Trong cái xã miền núi xa xôi, hẻo lánh, đất rộng người thưa này, ông lão bước sang tuổi thất thập cổ lai hi ấy được ví như “chủ tịch hợp tác xã… tình yêu” khi có đến bốn bà vợ, 23 người con, 76 đứa cháu, tám chắt. Tất cả vợ, con, cháu, chắt của ông đều sống hòa thuận, vui vầy, tạo thành một cái xóm nhỏ trên sườn núi cao hút hẻo.
Bảy mươi mốt tuổi còn… thêm con
Người đàn ông đào hoa đó là ông Nguyễn Xuân Lai (SN 1942, ngụ xóm Pu Cáp, xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ). Hàng xóm thấy cái sự “đa thê” của ông cứ đồn đại ông là dân Mường, có tài bỏ bùa bỏ ngải nên thích “nạp thiếp” bao nhiêu tùy ý.
Kỳ thực, ông Lai vốn là người Kinh lên xứ Mường làm ăn sinh sống, trong bốn bà vợ của ông chỉ có bà hai và bà ba là người Mường, còn bà cả và bà tư vốn là người miền xuôi, phải lòng ông, theo ông lên đây phát rẫy làm nương, an cư lập nghiệp.
Ông lão đa thê
Ngồi trò chuyện với ông Lai trong căn phòng khách, xung quanh gần 30 đứa cháu nội ngoại lau nhau, mới thấy ông quả đúng là có “bí kíp” khó ai học được về “khoa” tán gái.
Ông Lai kể vui: “Không hiểu giời (trời - PV) cho hay giời đày, nhưng tôi có tính ham chinh phục các cô gái. Mà cũng chẳng hiểu sao, tôi cứ ý định tán tỉnh cô nào, là cô ấy đổ”. Cách nói chuyện của ông cứ tưng tửng, pha thêm giọng nói đặc trưng của vùng Ba Vì (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội), nghe rất có duyên.
Dù năm nay đã bước sang ngưỡng tuổi “thất thập cổ lai hi” nhưng trông ông vẫn còn rất phong độ. Làn da rám nắng sau những năm tháng xuôi ngược buôn gỗ, dáng dấp nhanh nhẹn, ông khiến người đối diện dễ đoán non đoán già về tuổi trai trẻ lãng tử đào hoa…
Cũng vì đào hoa, nên tuổi mười chín đôi mươi, khi bạn bè cùng trang lứa còn chưa dám cầm tay, tỏ tình với cô gái nào, chàng trai Nguyễn Xuân Lai đã trải qua vô số mối tình. Chẳng thế mà năm 20 tuổi ông đã cưới người vợ cả, là cô hàng xóm nổi tiếng nết na, thùy mị, khiến bao chàng trai khác ghen tức.
Ông Lai tâm sự: “Bất kể ở đâu, làm gì tôi cũng có may mắn có những mối nhân duyên níu kéo. Tôi có bốn bà vợ, kể đã là hơn người, nhưng so với số người tình của tôi thì như thế cũng còn… hơi ít.
Không biết cô có tin không, chứ khắp những nơi tôi từng đi buôn bán qua, tôi có đến 30 người tình, trong đó có những người tôi cũng có con cái với họ đàng hoàng”.
Trước khi thấy tận mắt đại gia đình nhà ông Lai, người viết đã nghe tin đồn rằng ông có 21 người con. Khi gặp mặt, ông lại bảo ông có tới 23 người con. Bán tín bán nghi, tưởng rằng ông cụ mới “sản xuất” thêm hai quý tử khi đã ở tuổi 71, nhưng ông cười xòa: “Làm gì có, vừa thêm hai đứa nữa, “kết quả” hai mối tình xa xôi trên tận Hòa Bình, nay chúng nó khôn lớn mới tìm về nhận bố”.
Quả thật, những người hàng xóm xác nhận mới vài hôm trước có hai người con của ông Lai vừa ở trên Hòa Bình về “xóm ông Lai” nhận bố, nhận anh em. “Cả đại gia đình mổ lợn đón thêm thành viên, tổ chức ăn uống nội bộ gia đình mà đã mấy chục mâm, rôm rả lắm!”, người hàng xóm kề nhà ông Lai kể.
“Chinh chiến tình trường”
Những kinh nghiệm ông Lai kể về khoa “cưa gái” ắt khiến cánh mày râu phải “bái phục làm sư phụ”. Ngồi bên chén trà, ông chiêm nghiệm: “Người đời có câu “đàn ông yêu bằng mắt, đàn bà yêu bằng tai”, chính vì thế đã mang thân đi tán gái phải thủ vài lời hoa mỹ”.
Thời ông Lai, viết thư vẫn là “chiêu” phổ biến của các chàng trai khi muốn bày tỏ tình cảm, nhưng chắc không mấy người “cao tay” như ông. Ông tổng kết “kinh nghiệm”:
“Viết thư, dù câu từ hoa mỹ đến đâu thì cũng phải xuất phát từ sự chân thành, tìm điểm tốt của các cô mà khen, thậm chí phải biết biến cái xấu thành cái tốt. “Theo tình tình chạy, chạy tình tình theo” thế nên đừng để lúc nào mình cũng ở trong tư thế tấn công chủ động, còn phái nữ ở trong thế bị động. Phải khuấy cái tính chủ động trong người đàn bà lên!”.
