ná, con diều lảo đảo và rơi xuống sân. Thiên hướng tiêu diệt cái ác càng lớn dần theo tuổi tác của Nguyễn Văn Huy.

Ngày chính quyền Ngô Đình Diệm lật lọng phản bội Hiệp định Giơnevơ, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, cậu bé Huy còn quá nhỏ để nhận thức vận mệnh của đất nước. Phong trào Đồng khởi nổi lên ở Bến Tre, rồi lan tới vùng quê Chợ Gạo, dù mới 13 tuổi, nhưng Huy đã phần nào ý thức được được thời cuộc, nhất là khi cậu bé chịu ảnh hưởng từ người cha và 2 người anh đều là cán bộ cách mạng. Năm 1961, khi mới 14 tuổi, Nguyễn Văn Huy xin phép gia đình đi tham gia du kích xã Thanh Bình để chiến đấu bảo vệ quê hương.

Vốn gan lì, chiến đấu dũng cảm, Huy sớm trở thành Phó rồi Trưởng Công an xã khi mới 17 - 18 tuổi. Năm 1966, Tiểu đoàn 514 của Tỉnh đội Mỹ Tho về Chợ Gạo đóng quân và tuyển thêm quân. Những cán bộ Tiểu đoàn 514 đã không bỏ sót một chiến sĩ trẻ khá nổi tiếng ở xã Thanh Bình. Huy từ giã gia đình, quê hương lên đường đi chiến đấu xa trong đội hình Tiểu đoàn 514.

Ông Tư Bốn trong nghĩa trang liệt sĩ xã Thanh Bình.

Ngày ấy các chiến sĩ trong tiểu đoàn không gọi nhau bằng tên (để giữ bí mật), mà bằng thứ, như anh Hai, anh Ba, anh Tư… Chiến sĩ thì đông, mà thứ thì chỉ có từ “Hai” đến “Mười”, nhiều lắm là “Mười Hai”, “Mười Ba”, vì vậy mà luôn có nhiều người cùng thứ với nhau.

Để phân biệt, các chiến sĩ phải thêm vào “tên phụ” cho từng người, như “Hai Một”, “Hai Hai”, “Hai Ba”, “Hai Bốn”… Tương tự, cũng có “Tư Một”, “Tư Hai”, “Tư Ba”, “Tư Bốn”... Nguyễn Văn Huy thứ tư trong gia đình, được ghép thêm “Bốn” vào, trở thành biệt danh “Tư Bốn”. Cũng là “song trùng”, nhưng “Tư Bốn” nghe ấn tượng hơn các tên khác như “Hai Hai”, “Ba Ba”, “Năm Năm”… Lúc đó, đâu ai ngờ cái tên “Tư Bốn” sau này sẽ có vị trí đặc biệt trong lịch sử tấn công tội phạm của ngành Công an nhân dân Việt Nam.

Thời ấy, không riêng gì ở Tỉnh ủy Mỹ Tho (nay là Tiền Giang), mà ở tất cả các tỉnh khác, Đại đội Vệ binh Tỉnh ủy rất “oai”, được xem là “oách” nhất trong lực lượng vũ trang của từng tỉnh. Đại đội Vệ binh Tỉnh ủy Mỹ Tho cũng vậy, rất nổi tiếng về thành tích chiến đấu bảo vệ cơ quan đầu não của tỉnh trong chiến tranh, nhưng hy sinh cũng nhiều, vì vậy phải thường xuyên bổ sung lực lượng tinh nhuệ.

Nhờ từng có thời gian làm Trưởng Công an xã nhà Thanh Bình, cộng với thành tích chiến đấu gan lỳ, Tư Bốn được xem xét lựa chọn bổ sung cho Đại đội Vệ binh Tỉnh ủy. Trước khi được nhận về Đại đội Vệ binh Tỉnh ủy, các chiến sĩ buộc phải trải qua thử thách. Cách thử thách ở Tỉnh ủy Mỹ Tho lúc ấy thật lạ: Người được thử thách được đưa về vùng Đồng Tháp Mười hoang vu (nay thuộc huyện Tân Phước, Tiền Giang), được giao cho 6 mẫu ruộng cùng 2 con trâu và 1 khẩu súng, vừa chiến đấu, vừa sản xuất giúp đơn vị tự túc lương thực.

