Trung tâm Nghệ thuật Cải lương Hưng Đạo (được xây dựng trên nền rạp hát Hưng Đạo, số 136 Trần Hưng Đạo, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM) dự kiến sẽ bàn giao cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang quản lý và sử dụng từ ngày 10-4 để kịp làm lễ khánh thành vào ngày 18-4 với vở ra mắt: Chiến binh (tác giả: Chu Lai; chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt; đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu).
Thế nhưng, tại buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP HCM sáng 8-4, NSND Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, cho biết đơn vị của ông đang đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhất là những bức xúc trong giới nghệ sĩ về kết cấu hạ tầng của Trung tâm Nghệ thuật Cải lương Hưng Đạo mà nhà hát này sẽ tiếp nhận, khai thác.
Nhận nhà mới mà không vui
Trung tâm Nghệ thuật Cải lương Hưng Đạo hoàn thành là sự nỗ lực của chính quyền TP HCM trong việc quan tâm, đầu tư cho nghệ thuật truyền thống có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại để nghệ sĩ có điều kiện sáng tạo phục vụ công chúng. Thế nhưng, khi khảo sát bên trong, hầu hết nghệ sĩ, đạo diễn, họa sĩ thiết kế sân khấu đều cảm thấy thất vọng bởi quy chuẩn đặc thù của sàn diễn cải lương đã bị phá vỡ.
Kết cấu mặt tiền và nội thất của trung tâm mới, đẹp nhưng không phù hợp. Trung tâm có quá nhiều đèn nhưng chẳng biết treo và lắp đặt thế nào, vách xây lại không có hốc giấu những hộp đèn theo tiêu chuẩn quốc tế. Loa bày đầy ra sàn diễn, trong khi sàn chỉ còn 10m bề ngang (so với mặt bằng sàn diễn của rạp Hưng Đạo cũ là 12m), nếu tính thêm 2m cho hai cánh gà thì sàn diễn sử dụng thực tế chỉ còn 8m bề ngang. Điều khó chịu hơn là không có hố nhạc để dàn nhạc cổ ngồi, phông màn lại treo ngổn ngang che kín vách tường còn mới tinh.
Với lý do bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định phòng cháy chữa cháy, khán phòng bị thu hẹp chỉ còn 300 ghế (dưới nhà), 300 ghế (trên lầu). Lan can của tầng lầu che khuất tầm mắt khán giả. Để khán giả trên lầu nhìn thấy mình, diễn viên phải lùi vào sâu trong sàn diễn.
Điều quan trọng hơn là có quá nhiều bệ nâng trên sàn diễn. Chức năng của bệ nâng là để chuyển cảnh và phục vụ diễn xuất nhưng độ cao của sàn diễn quá thấp, khó có thể giấu cảnh trí. Diện tích bệ nâng không đáp ứng được yêu cầu nâng khối lượng cảnh cần thiết của một vở diễn. Bên trong hậu trường sàn diễn lại không có đủ diện tích để chứa cảnh.
“Những kế hoạch dàn dựng Chiến binh đã bị phá sản vì thiết kế mỹ thuật cho vở theo diện tích của sàn diễn này không đáp ứng sự sáng tạo của một tác phẩm sân khấu. Chúng tôi phải tiến hành duyệt phúc khảo tại rạp Thủ Đô, chờ thay đổi toàn bộ cảnh trí mới, theo đúng diện tích của sàn diễn quá hẹp này” - NSND Trần Ngọc Giàu cho biết.
Sân khấu cải lương như sàn diễn thời trang
Các đại biểu Quốc hội và HĐND TP HCM đều bày tỏ bức xúc khi biết nhà hát này xây cho hoạt động nghệ thuật cải lương mà không tham khảo ý kiến đóng góp của những người trong nghề.
Theo NSND Trần Ngọc Giàu, khi khởi công công trình, đơn vị xây dựng thuộc Sở Xây dựng TP HCM có mời một số đạo diễn, nghệ sĩ tham gia ý kiến. Thế nhưng, sau đó, mọi ý kiến đóng góp của người làm nghề đều bị bác bỏ. Ông bức xúc: “Sân khấu cải lương phải được thiết kế mang tính đặc thù, không thể xây dựng theo mô hình trung tâm văn hóa. Hiện trạng như vậy khó mà dàn dựng các vở diễn đúng tầm nghệ thuật với những xử lý cảnh trí của sàn diễn cải lương”.
Chưa hết, khán phòng dành cho sân khấu thể nghiệm với 290 ghế có trần nhà quá thấp. NSND Trần Ngọc Giàu cho biết ông từng góp ý trực tiếp rằng không nên xây dựng sân khấu bê-tông cố định, thay vào đó cần làm sân khấu lắp ráp có thể linh động di chuyển để dễ phục vụ cho việc sáng tạo thể nghiệm. Song, khán phòng này đã được xây dựng một sàn diễn bê-tông hình chữ T như sàn diễn thời trang.
Xây nhà hát cho có, không đạt được hiệu quả trong việc sử dụng, không đúng như tâm nguyện làm nghề một cách chân chính của các thế hệ nghệ sĩ cải lương là điều đáng trách. “Trước đây, đã có ý kiến nên chọn khu đất khác để xây dựng nhưng nhiều ý kiến nói rạp Hưng Đạo là thánh đường nên cần xây trên nền cũ. Trong khi đó, rạp dính liền với khối nhà chung cư, giải tỏa hết khối nhà chung cư này thì không có ngân sách đền bù. Vì chỉ xây trên diện tích cũ của rạp hát nên hậu quả là sự teo tóp lại của khán phòng, sàn diễn và nhiều thứ không hợp lý. Thật đáng tiếc!” - NSND Huỳnh Nga bày tỏ.
“Với hiện trạng này, tôi tin TP HCM khó mà đăng cai các cuộc liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc. Bởi lẽ, với kết cấu như hiện nay - không khác gì hội trường nhỏ hẹp của một trung tâm văn hóa - nó triệt tiêu toàn bộ những thể nghiệm về thiết kế sân khấu vì sàn diễn quá hẹp” - NSND Trần Ngọc Giàu bức xúc.
Đã khổ càng thêm khó Điều bức xúc nhất của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang là sau khi tiếp nhận cơ ngơi mới này, họ sẽ phải bàn giao trụ sở 515 Trần Hưng Đạo (quận 1) và rạp Thủ Đô (đường Châu Văn Liêm, quận 5) cho Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM. “Cơ ngơi mới không có kho chứa cảnh trí và đạo cụ sân khấu. Mỗi vở diễn đều có cảnh trí và đạo cụ, vì trung tâm mới không có chỗ chứa nên việc duy trì đời sống vở diễn rất khó khăn. Chẳng lẽ mỗi lần diễn xong phải hủy hết cảnh trí, khi diễn lại phải làm mới hoàn toàn? Hiện nay, chúng tôi được hứa cấp cho một nhà kho nằm ở cầu Thị Nghè, quận Bình Thạnh nhưng tuyến đường này lại cấm xe tải lưu thông. Chưa kể đến việc có nhà mới, nguồn điện sử dụng tăng cao vì tất cả đều vận hành thang máy. Số lượng ghế giảm, giá vé phải đội lên cao mới đủ chi phí, khán giả sẽ là người thiệt thòi khi phải mua vé giá cao. Cải lương đã khổ lại càng thêm khó” - ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, lo ngại. Theo ông, tính đến nay, đã có 4 đoàn khảo sát đến làm việc nhưng những kiến nghị của nhà hát vẫn chưa thấy hồi âm. |
Theo NLĐ