Đánh chìm ghe khi bị vây bắt
Nói đến nạn trộm cát không chỉ người dân mà các cơ quan cũng ngán. Ngán bởi cách thức hoạt động tinh vi, manh động, thậm chí sẵn sàng sử dụng hung khí tấn công lực lượng vây bắt trước khi đánh chìm ghe để nhảy xuống sông thoát thân. Lực lượng chức năng rất khó bắt giữ các đối tượng này, bởi đó đều là những thợ lặn, bơi rất giỏi, chỉ cần nhảy xuống sông là mất tăm.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước (H.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), từ đầu năm 2013 đến nay, đã có ba lần lực lượng chức năng của xã bị bọn trộm cát chống trả khi tham gia vây bắt. Nhưng với quyết tâm ngăn chặn nạn trộm cát hoành hành trên sông Đồng Nai, đoạn đi qua xã Thạnh Phước, xã vẫn bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra, truy bắt trộm cát.
Theo đó, ngoài một ca nô túc trực sẵn sàng, xã còn đóng chốt ở điểm nóng để truy bắt cát tặc. Điểm nóng được ông Minh cho biết là cồn Đá Lửa, bởi nơi đây có nhiều cát đẹp.
Cũng theo ông Bình, mỗi lần công an xã và dân quân truy bắt cát tặc, may mắn lắm mới thu giữ được tang vật là ghe cát, còn đa phần thợ hút cát dùng thủ đoạn đánh chìm ghe trước khi nhảy xuống sông thoát thân nên lực lượng vây bắt đành bất lực.
Ông Bình cho biết thêm, để đối phó với lực lượng chức năng, những ghe của cát tặc thường được chế thêm một đường ống dẫn nước mà dân trộm cát thường gọi là “ống rút lù”.
Mỗi khi ca nô của lực lượng chức năng vây bắt tiếp cận được, trước khi nhảy xuống sông thoát thân, thợ lặn sẽ tháo nút đường ống ra, cứ thế chỉ trong tích tắc nước nhanh chóng tràn vào khiến ghe chìm nghỉm xuống sông. Có nhanh cỡ mấy lực lượng chức năng cũng không thể bít ống kịp.
Ông Huỳnh Thanh Minh, Trưởng công an xã Thạnh Phước, cho biết để dẹp nạn trộm cát hoành hành, xã đã tổ chức cắm hai chốt, một chốt di động cắm ở cảng Thạnh Phước và một chốt cắm ở cồn Đá Lửa. Mỗi khi nhận được tin báo, hai tổ này sẽ triển khai đội hình để vây bắt.
"Có những lần bị tiếp cận bất ngờ, để thoát thân, một thợ lặn đã dùng dao chém thẳng vào một dân quân tham gia vây bắt, nhưng rất may người này né được nên không bị thương tích gì, còn kẻ hung hãn kia cũng không bị bắt vì hắn đã nhảy ùm xuống sông lặn mất tăm", ông Minh kể.
Những kiểu đối phó trên của bọn trộm cát đã gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng. Ông Minh cho hay, từ đầu năm 2013 đến nay, công an xã chỉ bắt được hai ghe tang vật nhưng không bắt được người vì tất cả đều nhảy xuống sông thoát thân.
|
Xã hội hóa khó khăn vì trộm cát ?
Tháng 10/2012, hai Bộ TN-MT và GTVT chấp thuận cho một công ty ở Vũng Tàu nạo vét duy tu, nâng cấp đảm bảo chuẩn tắc luồng chạy tàu ở các đoạn luồng bị bồi trên sông Đồng Nai. Sau đó, công ty này làm các thủ tục tại hai địa phương (Đồng Nai và Bình Dương), nơi sông Đồng Nai chảy qua để tiến hành nạo vét, duy tu.
