Nhiều xe container bị lật trên cầu vượt Cát Lái: Thiết kế hại tài xế?

Thứ sáu, 10/05/2013, 09:55
Sau 2 năm đưa vào sử dụng, trên đoạn cua của cầu vượt Cát Lái (Q2, TP.HCM), trung bình mỗi quý xảy ra 1 vụ lật xe container, thùng xe văng xuống đường khiến người dân vô cùng lo sợ. Nếu không kịp thời tìm nguyên nhân khắc phục, tai nạn chết người có thể xảy ra bất cứ lúc nào...

Xe lật như... động đất

Công trình cầu vượt Cát Lái được Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và cải thiện môi trường nước TP.HCM khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm 2010. Sau 2 năm, theo thống kê của Công an Q.2, trên đoạn đường này đã xảy ra 8 vụ lật xe container.

Là một chuyên gia về giao thông, thường xuyên đi lại trên Xa lộ Hà Nội, Thạc sỹ Phạm Sanh (Đại học Giao thông vận tải) không khỏi lo ngại về những vụ xe container bị lật trên cầu vượt Cát Lái. Tuy chưa xảy ra chết người nhưng mức độ nguy hiểm tiềm ẩn của những vụ tai nạn này rất đáng báo động.

“Một thùng container có trọng lượng thông thường từ 20 đến 30 tấn, chiều dài từ 6 đến 12m, rơi xuống từ độ cao gần 10m, chắc ai cũng đoán được điều gì có thể xảy ra khi bên dưới rất nhiều phương tiện lưu thông”, ông Sanh lo ngại.

Anh Đoàn Trung sống ở Quận 2, TP.HCM cho biết, nhà anh gần cầu vượt, mỗi lần xe container lật nghe như động đất, mặt cầu rung chuyển, người dân qua lại bên dưới cầu vượt rất lo sợ xe bay qua thành cầu rơi xuống đầu.

Ở góc độ vận tải, ông Lương Hoàng Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho rằng cần tìm ra nguyên nhân căn bản để giải quyết triệt để tai nạn ở đây.

“Không thể cứ thấy tai nạn là hạn chế tốc độ. Nếu là lỗi do tài xế thiếu kinh nghiệm khi lái xe vào cua, lên dốc, chạy quá tốc độ... thì cắm thêm biển cảnh báo. Nhưng nếu lỗi về kỹ thuật thì phải có cách xử lý để đảm bảo an toàn một cách lâu dài”, ông Trung kiến nghị.

Cũng cần nói rằng, ngay sau khi xảy ra những vụ tai nạn đầu tiên, Sở GTVT đã thực hiện các giải pháp khắc phục như lắp dải phân cách mềm, cắm biển báo hạn chế tốc độ xuống còn 30km/h thay vì 40km/h như trước.

Tuy nhiên, tai nạn không dừng lại. Mỗi lần có xe container kềnh càng lật, giao thông lại ách tắc, người dân tiếp tục hoang mang. Mới đây nhất là ngày 7/5, một xe container khi qua khúc cua này cũng bị lật trên cầu. Thùng container rơi ra khỏi rơ - moóc, nằm chênh vênh bên thành cầu.

Ông Hà Ngọc Trường - Phó Chủ tịch thường trực Hội Cầu đường cảng TP.HCM cho rằng, lỗi đầu tiên phải xét đến chủ quan của tài xế. Nếu chạy vượt quá tốc độ, không khóa chốt thùng container vào rơ - moóc thì khi xe qua góc cua sẽ bị rơi thùng.

Theo ông Trường, tai nạn phần nhiều do tài xế thiếu kinh nghiệm khi đi qua đây. Với độ dốc cầu là 4% thì tài xế phải lấy đà từ xa, không thể khi lên dốc rồi mới nhấn ga, ôm cua, cùng với trọng lượng của thùng xe lớn thì sẽ bị lật ngay.

Ông Trường bác bỏ ý kiến cho rằng, độ cua quá lớn là nguyên chính gây tai nạn. “Không thể đổ lỗi nguyên nhân do cầu được, bởi thiết kế là do tư vấn Nhật thực hiện và được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước thẩm định”, ông Trường nói.

Cầu thế, sao tránh được tai nạn (!)