Đồng Tháp Mười mùa mưa nước ngập trắng đồng, mùa khô không có nước ngọt, trong khi máy bay, xe lội nước của đối phương không ngớt càn quét. Ông Tư Bốn đã trải qua 18 tháng vừa chiến đấu, vừa sản xuất như thế. Ông đắp một gò cao để cùng đôi trâu lên đó tránh lũ, hằng ngày thả câu giăng lưới để bắt cá làm mắm gửi về đơn vị. Nước lũ vừa rút, ông cùng đôi trâu cày ruộng, gieo sạ, rồi thu hoạch lúa gửi về đơn vị. Có lần một mình ông chống lại mấy chiếc trực thăng quần đảo trên đầu, vừa bảo vệ đôi trâu, bảo vệ ruộng lúa sắp tới ngày thu hoạch. Cuối cùng, Tư Bốn là 2 trong 3 chiến sĩ vượt qua được thử thách khắc nghiệt, được nhận vào Đại đội Vệ binh của Tỉnh ủy Mỹ Tho vào năm 1967.

Từ ná thun tới lựu đạn dàn thun

Một lần ông Tư Bốn nghe kể du kích Tây Nguyên đánh địch bằng lựu đạn dàn thun. Đã từng bắn ná thun thuở nhỏ, ông hình dung ngay cách làm lựu đạn dàn thun. Ông nhờ mua 1kg thun khoanh, đem về bện lại làm dàn thun, xong ra gốc cây thực nghiệm. Trái “lựu đạn” giả bay đi được 50, rồi 100 mét, sau nâng dần lên 200, rồi 300 mét. Tư Bốn là “xạ trưởng” chỉ huy cả “pháo đội” 9 - 10 người tập bắn lựu đạn giả ngày đêm. Các ông xin ý kiến chỉ huy cho bắn lựu đạn thật vào một toán lính Mỹ đi càn, dừng chân ven địa hình.

Chỉ sau mươi phút triển khai đội hình, ngắm chỉnh thật kỹ, Tư Bốn hạ lệnh “bắn”, quả lựu đạn bay vút vào không trung, mấy giây sau một tiếng nổ chát chúa vang lên cùng tiếng kêu la của lính Mỹ. Từ lúc đó, ông Tư Bốn và các đồng đội làm cho đối phương mất ăn mất ngủ vì những trái lựu đạn không biết từ đâu bay tới. Cú bắn của các ông ngày càng điêu luyện, có thể cho lựu đạn nổ trước khi chạm đất vài mét, gây sát thương rất cao. Cách đánh bằng lựu đạn dàn thun của Đại đội Vệ binh Tỉnh ủy đã nhanh chóng được báo cáo điển hình và các đơn vị chiến đấu trong toàn tỉnh Mỹ Tho học tập sử dụng.

Từ sau Mậu Thân 1968, tỉnh Mỹ Tho bị bình định trắng, nhưng Tỉnh ủy Mỹ Tho vẫn bám địa bàn, vì vậy mà nguy hiểm luôn rình rập. Đại đội Vệ binh phải tổ chức thành 3 trung đội, bảo vệ Tỉnh ủy thành 3 vòng. Khi bị đối phương tấn công, vòng ngoài cùng đánh địch đầu tiên, cùng lúc vòng trong cùng tìm phương án đưa cơ quan Tỉnh ủy đến nơi an toàn. Trung đội của Tư Bốn được giao bảo vệ vòng ngoài cùng, vì vậy mà luôn chạm trán với đối phương đầu tiên. Với sự gan dạ và đánh địch hiệu quả, Tư Bốn nhanh chóng được đề bạt làm trung đội trưởng, rồi đại đội phó, đại đội trưởng. Có trận đánh kéo dài suốt 22 ngày đêm, cả hai bên đều chịu không ít thương vong.