Ông Lai chia sẻ thêm, chính vì phái nữ yêu bằng tai nên bên cạnh những lời nói của mình rót vào tai người con gái mình thích, thì phải để cho người thân, bạn bè tin tưởng quí mến mình, rồi chính họ sẽ là những người gián tiếp trợ giúp cho con đường “chinh phục” ngắn hơn.
Một điểm đáng “bái phục” ông Lai là các bà vợ chấp nhận “làm lẽ” ông đều thuộc dạng sắc nước hương trời, chứ không phải “rổ rá cạp lại” hay kém cạnh gì về nhan sắc.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, vợ thứ tư của ông là một dẫn chứng. Vốn là người miền xuôi, bà Tuyết kém chồng mình 17 tuổi, xưa kia là một thiếu nữ đẹp nổi tiếng ở huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ). Nay ở tuổi 57 trông bà vẫn mang nét đẹp sắc sảo, mặn mà, như những người phụ nữ chốn thị thành.
Bà Tuyết bộc bạch: “Lần đầu tiên gặp ông Lai tôi gọi là chú, không ngờ rằng sau này “ông chú” đấy lại là chồng mình. Khi biết ông đã có tới ba bà vợ, mất mấy đêm thức trắng suy nghĩ, tôi vẫn quyết định đến với ông, mặc sự phản đối của mọi người trong gia đình”.
Khi “bà Tư” xuất hiện, từ các bà vợ, đến các con cháu trong nhà, thay vì tỏ ra khó chịu thì lại thầm cám ơn bà. Vì bà như một cái phanh để chặn tốc độ “nạp thiếp”của ông Lai.
Trước khi cưới “bà Tư”, ông Lai không giấu giếm gia đình chuyện ông có rất nhiều người tình ở khắp mọi nơi từ miền xuôi đến miền ngược, thế nhưng từ khi bà xuất hiện, ông Lai ít đi làm ăn xa hơn, chí thú ở nhà lo kinh tế gia đình. Người ta hay nói câu nói vui “cuối đời gặp Lan”, thật đúng trong trường hợp này?
“Ngả mũ” trước khả năng dung hòa các bà vợ
Nhưng không chỉ có tài chinh phục, ông Lai mà còn khéo léo gìn giữ mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.
Ông tâm sự: “Trong gia đình, người đàn ông phải như sợi chỉ xuyên thấu, gắn kết mọi thành viên thành một khối vững chắc. Phải để cho vợ con, cháu chắt mình hiểu rằng mình yêu thương, quí trọng tất cả để họ cảm thông, chứ đâu có phép phân thân để mà san chỗ này, sẻ chỗ kia. Khi các bà đều hiểu tấm lòng của mình rồi thì các bà sẽ sống hòa thuận. Chẳng ai muốn cứ phải tranh giành, ghen tuông, ấm ức, rồi tự mình lại làm khổ mình”.
Ông Lai có đến tổng cộng 23 người con và 76 cháu chắt
Người xưa nói: “Ớt nào mà ớt chẳng cay, gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng” nhưng bốn bà vợcủa ông Lai dường như lại là ngoại lệ. Với họ, nơi vùng sơn cước hiếm hoi bóng người, đất rộng người thưa này, gia đình có đông vợ, đông con đông cháu, cùng nhau đi rẫy làm nương lại là chuyện vui.
Bà Tuyết, bà vợ thứ tư, bộc bạch: “Trong gia đình, về mặt danh chính ngôn thuận thì chỉ có bà cả, nhưng chúng tôi bằng lòng không hề so đo tính toán để làm mất đi tình chị em gắn bó trong nhà! Từ ngày tôi về sống chung với đại gia đình, việc ma chay, hiếu hỉ lớn nhỏ của con bà cả, bà hai, bà ba, đến gần 30 đám tôi cùng lo, cùng vui, cùng buồn, chẳng nề hà gì”.
Bà Tuyết biết rằng việc “chung chồng” là vi phạm pháp luật, thế nhưng bà mộc mạc trình bày: “Cuộc sống gia đình tôi hiện tại trong ấm, ngoài êm nên cũng mong luật pháp xem xét mà không xử phạt”.
Khi phóng viên đến tìm gặp anh Nguyễn Thế Đinh (cán bộ Tư pháp hộ tịch của xã Thượng Cửu) để hỏi về trường hợp “đa thê đa thiếp” của gia đình ông Lai, anh Đinh nói:
“Pháp luật và địa phương khó xử lí với trường hợp này, bởi họ không có đơn tố cáo, khởi kiện gì cả. Ở gần nhà ông mấy chục năm nay nhưng chưa khi nào tôi thấy gia đình ông Lai xảy ra xung đột, mâu thuẫn. Vừa hôm tháng Giêng năm 2013, cả đại gia đình nhà ông Lai tổ chức thuê xe xuống miền xuôi đi thăm quan một chuyến, cả nhà ngồi kín hai xe ô tô 24 chỗ. Họ sống rất đoàn kết, vui vẻ”.
Tuy không dư dả về vật chất nhưng với một cuộc sống hòa thuận, bình yên, ông Lai rất toại nguyện. Ông nói vui: “Ở cái tuổi gần đất xa trời này tôi chỉ băn khoăn một điều là mong sao con cái, cháu chắt được học hành, mở mang kiến thức, kinh tế gia đình được cải thiện.
Sau này tôi nhắm mắt nằm xuống, cũng chỉ mong con cháu ở miền ngược miền xuôi về hết. Nếu về hết chắc các bà nhà tôi phải thuê một địa điểm thật rộng để tổ chức đám tang, có khi cũng làm nên một kỷ lục nho nhỏ!”.
Theo Xahoi