Một tấm giấy “khai sinh” đúng nghĩa đang mở toang cánh cửa cho những đứa trẻ tự tin bước vào đời với giới tính thật của mình…
Ước mơ biết “đứng tè”!
Mấy ngày trước, một thông tin ngắn của TS-BS Trương Quang Định - PGĐ Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 - khiến chúng tôi đặc biệt quan tâm: “Bé sinh ra non tháng, chỉ 1.000gr, đa dị tật, trong đó có dị tật bộ phận sinh dục. Bé phải nằm viện đến hơn 2 tháng mới về nhà. Người nhà đi làm giấy chứng sinh, do sự nhầm lẫn, cô nữ hộ sinh đã ghi giới tính là nữ (dù đã thử nhiễm sắc thể với kết quả là XY).
Một ca kiểm tra giới tính tại BV Nhi Đồng 2, TP.HCM. |
Người mẹ kể, không dám cho bé đi học vì hình thể bé trai mà phải tiểu ngồi. Bé luôn hỏi mẹ sao “ti” con kỳ thế không giống các bạn, mẹ quặn đau không thốt nên lời. Người mẹ đã đi đến UBND phường, Sở Tư pháp và cả Bộ Tư pháp, nhưng chỉ nhận được sự hướng dẫn vì không nơi nào có thẩm quyền sửa lại giới tính trong giấy khai sinh, ngay cả nơi BV đã ghi nhầm.
Hy vọng lần này tại BV Nhi Đồng 2, chúng tôi có thể giúp bé có được một tấm giấy khai sinh đàng hoàng để vào đời, cũng như giúp bé thực hiện một ước mơ thật đơn giản: Biết “đứng tè” như bao trẻ trai hồn nhiên và tinh nghịch khác!”.
Một ước mơ thật đơn giản: Biết “đứng tè”, quả thật không đơn giản chút nào!
Oái ăm nhất là trường hợp của N.H.B.M - 3 tuổi, trú ở TP. HCM. Lúc mới sinh ra tại BV Hùng Vương, nhìn bên ngoài, ngay cả BS và gia đình không thể lầm được đây là bé trai 100% vì có bộ phận sinh dục nam gồm dương vật và hai bìu. Giấy chứng sinh tại BV ghi rõ: Giới tính nam.
Đến năm 3 tuổi, thấy con mình “khang khác”, gia đình bắt đầu để ý nên phát hiện lỗ tiểu của “cậu con trai” có vẻ không giống với nhiều đứa trẻ nam. Đưa con đến BV Nhi Đồng 2 khám, các BS đã làm các xét nghiệm về nhiễm sắc thể và đưa ra kết quả khiến mọi người ngỡ ngàng: Cậu con trai đích thực là bé gái.
BS Phạm Ngọc Thạch - Phó phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi Đồng 2 - giải thích cặn kẽ: “Bằng các xét nghiệm cận lâm sàn, chúng tôi đã phát hiện bộ phận sinh dục bên trong của M là nữ vì cháu có âm đạo, tử cung, buồng trứng.
Dương vật của M thực chất là âm vật phì đại giống dương vật, tưởng là hai bìu nhưng lại là hai âm môi lớn của trẻ. Sở dĩ M bị như trên là do có bệnh lý tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh. Khi mắc bệnh này, trẻ sẽ bị ảnh hưởng từ trong bào thai nên khi sinh ra âm vật đã to như dương vật”.
Tương tự như M, một trường hợp khác là “bé trai” 6 tuổi ở Đắc Lắc ngay từ lúc mới sinh vì có bộ phận sinh dục của con trai nên giấy khai sinh ghi giới tính nam. 6 năm trôi qua, nghĩ con mình là nam nên bố mẹ mua toàn đồ của con trai cho sử dụng. Càng lớn, cử chỉ và tính nết của cháu bé này càng mềm mại và nhẹ nhàng như con gái.
Tưởng con có vấn đề về giới tính, gia đình nhanh chóng cho con đến TP. HCM để khám. Sau khi được chỉ định làm xét nghiệm về nhiễm sắc thể, các BS phát hiện… cháu là nữ 100% chứ không phải nam.
Đây là 2 đứa trẻ bị tạo hoá “nắn lộn”, may mắn được phát hiện ra và là hai ca đầu tiên trên cả nước được BV cấp giấy chứng nhận xác định lại giới tính.
BS Thạch cho biết thêm, vẫn còn 6 trường hợp cũng đang chờ để xác định lại. Các trường hợp này có độ tuổi từ 2-7, hiện sống ở nhiều tỉnh, thành phía Nam với giới tính bên ngoài rất mơ hồ.
Lấy chồng vẫn không biết mình là nam!
Không phải ai cũng may mắn được phát hiện sớm “khiếm khuyết” của mình và chỉnh sửa kịp thời như hai trường hợp trên. Nhiều người đã sống 30-40 tuổi nhưng vẫn không biết giới tính thật của mình, thậm chí có trường hợp còn lập gia đình được nhiều năm.
Chẳng hạn, các BS của BV Chợ Rẫy tiếp nhận một trường hợp rất hy hữu. Theo bệnh án thì bệnh nhân nữ, 40 tuổi, đã có chồng nhưng không có con, vừa ly hôn. Bệnh nhân đi khám để tìm hiểu nguyên nhân vô sinh thì phát hiện khối u buồng trứng và được chỉ định lên BV tuyến trên. Sau khi chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các BS phát hiện bệnh nhân nữ này có… tinh hoàn và bị tinh hoàn ẩn chứ không phải u buồng trứng.
Kết quả phẫu thuật cho thấy bệnh nhân có đến hai tinh hoàn ẩn nằm trong ống bẹn, một cái đã hóa ung thư. Điều khó tin là người phụ nữ này đã lập gia đình nhiều năm (với hình dạng bên ngoài và bộ phận sinh dục nữ 100%) nhưng vẫn không bao giờ nghĩ rằng mình là đàn ông và mang nhiễm sắc thể XY.
Trong gia đình của người phụ nữ này có 6 chị em gái, 4 người đã có chồng và con. Riêng bệnh nhân và một người em gái hơn 30 tuổi từ lúc dậy thì đến giờ không có kinh.
Các BS nghi ngờ và đã tư vấn cho người em gái khám, làm xét nghiệm, siêu âm. Kết quả cho thấy người này cũng giống chị, có hai tinh hoàn ẩn và nhiễm sắc thể nam XY, nội tiết tố testosterone nam giới. Cả hai nếu như nhìn từ bên ngoài đều rất… phụ nữ, khó có ai nghĩ đây là nam giới, vì họ mặc đồ nữ, có bộ phận sinh dục nữ và nhũ phát triển rất bình thường.
Một trường hợp mới đây nhất, bệnh nhân N.T.V - 38 tuổi, trú tại TP. HCM không thấy có kinh nguyệt nên đến khám vô sinh tại BV Từ Dũ. Nghi ngờ có dấu hiệu rối loạn giới tính, các BS đã giới thiệu đến kiểm tra tại BV Bình Dân. Hình thức bên ngoài của bệnh nhân và bộ phận sinh dục hoàn toàn là nữ giới, nhưng kết quả xét nghiệm lại có nhiễm sắc thể XY.
BS Mai Bá Tiến Dũng -Trưởng khoa Nam học, BV Bình Dân, TP. HCM - sau khi khám đã nhận định, bộ phận sinh dục của bệnh nhân V bị lỗi do rối loạn tuyến sinh dục gây ra tình trạng lưỡng giới giả nam (tức là nam giới nhưng bề ngoài có hình dáng như phụ nữ). Bệnh nhân đã hình thành nhân cách theo khuynh hướng nữ giới và có nguyện vọng chuyển sang nữ nên các BS đã phẫu thuật cắt tuyến sinh dục nam.
