Cần cạp cát vào pon tông ở sông Thị Vải - Ảnh: Hoài Nam |
Hút đêm, hút ngày
"Đêm nào cũng vậy ở cả hai bên cầu, các ghe của cát tặc hoạt động ầm ầm mà có ai tới bắt đâu. Nếu nước cạn chúng hút ở giữa sông, còn khi nước lên thì chúng vào gần bờ hút, ở đây ai cũng biết tình trạng cát tặc quá lộng hành hết năm này qua năm khác". Một người dân địa phương bức xúc nói. |
Khi màn đêm buông xuống, đứng trên cầu Hóa An (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) nhìn xuống sông Đồng Nai, PV bắt gặp cảnh hàng chục đội quân trộm cát hùng hậu, nổ máy ầm ầm hút cát dưới lòng sông rất công khai.
Khoảng 30 phút là một ghe đầy ắp cát rồi chuyển sang một ghe khác để đưa về vựa. Sau đó đội quân này tiếp tục hút cát vào ghe đến khi trời sáng mới ngưng.
“Đêm nào cũng vậy ở cả hai bên cầu, các ghe của trộm cát hoạt động ầm ầm mà có ai tới bắt đâu. Nếu nước cạn chúng hút ở giữa sông, còn khi nước lên thì chúng vào gần bờ hút, ở đây ai cũng biết tình trạng trộm cát quá lộng hành hết năm này qua năm khác”, một người dân địa phương bức xúc nói.
Để kiểm chứng lời người dân này nói, liên tục nhiều đêm giữa tháng 6/2013, PV ghi nhận nạn trộm cát ở đây hoạt động khá rầm rộ.
Không chỉ ở hai bên cầu Hóa An, những đội quân này còn liên tục di chuyển len lỏi vào sâu thượng nguồn của sông Đồng Nai để hoạt động. Nhằm đối phó với cơ quan chức năng, ban ngày các ghe hút cát đậu ở những con rạch hoặc ven sông, chờ đêm xuống mới ra tay.
Thời gian hoạt động từ 20 giờ đêm hôm trước (nhưng nếu có động thì lùi lại từ 22 giờ) cho đến 5 giờ sáng ngày hôm sau. Mỗi “ca làm việc như thế”, mỗi đội quân hút cát (một đội là một ghe và 5 thợ) hút trộm trung bình 5 ghe, khoảng 70 m3 cát.
Không lén lút như sông Đồng Nai, ở sông Thị Vải đoạn gần cảng Gò Dầu (thuộc H.Long Thành, Đồng Nai), hàng chục ghe của lực lượng trộm cát công khai “làm ăn” giữa ban ngày, máy nổ ầm ầm vang trời, bất chấp ghe, sà lan qua lại trên khúc sông này.
Theo ghi nhận của PV, không chỉ hút cát công khai, ở đây còn có những sà lan đậu cách đó khoảng 100 m để thu mua cát tại chỗ của trộm cát. Vì vậy, mỗi khi hút đầy một ghe, trộm cát lại di chuyển ra chỗ sà lan để bán cát rồi quay đầu về để tiếp tục hút cát. Khi hết dầu, sẽ có ghe cung cấp đậu sẵn. Thậm chí, ở đây còn có cả cần cạp được điều tới để cạp cát lên sà lan và pon tông.
Ngày càng tinh vi
Bán cát trộm cũng có hóa đơn !? Trong vai người mua cát, PV liên lạc với một ông chủ tên D. đang chỉ huy nhiều đội quân cát tặc ở sông Đồng Nai, có sử dụng cả cần cạp cát. Sau khi đồng ý giá mua, chúng tôi đề nghị phải có hóa đơn đi đường vì sợ CSGT đường thủy kiểm tra, lập tức người này quả quyết sẽ có hóa đơn nhưng nói rõ: nếu mua 1.000 m3 cát anh ta chỉ viết hóa đơn từ 200 - 300 m3! Trong khi đó, làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước (H.Tân Uyên, Bình Dương), cho biết trên địa bàn xã ông có tới 14 bãi cát, nhưng khi kiểm tra thì họ đều có hóa đơn đầy đủ! |
Theo tìm hiểu của PV, ở sông Đồng Nai có hàng trăm đội quân trộm cát hoạt động từ cầu Hóa An lên tận gần hồ Trị An. Trước đây, một đội trộm cát gồm một ghe, máy hút cát và hai người vận hành. Thế nhưng, hiện nay một đội trộm cát có thêm thợ lặn để tăng công suất hoạt động.
Cụ thể, mỗi đội trộm cát gồm một ghe có từ 4 đến 5 người, trong đó có đến 3 thợ lặn. Trong lúc hút cát, thợ lặn chịu trách nhiệm lặn xuống điều khiển đầu ống hút vào những nơi có cát, thậm chí nếu hút gần bờ sẽ đưa thẳng đầu ống cắm vào bờ để tìm cát.
Nhờ đó, nếu trước đây mỗi chuyến phải hút khoảng một giờ đồng hồ mới đầy một ghe, thì hiện giảm xuống còn từ 20 đến 30 phút là đầy một ghe cát (10 đến 15 m3).
“3 thợ lặn thay phiên nhau, mỗi lần lặn xuống thời gian khoảng 10 đến 15 phút là lên để thợ lặn khác xuống điều khiển đầu ống. Mỗi đêm tụi em hút được khoảng 5 đến 7 ghe cát, chủ vựa cát trả công từ 800.000 đến 1 triệu đồng.
Sau mỗi đêm đều có tiền nhưng cũng rất nguy hiểm bởi nhiều lần ham cát đẹp, em cắm thẳng vào bờ đã tạo ra cái hầm và đã bị sập, rất may lúc đó hầm không lớn nên em ngoi lên bờ được” - anh N., một thợ lặn của đội quân trộm cát, tâm sự.
Cũng theo thợ lặn này, mỗi ghe cát đều sử dụng ống dài từ 30 đến 50 m, thậm chí 70 m. Vì vậy, khi ghe ở ngoài giữa sông nhưng đầu ống được các thợ lặn đưa cắm thẳng vào trong bờ, kiểu làm này cát rất đẹp lại nhanh nên công cũng được trả khá cao.
Khi lực lượng chức năng xuất hiện, các nhóm trộm cát nếu không chạy thoát sẽ đánh chìm ghe, thợ lặn, thợ máy bơi vào bờ. Họ đợi đoàn kiểm tra rút đi, thì thợ hút cát lại ra vớt lên.
Chúng tôi hỏi có khi nào bị bắt chưa, thợ lặn trên khẳng định chưa khi nào bị bắt, dù anh có thâm niên trên 10 năm tham gia đội quân trộm cát (!?).
“Bị bắt là tồi nhất trong nghề hút cát trộm, bởi chủ vựa cát đều tuyển những người bơi giỏi. Vì vậy, chỉ đánh chìm ghe là công an có đông và giỏi cỡ mấy cũng không làm gì được bởi lúc đó tụi em lặn sâu xuống sông bơi còn nhanh hơn chạy, chẳng có ông công an nào dám nhảy xuống mà bắt tụi em hết…” - thợ lặn tên N. kể.
Cảnh thợ lặn chuẩn bị và lặn xuống sông (ảnh chụp lúc 0 giờ 21 ngày 22/6) - Ảnh: Hoài Nam
Những đội quân hút cát vào nửa đêm trên sông Đồng Nai - Ảnh: Hoài Nam |
(còn tiếp)
Theo Thanhnien