Rừng ống nước thải chạy… trên đầu
Đó là chuyện xảy ra tại khu nhà E4, tập thể Đại học Y Hà Nội. Khu nhà này đã xuống cấp, muốn đi vào bất cứ nhà nào, người ta phải chui qua một rừng ống nước thải chạy ngay trên đầu.
Trước đây, người ta chỉ biết một cách chung chung đó là đường ống dẫn nước thải mà không thể tưởng tượng rằng, trong đó có cả chất thải (phân người) của các hộ gia đình sống trên đó. Còn nữa, 100% đường ống chất thải ấy không hề qua bể phốt lắng đọng mà “phi” thẳng ra mương. Kinh hoàng hơn, có những dường ống bị gãy giữa chừng trơ trơ ngang… mặt người.
Chằng chịt đường ống chất thải của các hộ dân khu tập thể E4. |
Bà Phạm Thị Lan, người mới thuê một căn hộ tầng 1 ở khu tập thể này kể câu chuyện cười ra nước mắt mới xảy ra trước khi chúng tôi đến 30 phút:
“Có chị mua đồng nát vừa thu mua vỏ bia ở đầu ngõ thấy có ống nước chảy tong tong từ trên tầng hai xuống, chị liền chìa tay ra rửa. Chị ta mới xoa xoa được vài cái thì đôi bàn tay hứng trọn một đống phân. Hoảng quá, chị ta hét toáng lên lao vào nhà tôi xin rửa. Rửa ít mà nôn ọe thì nhiều… Chị đâu biết đó là ống thoát nhà vệ sinh. Với chúng tôi, chuyện phân người lênh láng ra đường trở nên bình thường lắm rồi”.
Theo bà Lan thì cách đây mấy hôm, có hai nữ phóng viên đến khu này để tìm hiểu viết bài. Loay hoay tìm không có chỗ để xe nên cuối cùng họ đành dựng nó ở ngay dưới đường thải của tầng trên.
Trong lúc họ đang hỏi thăm lên nhà bà tổ phó dân phố thì chiếc xe máy của họ đã bị nhuộm một màu “vàng rộm”. Chưa hết, có những ống nước thải lâu ngày bị bục giữa chừng, nước tiểu, phân người chảy từ tầng trên xuống tầng dưới nhoe nhoét khiến hàng xóm lời qua tiếng lại, cự cãi nhau ầm ĩ hết cả lên.
Chúng tôi lên tầng 3 theo chỉ dẫn của bà Lan để gặp bà Phạm Thị Thu, tổ phó tổ 52, khu tập thể E4 hỏi chuyện. Bà Thu xác nhận: “Đúng vậy. 100% hộ dân ở E4 đi vệ sinh đều thải thẳng trực tiếp xuống mương”.
Nói thải xuống mương là trước đây thôi. Bây giờ, khi khu nhà A5 (trước đây tên E5) tập thể Đại học Y Hà Nội đang được xây dựng lại, trong quá trình thi công xe tải chạy ra chạy vào làm cho con mương đó bị o ép, có đoạn đã bị tịt lại thành ra nước thải nhà E4 thải ra đường chứ không phải ra mương”.
Ăn nước… giếng khoan
Để dẫn chứng thêm cho PV, bà Thu chỉ tay về phía “rừng” ống nước thải cắm thẳng xuống mương nói: “Trước đây, có một số hộ xây bể lắng với những cái hố bằng cái máy giặt được ngay dưới đường. Trời nắng thì hôi hám, trời mưa thì coi như mất tác dụng. Hiện nay, hầu như tất cả nhà vệ sinh các hộ đều chảy thẳng xuống mương.
Một số ống bị gãy giữa chừng, các hộ đó cũng chẳng buồn thay, cứ để thứ xú uế đó rơi bình bịch ra đường. Một người làm vậy chắc bị lên án, chứ tất cả đều như vậy thì hòa cả làng. Thôi sống chung với lũ”.
Khu nhà E4, tập thể Đại học Y Hà Nội được xây dựng từ năm 1974. Do mục đích ban đầu là nhà làm việc cho nên mỗi căn hộ chỉ có diện tích 12 m2, không có bếp, không có khu vệ sinh riêng. Đến năm 1984, nhà E4 được phân cho cán bộ, nhân viên của trường ở. Từ khi được phân nhà, các hộ gia đình đã tự cơi nới, xây dựng thêm nhà bếp và nhà vệ sinh. |
Bây giờ vì ngập lụt nước dềnh lên thì thiên hạ mới biết chứ cảnh “sống chung với lũ” này, theo bà Thu đã diễn ra… vài chục năm nay!
Vấn đề “đầu ra” nhức nhối đã đành, “đầu vào” cũng đáng lo ngại không kém. Hai tháng nay, người dân E4 phải dùng nước giếng khoan. Bà tổ phó dân phố cho hay:
“Trước đây, dân E4 dùng nước máy của thành phố. Nhưng mới đây, đường nước máy bỗng dưng bị tịt lại phía đầu đường. Chúng tôi điều tra nguyên nhân thì do hai công trình xây dựng tòa nhà A5 Đại học Y và tổ xây dựng cống hóa bê tông.
Thế nhưng họ lại đổ trách nhiệm cho nhau, thành ra, chẳng ai giải quyết cho chúng tôi. May còn đường nước giếng khoan của Trường Đại học Y, không thì dân chúng tôi chết”.
Nhìn cảnh nhà vệ sinh với phân tươi và nước thải đổ thẳng ra mương, sau đó các hộ dân ở đây lại dùng nước giếng khoan lên từ lòng đất, nơi rất có thể những uế tạp đó sẽ ngấm sâu xuống mà chúng tôi sởn cả gai ốc.
Tuy nhiên, cái khổ chưa dừng ở đó bởi các hộ dân E4 để dùng được nước giếng khoan đâu phải chuyện dễ. “Nước chỉ bơm vài tiếng một ngày. Bơm vào giờ hành chính. Có nhiều gia đình đi làm, chẳng ai ở nhà trực mở van nước, tối về hết nước chạy táo tác xin hàng xóm”, bà Thu kể.
Quả đáng buồn khi ngay giữa trung tâm Thủ đô văn minh mà vẫn có những chuyện khó tưởng tượng như thế!
Theo Vietnamnet