Trước đó, vào sáng 15/8 em Bùi Thanh L. (13 tuổi, trú thôn 4, xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) nhập viện. Qua siêu âm, chụp cắt lớp, các bác sĩ phát hiện có một khối máu tụ bất thường trong lòng bàng quang của L. Khối máu này thay đổi kích thước kèm theo nhiều máu đông.
Chiều 16/8, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Thanh Hóa (do bác sĩ Bùi Văn Hán, trưởng khoa tiết niệu làm kíp trưởng) đã phẫu thuật, gắp một con đỉa dài gần 20cm còn sống trong bàng quang của em L.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện trong lòng bàng quang bệnh nhi có nhiều vết cắn đã cầm máu và nhiều máu đông, nên đã xử lý rửa bàng quang nhiều lần.
Các bác sĩ cho biết, con đỉa chui vào bàng quang của em L. qua đường niệu đạo, lúc này con đỉa còn nhỏ. Sau khi vào bàng quang, con đỉa hút máu rồi lớn dần lên.
Con đỉa được lấy ra trong bàng quang bệnh nhân |
Người nhà kể lại, trước đó L. đi tắm sông ở quê. Sau khi tắm khoảng 15 phút, L. thấy đau tức vùng bụng dưới, rồi đái ra máu kèm theo nước tiểu.
Đến ngày 18/8, sức khỏe bệnh nhi này đang dần bình phục, có thể xuất viện trong hai ngày tới.
Trước đó, hôm 18/5/2013, tại Khoa Tiết niệu bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, các bác sĩ cũng đã làm phẫu thuật gắp ra cho bệnh nhân Lê Văn Bình (15 tuổi, Yên Lạc, Yên Định) một con đỉa sống trong bàng quang bệnh nhân.
Con đỉa được lấy ra trong bàng quang bệnh nhân |
Em Bình cho biết em đi tắm sông và sau khi tắm về thấy đi tiểu bị đau và ra máu, rất có thể con đỉa đã chui vào người từ lúc em tắm dưới sông.
Đầu tháng 5 vừa qua, tại phòng mạch của mình, bác sĩ Nguyễn Văn Nhiệm (Ninh Thuận) đã gắp một con đỉa trâu dài 20 cm, to hơn đầu đũa sống trong mũi bệnh nhân Nguyễn Văn Sang (34 tuổi, ở xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) hơn 15 ngày.
Theo lời kể của anh Sang, khi đi làm rẫy về, khát nước, anh cúi đầu xuống dòng suối nhỏ để uống nước. Sau đó về nhà thấy đau, khó chịu và máu trong mũi liên tục chảy ra. Anh Sang đã đi khám và điều trị nhiều nơi, nhưng không thuyên giảm.
Ở các vùng nông thôn, miền núi, người dân có thói quen hay uống nước hoặc tắm, rửa ở sông, suối, kênh mương. Thói quen này có thể dẫn đến việc bị côn trùng chui vào đường thở (thanh, khí quản, phế quản, phổi), hậu môn, âm đạo... làm cho bệnh nhân bị nhiễm khuẩn, rất nguy hiểm.
Theo Baodatviet