Khi nghệ thuật “ưu ái” mặt trái xã hội: Tìm tài năng hay tìm scandal?

Thứ tư, 08/04/2015, 16:24
Có một nghịch lý: Cho dù bùng nổ các chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng ca hát, nhảy múa, diễn hài…, thì lực lượng nhân tố mới, tích cực bổ sung cho thị trường giải trí lại ngày càng èo uột. Tìm kiếm tài năng, nhưng rốt cuộc, người ta chỉ nhìn thấy toàn mặt trái của showbiz, đó là toàn… scandal “gặt hái” được để mong… nổi tiếng hơn.

“Tài năng” chín ép

Tối 5/4, cậu bé 9 tuổi Đức Vĩnh chuyên giả gái đã đăng quang cuộc thi "Tìm kiếm Tài năng Việt" (Vietnam’s Got Talent). Cũng như mọi khi, các giám khảo dành cho em lời khen có cánh, là “thần đồng”, nghệ sĩ… Nhưng có ai đặt một dấu hỏi, tại sao có rất nhiều vai diễn trong kho tàng nghệ thuật truyền thống, mà người dàn dựng dường như có chủ ý chỉ toàn giao vai nữ cho em? Từ Xúy Vân, đến Cô Đôi Thượng Ngàn, Thị Mầu… Ngay cả vai diễn đêm chung kết cũng phải “chơi” một lúc hai vai nam-nữ. Và không phải lúc nào Đức Vĩnh cũng nhập vai hay trọn vẹn như các lời khen của giám khảo.

Ở một khía cạnh khác, việc giả gái từ lâu ở nước ngoài bị hạn chế, ngay cả phiên bản “Gương mặt thân quen nhí” khi nhập về VN cũng cấm bé trai đóng vai bé gái vì sợ ảnh hưởng tâm sinh lý sau này. Từ chỗ có năng khiếu bắt chước vai diễn của người lớn (dù chưa hiểu hết), Đức Vĩnh bị đẩy lên thành “tài năng”, rồi “thần đồng”, không biết cậu bé này sẽ đi về đâu?

Là bởi, trước Đức Vĩnh, từng có cặp đôi Đăng Quân - Bảo Ngọc cũng đăng quang ở mùa đầu tiên, rồi cũng “lặn mất tăm” vì các em còn bé quá. Một cuộc thi tìm tài năng mà khi khép lại, người ta chỉ nhớ đến màn nuốt nhầm axit, nuốt kéo, cá, lươn… gây sốc.

Hương Tràm có giọng hát tốt, nhưng phải dựa vào scandal mới mong duy trì tên tuổi.

Tương tự, hàng loạt các cuộc thi hát, múa khác cũng nhanh chóng bị quên lãng, khi càng về sau, những chương trình mới về lại “đè bẹp” chương trình trước. Nếu như trước đây, “Thần tượng âm nhạc - Vietnam Idol” gây sốt vì đủ loại thí sinh từ kỳ quặc, sến sẩm, đến chuyển giới, thì càng về sau càng đuối và bị “bắt bài”. Chính vì thế, khi có thông tin “Thần tượng âm nhạc” bị ngừng phát sóng, chương trình này mới được… chú ý trở lại.

Thiếu những điều tử tế

Nếu như "Giọng hát Việt" mùa đầu dậy sóng và tìm ra quán quân Hương Tràm, thì chỉ sau một năm, ngôi sao này lại dính liên tiếp một loạt scandal. Mùa thứ hai, quán quân Vũ Thảo My hầu như không ai biết đến và bị dính chùm với nghi án “mua giải”. “Cặp đôi hoàn hảo" biến thành sân chơi để ca sĩ tố nhau, tố MC, tố cả ban tổ chức… không công bằng. “Bước nhảy hoàn vũ” dính đến nhiều scandal “đạo nhái” và dù đang mượn hơi dàn hotgirl thì chương trình cũng không còn tính hấp dẫn như ban đầu nữa. “Nhân tố bí ẩn” là “bom tấn” “xịt”, đến nỗi quán quân của cuộc thi này còn chạy sô vài cuộc thi khác để lấy tiếng.

Ngay cả ở chương trình nóng hổi là “The Remix” - Hòa âm ánh sáng, nhà sản xuất đã phải chọn toàn những ca sĩ đình đám nổi lên từ scandal để… câu khách. Kết quả, 2 trong số 8 thí sinh bỏ cuộc là Sơn Tùng M-TP và Hoàng Tôn để “sang nơi khác chơi”. Rồi các “Super Star”, “Academy Stars” cũng thay nhau “lặn mất tăm” sau những cuộc thi ồn ã.

Và kết cục buồn: “Tài năng” chín ép, nên lụi tàn rất nhanh. Càng nhiều cuộc thi, càng khan hiếm nhân tố mới, vì các ca sĩ quen mặt cứ thay nhau đi thi hết chương trình này đến chương trình khác, xem như đó là “dự án” dài hơi của họ, thay vì ra album có chất. Càng tìm đến chiêu trò, càng mau chết yểu. Quy luật đó đang được áp dụng vào nhiều chương trình giải trí, để cho đến nay, tài năng thì cạn kiệt, còn thị trường giải trí cũng đã bão hòa với scandal. Đến nỗi, các “sao” rơi rụng lả tả.

Vì sao các cuộc thi ở khía cạnh tích cực bỗng biến thành tiêu cực như vậy? Là bởi, thay vì đào tạo chính quy, kỹ lưỡng, các cuộc thi chỉ việc đánh bóng các tên tuổi qua các chương trình trực tiếp, vừa nhanh, lại vừa thu bộn tiền quảng cáo. Và muốn câu rating, không gì hay hơn bằng scandal. Thế nên, có người gọi đây là thời nghệ thuật cũng chết yểu, vì không có đất sạch để ươm mầm tử tế.

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn