Bài báo viết về Thích Vĩnh Tín. |
Theo bài báo, họ đã có trong tay những cuộn băng video ghi lại cảnh giường chiếu giữa vị hòa thượng trụ trì Thiếu Lâm Tự với các nữ thí chủ. Các cuộn băng này được in ra từ các camera quay lén bị phát hiện khi người ta tu sửa phòng ngủ của Thích Vĩnh Tín. Phía Thiếu Lâm Tự đã giải thích: đó chỉ là cách Phương trượng Thích Vĩnh Tín phục vụ tinh thần cho nữ thí chủ.
Cũng theo bài báo này, “Thích Vĩnh Tín có ít nhất 3 tỷ USD gửi ở các ngân hàng nước ngoài; ông ta có biệt thự ở Mỹ, Đức; từng dan díu với một nữ minh tinh nổi tiếng, bao nuôi một nữ sinh viên Đại học Bắc Kinh, cô này đã sang Đức sống rồi sinh con trai cho ông ta”.
Phía Thiếu Lâm Tự đã lập tức lên tiếng đáp lại. Ngày 14/8, ông Trương, Chủ nhiệm Văn phòng Thiếu Lâm Tự Hà Nam đã ra tuyên bố: “Những thông tin trên là bịa đặt; chúng tôi không hề tiếp chuyện phóng viên tờ báo ấy. Phương trượng Thích Vĩnh Tín đã làm mất lòng một số người có quyền thế qua việc tu sửa chùa và niêm yết Thiếu Lâm Tự, tham gia thị trường chứng khoán, nên bị họ tung tin bịa đặt”.
Thiếu Lâm Tự - Vương quốc thương mại
Những thông tin trên chưa kịp lắng xuống thì ngày 17/8, tờ báo điện tử “Dị võng” hàng đầu Trung Quốc đã đăng bài “Thiếu Lâm Tự - thương giới chí tôn”, mổ xẻ chuyện làm ăn, kinh doanh kiếm tiền của Thích Vĩnh Tín và Thiếu Lâm Tự.
Bài báo viết, từ năm 1999, sau khi Thích Vĩnh Tín trở thành Phương trượng đời thứ 30, Thiếu Lâm Tự đã bước vào thời kỳ phát triển siêu tốc và đánh mất đi hình ảnh của các đệ tử Phật gia truyền thống trong con mắt mọi người.
Từ nhiều năm nay, Thiếu Lâm Tự đã trở thành một tập đoàn kinh doanh lớn với 5 công ty con đều mang tên Thiếu Lâm Tự là Công ty quản lý tài sản, Công ty Hoan hỷ địa, Công ty truyền bá văn hóa, Công ty phát triển thực phẩm và Công ty Dược; 5 công ty này được coi là “5 pháp bảo kiếm tiền”.
Ngoài ra, Thiếu Lâm Tự hiện có hơn 40 công ty ở Berlin, London; xây dựng hơn 50 trường học và cơ sở nghiên cứu, truyền bá Thiếu Lâm Kungfu với thu nhập khoảng 10 triệu bảng Anh/năm. Hiện nay, Thiếu Lâm Tự đã trở thành tập đoàn sản nghiệp kiểu xâu chuỗi bao gồm các lĩnh vực: Từ (hoạt động công ích), Thiền (Tổ đình Thiền tông), Võ (Fungfu, bùa chú), Y (Cục Dược Thiếu Lâm), Nghệ (Thư họa, âm nhạc, điêu khắc), San (In ấn, xuất bản, phát hành). Chúng đã trở thành nguồn thu nhập chủ yếu của Thiếu Lâm Tự.
Kungfu cứu “giấc mộng bóng đá Trung Quốc”
Bóng đá kungfu. |
Thời gian qua, bóng đá Trung Quốc lâm vào tình trạng sa sút chưa từng thấy, các đội tuyển nam, nữ liên tiếp thất trận với những tỷ số được coi là “mất mặt” trước những đối thủ được xem là chiếu dưới (điển hình là trận thua Thái Lan 0-8); trọng tài bán độ, ăn tiền; các quan chức liên tiếp dính vào những vụ bê bối tham nhũng…
Trong tình cảnh đó, thông tin Thiếu Lâm Tự thành lập Trung tâm bóng đá và tuyên bố đưa Kungfu vào bóng đá để giúp chấn hưng bóng đá Trung Quốc đã gây xôn xao dư luận. Nhiều người cho rằng đó chỉ là tin đồn có tính khôi hài nhằm đả phá tình trạng bạo lực trong bóng đá hiện nay.
Ngày 13/8 vừa qua, Hòa thượng Thích Diên Lỗ, Tổng giáo đầu Căn cứ (Trung tâm) huấn luyện võ tăng Thiếu Lâm Tự đã tiếp các nhà báo và khẳng định, ngay từ năm 2011, Trung tâm đã có ý định đưa Kungfu Thiếu Lâm vào bóng đá và xây dựng các đội bóng đá Thiếu Lâm. Hiện nay, lớp đào tạo bóng đá Thiếu Lâm có hơn 500 học viên, độ tuổi từ 8-15. Các học viên được tuyển chọn theo tiêu chuẩn: tự nguyện, biết Kungfu ở mức nhất định, yêu thích bóng đá.
Qua hơn hai năm huấn luyện, Thích Diên Lỗ nhận xét: sự kết hợp bóng đá với Kungfu rất có ý nghĩa, Trung tâm sẽ tiếp tục kiên trì hướng đi này để đào tạo ra những cầu thủ có “cước pháp” siêu việt, góp phần chấn hưng bóng đá Trung Quốc. Thích Diên Lỗ cho biết, Thiếu Lâm Tự liên kết với Tập đoàn Kiến Nghiệp Hà Nam sẽ đầu tư tổng cộng 2 tỷ tệ để xây dựng 1 trường đào tạo bóng đá, 1 sân vận động và 2 cung thể thao với tham vọng “cứu vớt giấc mộng bóng đá Trung Quốc”.
Tuy nhiên nhiều người tỏ rõ hoài nghi sự thành công của ý tưởng này. Họ cho rằng: “Bóng đá Thiếu Lâm” chỉ là biểu hiện của việc “có bệnh bốc thuốc bừa”; muốn trị căn bệnh của bóng đá Trung Quốc phải trị tận gốc, phải bắt mạch kê đơn.
Theo Tiền Phong