Theo thống kê của bộ phận tổng kết chiến tranh tỉnh Tiền Giang, Đại đội Vệ binh Tỉnh ủy đã đánh tổng cộng trên 100 trận, tiêu diệt hơn 200 tên địch, làm bị thương 230 tên… Nhiều chiến sĩ trong đại đội hy sinh, bị thương, bản thân Đại đội trưởng Tư Bốn cũng 7 lần bị thương, nhưng cơ quan đầu não lãnh đạo kháng chiến của tỉnh luôn được bảo vệ an toàn. Tháng 8.1980, khi đang là Trưởng phòng CSGT Tiền Giang, ông Tư Bốn được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì thành tích xuất sắc bảo vệ Tỉnh ủy Mỹ Tho trong những năm chiến tranh và thành tích đánh địch bảo vệ cách mạng, bảo vệ nhân dân.

Ông Tư Bốn trước bia ghi tên liệt sĩ.


Ông Tư Bốn lần lượt nhận tin cha và 2 người anh ruột lần lượt hy sinh. Vì vậy, Tỉnh ủy Mỹ Tho không cho Tư Bốn tiếp tục đánh địch. Đầu năm 1974, ông được đưa về R học Trường Quân chính Trung ương. Đầu năm 1975, ông và các học viên lên đường bước vào trận đánh cuối cùng. Tư Bốn được cử là Tiểu đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 3 gồm các học viên của trường. Sáng 28.4.1975, Tiểu đoàn 3 của Tư Bốn cùng với quân chủ lực từ Sông Bé hành quân về Sài Gòn. Tiểu đoàn của ông đụng với lực lượng mạnh của đối phương quyết “tử thủ” ở Bến Cát. Trận đánh kết thúc, cửa ải Bến Cát đã thông, ông Tư Bốn đã đắp vội mấy nấm mồ cho đồng đội rồi lên đường tiến về giải phóng Sài Gòn!

Tiểu đoàn 3 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất sáng sớm 30.4. Bàn giao sân bay cho bộ phận khác, Tư Bốn cùng Tiểu đoàn 3 đánh chiếm Trường huấn luyện Quang Trung. Đến chiều, các ông tiến vào chiếm giữ Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn. Ông Tư Bốn kể: “Khi chúng tôi tiến vào chiếm Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, cả trăm nữ nhân viên trong trang phục áo dài thật đẹp đứng tập trung trước trụ sở chờ cách mạng vào để bàn giao. Sau khi bàn giao xong, họ về nhà hết. Đến lúc đó tụi tui mới để ý tới mấy chục chiếc xe Jeep đang nổ máy ở sân kho, sau này mới nghĩ có lẽ họ cho chạy bảo trì. Lúc đó tụi tui không ai dám đụng vào, cũng không biết tắt máy, xe cứ nổ máy cho tới khi hết xăng rồi tự tắt”.

Tướng về hưu

Nhà của ông Tư Bốn nằm giữa đồng, cách hương lộ vài trăm mét, có đường bêtông xe gắn máy chạy vào được. Nhà của ông bình thường như nhiều nhà dân trong vùng, có vườn rộng trồng nhiều cây ăn trái và rau sạch, nhiều ao nuôi cá làm “mồi” đãi khách.

Khu lưu niệm Căn cứ Tỉnh ủy Mỹ Tho ở xã Long Tiên, huyện Cai Lậy. Nơi đây, ông Tư Bốn cùng đồng đội đã đánh địch nhiều trận.


Từ lúc ông về nghỉ hưu (đầu năm 2009) ở xã Thanh Bình quê hương, ông đã dành nhiều thời gian, công sức đi vận động xây dựng nhiều phòng học, nhà tình nghĩa, tình thương… cho xã nhà và các tỉnh lân cận. Ông quan niệm cuộc đời mình mang nợ quá nhiều quê hương, bà con, đồng chí, đồng đội... Khi còn làm việc, thời gian không cho phép ông “trả nợ” ân tình, giờ về hưu rảnh rỗi, ông dành hết thời gian, sức lực còn lại để trả món nợ vô hình ấy. Công trình ông tâm đắc nhất mà ông đã vận động xây dựng chính là nhà thờ cúng liệt sĩ và nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ xã Thanh Bình (với kinh phí khoảng 800 triệu đồng), được thực hiện vào năm 2011. Đây là nghĩa trang liệt sĩ cấp xã đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long có nhà thờ cúng liệt sĩ.

