Chuyện ít biết về nữ hoàng băng nhạc 'Mưa bụi' Tài Linh

Thứ bảy, 18/10/2014, 09:50
Là người thu âm những ca khúc đầu tiên của 'Mưa bụi', nhưng với nghệ sỹ Tài Linh, đó chỉ là cuộc dạo chơi đầy ngẫu hứng mà thôi.

Đến với cải lương bằng sự tình cờ

Nữ nghệ sỹ Tài Linh tên thật là Huỳnh Thị Phú Nhuận, chị sinh năm 1956 tại Sài Gòn với quê cha ở Bình Định, quê mẹ ở Bến Tre. Cha mẹ chị là ông bà chủ tiệm may Ngọc Châu đình đám một thời ở Sài Gòn.

Tài Linh có 7 người anh chị em, trong đó, hai người nữa cũng theo nghiệp ca hát và nổi danh là chị gái Tài Lương và em trai Chí Linh.

Chuyện ít biết về nữ hoàng băng nhạc 'Mưa bụi' Tài Linh

Năm 1977, cha của Tài Linh bị bệnh và qua đời, công việc kinh doanh cũng đi xuống. Mẹ Tài Linh quyết định để lại tiệm may cho cô chị cả, còn bà dẫn Tài Linh cùng Chí Linh và cô em gái út về Bến Tre.

Cuộc sống khó khăn chồng chất khó khăn nên Tài Linh đã theo chị gái Tài Lương, lúc này đang là nghệ sỹ cải lương ở đoàn Sài Gòn 3, về lại thành phố làm nhân viên bán vé.

Cũng chính từ sự tình cờ này mà Tài Linh đã bắt đầu được các nghệ sỹ Lan Chi, Thuý Lan dạy cho những câu hát đầu tiên của cổ nhạc. Ngoài ra, chị còn học thêm với nhạc sỹ Duy Khanh và rất được các nghệ sỹ như Thanh Điền, Thanh Kim Huệ khen ngợi.

Tài Linh không bao giờ quên được lần đầu tiên chị đứng trên sân khấu đoàn Sài Gòn 3 với vở cải lương Mái tóc người vợ trẻ. Cũng chính từ đây, Tài Linh đã mạnh dạn bước đi từng bước trên con đường cải lương, tiếp nối những gì chị gái Tài Lương đã gây dựng được.

Năm 1981, dịp may mắn đã đến với Tài Linh khi nghệ sỹ Quốc Trầm, bầu đoàn cải lương Nha Trang mời chị về làm đào chính. Từ sự may mắn này, Tài Linh đã đi diễn ở nhiều tỉnh miền Trung với các nghệ sỹ Quốc Trầm, Phương Dung, Vương Tuấn, Lệ Huyền, Thanh Hùng và được khán giả rất ái mộ qua các vở tuồng Công chúa tóc thơm, Cây gậy thần, Tình ca biên giới…

Chuyện ít biết về nữ hoàng băng nhạc 'Mưa bụi' Tài Linh

Từ năm 1981 đến năm 1988, trong 7 năm liên tục, Tài Linh đã là đào chính của các đoàn hát Tiếng ca sông Cửu, Tây Ninh 2, Long Giang, Vũng Tàu 2, Cửu Long 1.

Chị cũng đã đi lưu diễn qua các tỉnh miền Trung, miền Đông, miền Tây Hậu Giang với các tuồng Công chúa tóc thơm, tuồng Tội của ai và các tuồng cổ tích dân gian như Khoai lang Dương Ngọc, Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn, Lâm Sanh Xuân Nương…

Đến năm 1989, Tài Linh được đoàn cải lương Minh Tơ mời về hát thế vai cho nữ nghệ sỹ Thùy Dương vì Thùy Dương theo chồng đi định cư ở Canada. Đây là một dịp may mắn để Tài Linh có thể phô diễn hết được năng khiếu trời cho của mình với cải lương.

Ở đoàn Minh Tơ, Tài Linh được diễn viên kiêm đạo diễn Thanh Tòng chỉ dạy cho những vũ đạo cơ bản của sân khấu tuồng cổ, những bài ca Hồ Quảng.

Tài Linh sáng dạ, tiếp thu nhanh, có duyên sân khấu, có sắc đẹp đằm thắm dịu dàng lại được mặc y phục cổ trang rực rỡ nên chị thường được xuất hiện trong các vai nữ hoàng, công chúa.

Khi đó, báo chí không ngớt khen ngợi Tài Linh, khán giả săn đón, xin ảnh thần tượng Tài Linh, xin chữ ký và gần như lúc nào Tài Linh xuất hiện trên đường phố cũng được rất đông người hâm mộ nhận ra và dành lời khen ngợi.

Chuyện ít biết về nữ hoàng băng nhạc 'Mưa bụi' Tài Linh

Cuộc dạo chơi mang tên 'Mưa bụi'

Trước khi dòng âm nhạc Mưa bụi hình thành và phát triển nở rộ trong những năm của thập niên 90, ít ai nghĩ rằng, dòng nhạc này lại ra đời một cách tình cờ nhưng đem lại hiệu ứng cao đến thế trong lòng những khán giả yêu nhạc.

