Hôm 25/4, Seoul đã gia hạn 24 giờ cho Bình Nhưỡng để cân nhắc việc tiến hành các cuộc thảo luận tái khởi động tổ hợp công nghiệp Kaesong – biểu tượng chung duy nhất còn lại giữa 2 nước, đồng thời cảnh báo thi hành các "biện pháp nghiêm khắc" nếu Triều Tiên từ chối đàm phán.
Lối vào khu công nghiệp chung Kaesong
Phát ngôn viên Bộ Thống Nhất Hàn Quốc - Kim Hyung-Seok cho biết: "Cho tới nay, Triều Tiên chưa đưa ra bất cứ phản ứng nào. Chúng tôi vẫn đang chờ câu trả lời và chưa thể biết chính xác chuyện gì sắp xảy ra".
Lời cảnh báo của Hàn Quốc được xem là một hành động đe dọa "không thấm tháp gì" so với việc Triều Tiên rút một lượng lớn công nhân khỏi khu công nghiệp chung Kaesong. Hôm 9/4, Bình Nhưỡng đã cho rút toàn bộ 53.000 công nhân và đình chỉ hoạt động tại đây, buộc quân đội Hàn Quốc tiến hành các biện pháp bảo vệ an toàn cho công nhân nước này.
Khu công nghiệp chung Kaesong nằm sâu trong lãnh thổ Triều Tiên 10km và vốn là nơi làm việc của 53.000 công nhân Triều Tiên thuộc 123 công ty của Hàn Quốc.
Các công ty Hàn Quốc tại khu công nghiệp chung Kaesong quyết tâm duy trì hoạt động sản xuất và bảo vệ khoản đầu tư tại đây bất chấp mọi quyết định của Seoul. Phát ngôn viên của các công ty Hàn Quốc tại Kaesong - Ok Sung-Seok trả lời giới báo chí rằng: "Chúng tôi quyết bảo vệ Tổ hợp Công nghiệp Kaesong bất chấp mọi khó khăn vấp phải".
Thời gian gần đây, bán đảo Triều Tiên liên tiếp đã bị quấn vào vòng xoáy căng thẳng quân sự đặc biệt sau vụ thử hạt nhân lần thứ 3 hồi tháng 2 cũng như việc Bình Nhưỡng quyết định chặn đường di chuyển của công nhân Hàn Quốc vào khu công nghiệp Kaesong hôm 3/4.
Được thành lập vào năm 2004, tổ hợp công nghiệp Kaesong được xem là nguồn thu lớn cho nền kinh tế yếu kém của Triều Tiên thông qua số tiền thuế và lợi nhuận khấu trừ từ lương nhân công. Khu công nghiệp Kaesong còn là nơi thu hút nguồn nhân công có kỹ năng cao và giá rẻ, giúp các công ty Hàn Quốc thu lợi nhuận 469,5 triệu USD vào năm 2012.
Theo Infonet