Gặp chúng tôi, ông Tư Bốn kể nhiều về những kỷ niệm thời kháng chiến, khi ông cùng đồng đội được nhân dân đùm bọc, che chở. Quê ông là vùng đồng bằng trống trải, không có “địa hình” để các chiến sĩ ẩn náu. Các chiến sĩ phải xây dựng căn cứ trong lòng dân, dựa vào dân mà chiến đấu. Nhiều gia đình phải chịu tra tấn, hy sinh để bảo vệ cách mạng, bảo vệ lực lượng cách mạng. Cả xã Thanh Bình có gần 400 liệt sĩ.

Ông Tư Bốn đưa tôi đi thăm nghĩa trang. Hàng trăm ngôi mộ thẳng tắp, màu sơn còn mới, nhiều cây cảnh được trồng dọc theo lối đi. Ở cuối nghĩa trang là nhà thờ cúng liệt sĩ với bức phù điêu khá lớn miêu tả một trận đánh oai hùng của quân và dân xã Thanh Bình. Nằm bên nhà thờ cúng liệt sĩ là dãy nhà không vách, lợp ngói, lát gạch tàu, là nơi thân nhân liệt sĩ ngồi nghỉ, dùng cơm khi đến viếng người thân. Mỗi năm 2 lần vào dịp 27.7 và Tết cổ truyền, thân nhân các liệt sĩ sẽ được mời về đây để thăm viếng mộ người thân, được mời dùng bữa cơm, ôn lại truyền thống gia đình.

Đó cũng là dịp để ông Tư Bốn thăm hỏi, tìm hiểu hoàn cảnh những gia đình đã hy sinh cho đất nước, đã che chở ông trong những năm chiến tranh, để ông tìm cách giúp đỡ họ. Ông đưa tôi đi dọc theo các dãy mộ, thỉnh thoảng lại dừng lại kể về chiến tích, sự hy sinh anh dũng của một liệt sĩ nào đó nằm dưới mộ. Có một lúc ông đứng tần ngần bên 2 nấm mộ, nói rất nhỏ như thể nói với chính mình: “Đây là 2 nấm mộ của 2 người anh của anh Tư”. Sau đó tôi được biết, trong số gần 400 liệt sĩ của xã Thanh Bình có cha và 2 người anh ruột của ông Tư Bốn, mẹ của ông được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Nhìn ông Tư Bốn thanh thản đi khắp khu nghĩa trang nhỏ ở một xã vùng quê, đọc từng tên tuổi của các liệt sĩ trên mộ bia, tôi thấy như thể tất cả những chiến công vang dội đã qua của ông chỉ là nhiệm vụ ông phải hoàn thành, còn những giây phút yên bình bên các đồng đội đã ngã xuống mới là lúc ông thấy hạnh phúc, thanh thản nhất.

Từ khi về hưu, nhà ông Tư Bốn không lúc nào ngớt khách, thậm chí có khi khách còn nhiều hơn lúc ông đang còn đương chức. Ngày trước ông tiếp khách liên quan đến công việc mà mình phụ trách, kể cả những người khách đến nhờ giúp đỡ chuyện gì đó. Còn bây giờ những người khách là bạn bè, anh em đến thăm hỏi xem ông sống ra sao, những người dân bình thường từng được ông giúp đỡ, hoặc đơn giản chỉ là những người ngưỡng mộ ông, muốn biết một vị tướng lừng danh khi về nghỉ hưu sống ra sao, sức khỏe thế nào.

Một lần, khi đang trò chuyện với tôi, điện thoại di động của ông Tư Bốn reo vang. Sau khi nói chuyện điện thoại, ông cười tươi cho tôi biết một người phụ nữ ở tỉnh Kiên Giang xa xôi vừa điện thoại tới thăm hỏi và cảm ơn ông. Ông không thể nhớ người gọi cho mình là ai, nhưng ông chắc chắn rằng đó là người từng tham gia khiếu kiện đông người ở TPHCM.