Tháng 3/2013, khi chuẩn bị thi công, thì có đơn tố cáo công ty này thi công nạo vét làm sạt lở bờ sông, nên hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương thành lập đoàn kiểm tra, tạm ngưng thi công nạo vét đối với công ty này.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước Nguyễn Văn Bình cho rằng, khi công ty này họp dân để đánh giá tác động môi trường trước khi thi công nạo vét thì dân không đồng ý để họ nạo vét, bởi khúc sông đi qua xã Thạnh Phước thường xuyên bị sạt lở do trộm cát gây ra.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Minh, đại diện Công ty nạo vét thì cho rằng, công ty của ông chưa thi công nạo vét thì làm sao mà sạt lở được; lý do có đơn tố cáo là vì nếu công ty này tiến hành nạo vét theo chuẩn tắc giao thông thì cát tặc khó hoạt động.
Theo tìm hiểu, ngay sau khi được cấp phép, công ty này kéo phương tiện tới điểm nạo vét và thả phao chuẩn bị thi công thì lập tức xuất hiện hàng chục tên trộm cát kéo tới đòi nói chuyện phải quấy...
“Gần cả năm mới xong các thủ tục của các cơ quan chức năng từ Bộ về tới địa phương, nhưng chưa thi công đã bị tố cáo, nay chúng tôi tạm dừng để các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra. Nếu không dẹp được nạn cát tặc thì có lẽ chúng tôi cũng khó mà thực hiện nạo vét theo chuẩn tắc luồng đã được cấp phép bởi vì như vậy chúng tôi lấy đâu bù lỗ khi những đoạn sông không có cát...”, ông Minh than thở.
Không chỉ có ở sông Đồng Nai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên thuộc hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh cũng được Bộ GTVT chấp thuận cho một số doanh nghiệp tư nhân thực hiện nạo vét duy tu luồng theo dạng xã hội hóa, lấy thu bù chi, không sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, với nạn trộm cát hiện nay thì các doanh nghiệp khó có thể thực hiện được.
“Theo chuẩn tắc luồng được duyệt cho chúng tôi thi công nạo vét nhưng chỉ được nạo vét bên trong luồng, nếu có chướng ngại vật như bùn, đá cát đều phải thanh thải hết. Vì không sử dụng ngân sách của nhà nước, nên vốn của chúng tôi bỏ ra là rất lớn, nếu không dẹp được nạn trộm cát thì chúng tôi không thể thực hiện được, ngân sách nhà nước vẫn phải bỏ ra để duy tu luồng, đảm bảo cho tàu bè lưu thông, còn trộm cát vẫn tiếp tục hoành hành...” - một lãnh đạo công ty đầu tư khai thác cảng nói.
Tạm dừng các dự án nạo hút cát Ngày 29/6, trao đổi với PV qua điện thoại, ông Hoàng Văn Thống, Chánh thanh tra Sở TN-MT Đồng Nai, cho biết: “Chúng tôi vừa tiến hành kiểm tra tình trạng nạo hút cát trên sông Thị Vải thì phát hiện có 6 cần cẩu hút cát. Nhưng do không thực hiện hành vi bơm hút cát nên đoàn kiểm tra không lập biên bản để xử lý, mà giao cho Phòng TN-MT H.Long Thành và Công an huyện tiến hành theo dõi, nếu phát hiện việc bơm hút cát sẽ lập biên bản xử lý. Ngoài ra, Bộ TN-MT cũng đã tiến hành tạm dừng các dự án nạo hút cát trên sông Thị Vải, còn trên sông Đồng Nai, UBND tỉnh cũng đã tiến hành đình chỉ các dự án nạo hút cát từ nhiều năm nay”. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã có công văn yêu cầu các đơn vị, khi thực hiện dự án phải có giấy phép phê duyệt của tỉnh hoặc của bộ ngành chức năng, đồng thời giao Công an tỉnh Đồng Nai và các cơ quan chức năng thành lập các đoàn kiểm tra để xử lý tình trạng bơm hút và buôn bán cát trái phép trên sông Đồng Nai. Theo Sở TN-MT Đồng Nai, tình trạng hút cát lậu trên sông Đồng Nai đang khiến bờ sông xói lở nghiêm trọng, địa hình lòng sông đã bị hạ thấp cục bộ, làm thay đổi dòng chảy và sụt lún ven bờ. |
Theo VNE