Số liệu do chính Công an TPHCM công bố hôm qua cho thấy chỉ trong đúng 30 ngày, toàn thành phố đã xảy ra gần 1.500 vụ phạm pháp hình sự, làm chết 27 người, 198 người bị thương, tài sản bị thiệt hại trên 59 tỉ đồng.
Để cho dễ nhớ, thì mỗi ngày xung quanh Chợ Lớn xảy ra 50 vụ, làm chết 1 người. Còn Tướng công an Nguyễn Phi Hùng thừa nhận một thực tế với 3 chữ “vẫn”: Tội phạm vẫn gia tăng; vẫn còn những vụ án đặc biệt nghiêm trọng; vẫn còn các băng nhóm 'xã hội đen' hoạt động chi phối nhiều địa bàn.
“Hàng lạnh” của một băng nhóm tội phạm bị Công an TPHCM thu giữ
Chắc các bạn còn nhớ, một trong những lý do mà “hội đồng 9 vị” đưa ra để “chém” Bụi đời Chợ Lớn là vì “xã hội đen ngang nhiên hoành hành” mà “tuyệt nhiên không có sự xuất hiện hay can thiệp của bất kỳ lực lượng xã hội nào”. Logic của “hội đồng 9” vị rất đơn giản: Chúng nó đâm chém nhau như thế mà không có mặt cảnh sát thì nhà chức trách ngủ chắc (?!).
Một “bản tin 300” chữ trên Tuổi Trẻ vừa trả lời đanh thép rằng cảnh sát chắc chắn không ngủ. Có điều họ còn đang bận “làm rõ”, bận “xác định” để “báo cáo”.
Chúng ta đang nói đến vụ đồ sát người yêu kinh hoàng trong quán cơm xảy ra hôm 14/2, tại một địa điểm “bên nách Chợ Lớn” khi “kẻ thất tình”, tay lăm lăm mã tấu, chờ cô người yêu đi báo công an xong, từ đồn công an ra liền ra tay truy sát.
Bản tin dù cực ngắn của Tuổi Trẻ có mấy tình tiết khiến những người dân tay không tấc sắt cảm thấy ngậm ngùi:
Sổ sách của Công an phường 25 không ghi nhận việc nạn nhân tố cáo. “Anh em công an cũng không gặp chị Hằng để nghe phản ánh gì”. Không có phản ánh việc hung thủ từng mang xăng đến phòng trọ.
Một tuần trước khi xảy ra vụ án mạng, nạn nhân có gửi đơn cho Công an Q.Bình Thạnh tố giác việc “kẻ thất tình” tung hình nhạy cảm và nói xấu chị trên mạng. Công an Q.Bình Thạnh đã chuyển đơn của nạn nhân về Công an P.22 yêu cầu làm rõ và báo cáo sự việc.
Công an P.22 đã cử công an khu vực đến địa chỉ mà chị Hằng ghi trong đơn để xác minh; nhưng đây chỉ là căn nhà do một người anh của hung thủ thuê lại để mở tiệm hàn cửa sắt. Công an P.22 không xác định được Khuyến ở đâu để mời đến làm việc.
Chị Hằng có đến Công an phường 22 trình bày vụ việc vào trưa 13/4 và vừa rời trụ sở công an thì bị sát hại. Xem xét trách nhiệm của công an phường ư? Khó lắm.
Nạn nhân đã tử vong và vì vậy, chẳng ai cãi thay cho chị việc có tố cáo hay không tố cáo, có kêu cứu hay không kêu cứu.
Nhưng dù sao, chúng ta có thể hình dung nỗi lo sợ và hoảng loạn khi nạn nhân ít nhất 2 lần đã kêu cứu- từ công an cấp quận đến CA cấp phường- khi chị bị tung hình lên mạng, bị mang can xăng đến nhà trọ, bị dọa giết. Và kết cục - khi hung thủ vung lưỡi dao tàn khốc - đã “không có sự xuất hiện hay can thiệp của bất kỳ lực lượng xã hội nào”.
Xin đừng đổ lỗi cho “sự vô tình” của những nhân chứng bất đắc dĩ can thiệp trong quán cơm. Họ bỏ chạy. Họ sợ, vì họ không phải là công an. Họ không có súng, không có dùi cui.
Tháng 7 năm ngoái, khi bức ảnh “Cảnh sát giao thông kiệt sức và hi sinh khi cứu sống 2 mẹ con bị ngã xuống sông ở Nghệ An” được đăng tải trên mạng xã hội, đã có tới 16.008 lượt người ấn "like" và hơn 3.334 comment bày tỏ lòng tiếc nuối và sự cảm kích. Dù sau đó, báo chí phát hiện đây là một vụ “buôn thịt lừa”, nhưng điều không thể phủ nhận là sự hi sinh vì dân nào cũng sẽ được người dân tưởng nhớ.
Một số liệu của ngành công an công bố nhân dịp 50 năm ngày truyền thống của lực lượng cho biết, đã có 150 cảnh sát hi sinh và hơn 800 cảnh sát bị phơi nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ.
Chúng ta không phủ nhận vai trò của người công an, khi mà máu của các anh đã đổ không ít vì sự bình yên của dân chúng; nhưng chúng ta cũng không quên lời khẩn cầu trong tuyệt vọng của nạn nhân - có lẽ, cũng không phải là cá biệt.
Theo Laodong