Ông nhớ lại, khi ông đang căng thẳng đấu tranh chuyên án “Năm Cam và đồng bọn”, có tình trạng bà con nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đi khiếu kiện đông người tại các cơ quan trung ương đóng tại TPHCM. Một bữa, khi đang làm việc tại cơ quan (số 258 Nguyễn Trãi, quận 1, TPHCM), ông bỗng nghe lao xao trước cổng cơ quan, thì ra có một đoàn người khiếu kiện từ các tỉnh miền Tây xin gặp ông. Ông cho mời hết bà con vào hội trường, gồm tổng cộng khoảng 400 người, đi khiếu kiện chủ yếu về đất đai. Ông chăm chú lắng nghe bà con trình bày những nguyện vọng, bức xúc của họ. Ông hứa sẽ làm việc với các tỉnh có người khiếu kiện để xem xét những điều bà con khiếu nại.

Xong, ông Tư Bốn cho thuê 10 chiếc xe khách để chở bà con về quê, khi lên xe mỗi người còn được tặng ổ bánh mì thịt và chai nước để lót dạ. Một vài người rụt rè hỏi xin ông “con rít”. Một thoáng bất ngờ, đến khi hỏi kỹ lại, ông Tư Bốn mới biết “con rít” mà họ xin ông là… cácvidít (danh thiếp), trên ấy có số điện thoại của ông. Ông Tư Bốn kêu người thư ký đem hết mấy hộp “con rít” của ông để tặng cho tất cả bà con, nhờ vậy mà sau này họ có số điện thoại của ông.

Giữ đúng lời hứa với bà con, sau đó ông đã làm việc với các tỉnh về chuyện người dân khiếu kiện và theo dõi việc giải quyết của họ, nhờ vậy mà có nhiều trường hợp được trả lại sự công bằng. Những người ấy theo số điện thoại trong “con rít” ngày nào gọi thăm hỏi và cảm ơn ông, đến giờ thỉnh thoảng họ vẫn gọi, có không ít người tìm đến tận nhà thăm ông, tặng ông nải chuối, chục hột vịt... gọi là trả ơn.

Một lần khác, ông đã đón gần 100 người dân khiếu kiện về hội trường của cơ quan để tiếp. Hầu hết họ là phụ nữ lớn tuổi đến từ nhiều tỉnh, họ khiếu nại chuyện chính quyền địa phương đền bù giải tỏa không thỏa đáng khi lấy đất của họ thực hiện các dự án. Ông Tư Bốn tiếp họ thân mật như những người bạn. Ông bắt tay từng người, cười nói vui vẻ, bà con ban đầu còn rụt rè, sau trở nên thân tình lúc nào không hay.

Mở đầu cuộc trò chuyện, ông Tư Bốn thẳng thắn phê bình một số bà con đã trương biểu ngữ "Đả đảo chính quyền tham nhũng". Ông giải thích với bà con, chính quyền là của dân, nếu có cán bộ tham nhũng chỉ là cá nhân, bà con cần phải khiếu nại đúng người, đúng tội, đi kiện đúng nơi mới giải quyết được.

Làm được như vậy bà con không phải vất vả bỏ công ăn ở dưới quê, những cơ quan có trách nhiệm cũng dễ giải quyết nguyện vọng của bà con. Bà con im lặng lắng nghe ông, khi ông dứt lời, họ đồng loạt vỗ tay. Khi cuộc trò chuyện còn chưa kết thúc, ông Tư Bốn đã đọc bản fax từ UBND tỉnh An Giang cho bà con nghe: "Kính gửi bà con khiếu nại tỉnh An Giang đang ở TPHCM, thực hiện ý kiến của Trung tướng Nguyễn Việt Thành, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ tổ chức tiếp bà con, xem xét ý kiến của bà con hiện đang khiếu kiện ở TPHCM. UBND tỉnh kính mời bà con về tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh sẽ tổ chức tiếp bà con vào sáng 27.9.2006...".

Nhắc về “bí quyết” thuyết phục bà con khiếu kiện ngày trước, ông Tư Bốn hiền hậu nói: “Bà con đi khiếu nại có cái đúng, có cái sai. Mình phải lắng nghe đầy đủ, thông cảm cho họ, chỉ rõ thật dễ hiểu cái nào bà con sai để họ biết, đồng thời cái nào bà con đúng thì mình phải giải quyết có tình có lý, từ đó mà bà con tin tưởng, không đi khiếu kiện mất thời gian, phiền phức”.

Theo Laođong

Các tin cũ hơn