Chỉ đơn thuần khi nghệ sỹ Tài Linh ghé qua studio Kim Lợi của nhạc sỹ Hữu Minh, hát thử một đoạn tân nhạc, chất giọng của chị đã làm cho ông chủ Kim Lợi chú ý bởi anh đang loay hoay tìm ra một hướng đi mới cho âm nhạc thời bấy giờ.

Sau lần hát thử này, Hữu Minh quyết định mời Tài Linh thu âm một số ca khúc do anh viết lời, được nhạc sỹ Vinh Sử biên tập lại.

Bởi trước đó, Tài Linh là một nghệ sỹ cải lương, chị hoàn toàn không có một chút kỹ thuật nhạc nhẹ nào, thế nên chị gần như phải học lại từ đầu với những phịp phách, tiết tấu của nhạc nhẹ kết hợp với cách luyến láy của cổ nhạc.

Tài Linh đã cùng Kim Lợi mày mò, chỉnh sửa để có thể cho ra mắt được những sản phẩm mang đậm âm hưởng dân ca trên nền tân nhạc.

Để nói về thành công lẫy lừng của thời kỳ Mưa Bụi một thời, Tài Linh khiêm tốn cho rằng: ‘Tôi vẫn xác định cải lương mới là sở trường của mình, còn ca nhạc chỉ là một sự dạo chơi đầy ngẫu hứng mà thôi’.

Với Tài Linh, đó là một cơ duyên mà nếu không có cơ duyên ấy, tên tuổi của chị chắc hẳn không được nhiều người biết tới: ‘Những năm 1990, các video cải lương rất thịnh hành. Trong quá trình quay các tuồng cải lương cho đạo diễn Hữu Minh, anh ấy nhận thấy tôi có khả năng ca nhạc nên mời tôi làm CD ca nhạc.

CD đó tôi hát với ca sỹ Đình Văn, có bài Ngẫu hứng lý qua cầu rất được khán giả yêu thích, từ đó khán giả cũng chấp nhận mình hát tân nhạc. Sau đó thì đến băng Mưa bụi mà mình cũng không ngờ lại thành công đến vậy.’

Không thể phủ nhận rằng thành công từ Mưa bụi đã giúp ích rất nhiều cho sự nghiệp ca hát của Tài Linh. Chị có thêm nhiều khán giả hơn, được nhiều công chúng ở hải ngoại biết đến và yêu mến nhiều hơn. Và tên tuổi của chị cũng gắn liền với dòng âm nhạc ‘thuần Việt’ có sức công phá mãnh liệt nhất trong các dòng nhạc từ trước đến nay.

Chuyện ít biết về nữ hoàng băng nhạc 'Mưa bụi' Tài Linh

Nghệ sỹ Tài Linh đã qua Mỹ định cư từ năm 2004 theo diện đoàn tụ gia đình. Những năm đầu ở nơi đất khách quê người, nghệ sỹ cải lương đình đám một thời kiếm sống bằng nghề làm móng ở Victor Ville.

Thời gian này kéo dài đằng đẵng suốt ba năm trời ngập tràn trong nỗi nhớ quê hương da diết cùng với ánh đèn sân khấu. Dần dần sau đó, Tài Linh mới bắt đầu nhận show biểu diễn để làm nguôi ngoai đi nỗi nhớ nghề vẫn còn chan chứa trong chị.

‘Cuối tuần tôi vẫn đi hát phục vụ bà con. Ở hải ngoại khán giả rất ủng hộ cải lương, ở đâu cũng là người Việt mình mà. Những người lớn tuổi nhớ quê hương nên rất nhớ cải lương, nhớ câu vọng cổ, những người trẻ tuổi thì luôn muốn tìm hiểu về nghệ thuật dân tộc.

Khi đi diễn tôi luôn cố gắng diễn trích đoạn cải lương, dù rằng nếu hát ca nhạc sẽ nhẹ cho mình hơn, để người Việt xa xứ mình đỡ nhớ quê, cũng mong muốn cho các em nhỏ sinh ra sau này mặc dù chưa có dịp về thăm quê hương cũng biết về truyền thống dân tộc.

Tôi đều có làm lược truyện giới thiệu tóm tắt nội dung từng vở tuồng trước mỗi trích đoạn biểu diễn để các em ít nhiều cũng có thể hiểu được tuồng nói gì...’

Có thể thấy, với Tài Linh, cải lương đã là định mệnh mà cho dù có đi xa quê hương tới nửa vòng trái đất, chị vẫn không thể dừng sự đam mê này lại được.

Thế nhưng với sự thử sức cùng Mưa bụi, Tài Linh đã ghi những dấu ấn sâu đậm, đã làm nên một dòng nhạc mới, đã khiến cho nền âm nhạc Việt Nam thời bấy giờ chuyển mình và có những đột phá tích cực.

Thế nên, không có gì là quá khi nói rằng, Tài Linh chính là một nhân tố không thể thiếu với Mưa bụi mà nếu không có chị, dòng nhạc này đã không thể phát triển, âm nhạc trong nước đã không thể có những chuyển biến để làm nên một thời đại âm nhạc mới như những gì đã đạt được vào những năm của thập kỷ 90.

Theo VTCNews

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích