3% người giúp việc bị lạm dụng tình dục

Chủ nhật, 18/08/2013, 10:58
Vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ gia đình và phát triển cộng đồng (thuộc Trung ương Hội Nghiên cứu khoa học Đông Nam Á – Việt Nam) đã tổ chức hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Một số yếu tố ảnh hưởng đến lao động giúp việc gia đình (GVGĐ) trên địa bàn Hà Nội”. 

Kết quả điều tra của nhóm nghiên cứu cho thấy, phần lớn người GVGĐ trong độ tuổi từ 36 - 55, sống ở nông thôn, và 74% trước đây làm nghề nông với đa số người GVGĐ tốt nghiệp THCS (chỉ có 1 người tốt nghiệp CĐ).

11% số phụ nữ được hỏi cho biết đã tìm việc thông qua trung tâm giới thiệu việc làm, còn lại 89% thông qua mối quan hệ bạn xã hội, những người GVGĐ giới thiệu cho nhau…

Đáng quan tâm, 47/100 người GVGĐ cho biết có hoàn cảnh đặc biệt như ly hôn, ly thân, góa bụa… 100% số phụ nữ được hỏi cho biết họ phải làm tất tật các công việc trong gia đình như trông trẻ, đi chợ, nấu nướng, giặt giũ… với thời gian làm việc trung bình là gần 13 giờ/ngày.

Tính trung bình, thu nhập của người GVGĐ trên địa bàn Hà Nội là 3,1 triệu đồng/tháng, không bao gồm chi phí ăn, ở.

Bà Lê Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ gia đình và phát triển cộng đồng nhận định: Về mặt xã hội, nghề GVGĐ chưa được xã hội coi trọng, việc quản lý lao động GVGĐ trên địa bàn dân cư nơi đến còn mang tính tự phát và chưa có quy định cụ thể, sự kiểm soát hành vi của xã hội với người giúp việc nhập cư chỉ thông qua mạng xã hội.

osin

Theo số liệu thống kê, có khoảng 10% người giúp việc bị bạo hành tinh thần

Hiện, cũng chưa có quy định buộc các trung tâm giới thiệu việc làm phải quản lý và chịu trách nhiệm về người GVGĐ mà mình đã môi giới. Tuy nhiên, phần lớn người GVGĐ còn thiếu kỹ năng và phẩm chất cho công việc.

Thực tế đã xảy ra những chuyện như người giúp việc cho giày da vào máy giặt hay lấy dao để tháo quạt điện và làm quạt hỏng… Có tới 41/100 trường hợp cho biết từng có bất đồng giữa chủ và người GVGĐ; có 26% người GVGĐ từng gặp tình huống khó xử, trong đó 10% liên quan đến bạo hành tinh thần (đe dọa, xúc phạm), 3% bị lạm dụng tình dục.

Quan hệ giữa chủ và người GVGĐ cũng theo cảm tính, chứ không có “chuẩn” nào, còn kỹ năng nghề của người GVGĐ so với tiêu chuẩn người GVGĐ của nước ngoài thì có khoảng cách lớn.

Điều đáng nói, các trung tâm giới thiệu việc làm gần như không quan tâm đến việc đào tạo kỹ năng nghề cho người GVGĐ. Hiện Hà Nội có gần 300 trung tâm giới thiệu việc làm, nhưng số các trung tâm có đào tạo kỹ năng cho GVGĐ chưa đến 1%.

Hiện, 90% quan hệ lao động giữa chủ và người lao động có thỏa thuận bằng miệng, 3% thỏa thuận bằng văn bản, còn 7% không có thỏa thuận. Trong 90% thỏa thuận bằng miệng thì chủ yếu thỏa thuận về lương, đặc biệt gần như không ai có thỏa thuận về thưởng.

Vì vậy, nhóm nghiên cứu cũng khuyến nghị, Nhà nước cần có định hướng về quản lý và phát triển lao động GVGĐ. Cụ thể, hoàn thiện các quy định pháp luật về lao động GVGD, có kế hoạch, lộ trình chuyên nghiệp thị trường lao động GVGĐ và ban hành các quy định cụ thể về trách nhiệm theo dõi, giám sát, cung cấp dịch vụ xã hội của các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động các cấp, các tổ chức xã hội.

Đồng thời, phân cấp quản lý việc sử dụng lao động GVGĐ từ cấp cơ sở, xác định cơ quan quản lý việc đào tạo tuyển dụng người GVGĐ, tăng cường kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về lao động GVGĐ và khuyến khích người lao động tham gia các tổ chức, đoàn thể quần chúng tại địa phương làm việc.

Đối với các địa phương, cần tổ chức tư vấn tại các trung tâm tổ chức cộng đồng cho người GVGĐ, sử dụng đường dây nóng để thông báo, tư vấn miễn phí các trường hợp cần thiết; xây dựng bộ chỉ số để đánh giá tiêu chuẩn người lao động GVGĐ và chiến lược đào tạo nhân lực cho nghề GVGĐ.

Theo Baodatviet

Các tin cũ hơn