Trong khi đó, Thạc sỹ Phạm Sanh cho rằng, nguyên nhân sự cố thường xảy ra ở cầu vượt Cát Lái cơ bản bắt nguồn từ sai sót thiết kế, thẩm định và phê duyệt thiết kế. Thiết kế quá rủi ro, đẩy công trình đến mấp mé trạng thái giới hạn sử dụng, làm sao tránh được tai nạn ? Nếu thiết kế hoàn toàn đúng thì Sở GTVT cần gì phải giới hạn vận tốc xe, ban đầu là 40km/h, sau xuống 30km/h? - ông Sanh phân tích.

Cùng quan điểm này, ông Vũ Kiến Thiết - Giám đốc Khu QLGTĐT số 2 (Sở GTVT TP.HCM) cũng cho rằng thiết kế độ mở rộng bụng của đường cong trên cầu vượt Cát Lái còn thiếu khoảng 1m so với Tiêu chuẩn Việt Nam.

Hiện trường một vụ lật xe container trên cầu Cát Lái

Sở GTVT đang tiến hành việc lắp đặt camera quan sát bao gồm camera PTZ có độ phân giải cao đặt trên trụ chiếu sáng của cầu vượt A, cách mặt cầu 5m. Camera cố định sẽ quan sát làn xe và có hệ thống đo tốc độ phương tiện.

Những trường hợp chạy quá tốc độ sẽ bị xử lý khi qua khỏi cầu. Nhưng theo các chuyên gia, giải pháp này chưa thực sự căn cơ. Bởi xe chạy quá tốc độ thì có khi đã tự gây tai nạn trên cầu trước khi bị xử phạt.

Sở GTVT đã yêu cầu Khu QLGTĐT số 2 nghiên cứu, bổ sung các nội dung thử nghiệm điều chỉnh từ 2 làn xe chạy thành 1 làn xe. Xác định quỹ đạo xe chạy, trên cơ sở đó, xác định bề rộng làn xe, bố trí vạch sơn trong khu vực đường cong phù hợp với quỹ đạo xe lưu thông theo từng tốc độ thử nghiệm.

Một cán bộ Sở GTVT cho biết, ngoài việc ghi nhận hình ảnh, tốc độ xe chạy cần ghi nhận thêm thao tác xử lý, cảm nhận của người điều khiển xe tương ứng với tốc độ thử nghiệm.

Thử nghiệm trường hợp có 2 xe lưu thông cùng lúc tại vị trí đường cong tương ứng với tốc độ thử nghiệm. Qua thực tế, ghi nhận quỹ đạo xe lưu thông làm hư hỏng các cọc tiêu phân làn để xác định điều chỉnh vị trí lắp đặt cho phù hợp.

Ngoài ra, phải đo độ nhám mặt đường làm cơ sở đề xuất phương án sửa chữa để tăng cường độ nhám. “Từ kết quả thử nghiệm sẽ được căn cứ để đề xuất giải pháp phù hợp, đầy đủ và hoàn chỉnh hơn”, vị cán bộ này khẳng định.

Nguyễn Việt Hùng - Công ty TNHH Vận tải Công Thành: 
Không hiểu sao tai nạn hoài?

Xe của công ty tôi mỗi ngày đi qua đây hàng chục chuyến. Dù được công ty cảnh báo liên tục phải làm chủ tốc độ khi đi qua đoạn này, nhưng tôi vẫn rất lo lắng. Hàng chất trong thùng container ra sao tôi không biết, trong khi đó khớp nối giữa rơ móoc với đầu kéo là khớp động trên một điểm nhỏ. Chỉ cần chạy hơi nhanh khi ôm cua sẽ tạo ra lực ly tâm lớn, lúc đó rơ moóc có thể tung ra khỏi đầu kéo gây tai nạn như chơi. Mà kể cả mình không gây tai nạn nhưng nếu xe đi đằng trước gây tai nạn mà chở hóa chất thì xe mình đi sau lãnh đủ.

Vừa rồi, Sở GTVT có cắm biển báo hạn chế tốc độ nhưng lại cắm quá gần, khiến tài xế không kịp trở tay. Theo tôi, nên cắm biển báo từ xa mới có tác dụng cảnh báo. Điều tôi và anh em lái xe thắc mắc là tại sao trên nhiều tuyến quốc lộ khác có nhiều khúc cua còn gắt hơn ở cầu vượt Cát Lái nhưng không xảy ra tai nạn mà ở đây xảy ra hoài?

Theo Giaothongvantai

Các tin cũ hơn