Độ tuổi tốt nhất để chỉnh sửa giới tính
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến năm 2008, ở VN có khoảng 7.000 người được xác định là có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa định hình chính xác. Chính vì chưa có luật và các BS chưa dám làm nên lâu nay nhiều người khi muốn tìm lại chính mình đành phải chọn giải pháp ra nước ngoài chỉnh sửa.
Một số người hình thức bên ngoài sau phẫu thuật đã thay đổi, nhưng trên giấy tờ chẳng có cơ quan nào dám chỉnh sửa, điển hình là: Cindy Thái Tài, Hương Giang Idol, ca sĩ Khanh Chi Lâm… giới tính vẫn ghi nam.
Trước thực tế trên, ngày 1.7.2013, Bộ Y tế đã cho phép ba BV là Nhi Đồng 2 (TP. HCM), BV Nhi Trung ương và Việt Đức (Hà Nội) thực hiện kiểm tra, chỉnh sửa để xác định lại giới tính với những người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa định hình chính xác.
BS Ngọc Thạch cho biết, những khuyết tật bẩm sinh về giới tính chủ yếu là các dạng: Lưỡng giới giả nam (hình dạng sinh dục ngoài giống nam nhưng thực chất là nữ), lưỡng giới giả nữ (có bộ phận sinh dục ngoài giống nữ nhưng thực chất là nam), lưỡng giới thật (có bộ phận sinh dục ngoài mơ hồ nhưng cơ quan sinh dục trong có cả buồng trứng, tử cung và tinh hoàn).
Với những trường hợp lưỡng giới giả nam hoặc lưỡng giới giả nữ thì dễ giải quyết, nhưng với những trường hợp lưỡng giới thật, khi xác định giới tính sẽ phải tùy thuộc nhiều yếu tố như chọn giới tính nào để giúp trẻ thuận tiện trong phẫu thuật tạo hình, trẻ dễ dàng phát triển ngoại hình, dễ dàng có con về sau, phù hợp với nguyện vọng gia đình...
Chỉnh sửa về mặt y học là một chuyện, nhưng chỉnh sửa cũng phải nhìn nhận ở nhiều góc độ tâm sinh lý, cuộc sống thực tế. PGS-TS Lê Tấn Sơn -Trưởng Bộ môn Ngoại nhi ĐH Y dược TP. HCM - cho rằng, vẫn có những ca cần phải xem xét có nên xác định đúng giới tính hay không.
Đó là những trường hợp bị rối loạn phát triển phái tính. Chẳng hạn như trường hợp phụ nữ lấy chồng, đi khám vô sinh mới biết mình mang nhiễm sắc thể nam, cũng không có buồng trứng, tử cung.
Nếu BS cứ khăng khăng bảo trường hợp này là nam thì họ cũng khó có thể chấp nhận. Ngược lại, một trường hợp nhiễm sắc thể nữ nhưng nhiều năm nay cho rằng mình là nam, bộ phận sinh dục ngoài cũng giống nam, thì chuyện xác định giới tính nữ căn cứ theo nhiễm sắc thể cũng là điều không dễ.
"Những trường hợp này tốt nhất là BS nên giải thích thật khéo và tôn trọng những gì người mang giới tính đang có để không ảnh hưởng đến tinh thần của họ. Chỉnh sửa lại giới tính lúc này không cần thiết. Điều quan trọng là để họ có được chất lượng sống với cộng đồng tốt nhất" - TS Sơn khẳng định.
Đồng tình ý kiến trên, BS Ngọc Thạch cũng cho rằng, trẻ mơ hồ về giới tính cần được xác định lại giới tính càng sớm càng tốt vì để lâu sẽ ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý, thể chất của trẻ. Với những trường hợp mơ hồ về giới tính, BS có thể xác định, phẫu thuật can thiệp khi trẻ dưới 1 tuổi. Trẻ không chỉ cần được phẫu thuật mà còn phải điều trị nội tiết.
Theo Laodong