Khủng hoảng truyền thông trong giới showbiz: Bị “ném đá” vẫn phải… mỉm cười

Chủ nhật, 05/07/2015, 09:43
Có thể là trò xấu, cũng có thể là vì sự chủ quan của người nổi tiếng, song việc sao Việt bị “ném đá”, tẩy chay, bị dọa cắt hợp đồng quảng cáo… đều đủ để làm họ khốn đốn về tình cảm, sa sút về tinh thần. Tuy vậy, nhiều người trong số họ vẫn phải xuất hiện trên sóng truyền hình, vẫn phải cười. Đối diện với khủng hoảng để giải quyết tận nguồn là điều mà các chuyên gia tư vấn thường khuyên những người nổi tiếng.
Ngô Thanh Vân từng điêu đứng vì bị lên án là người “giật chồng”.

Khi sao Việt bị soi đời tư và bị tẩy chay

Hai cái tên được nhắc đến gần đây với tần suất dày đặc trên mạng xã hội và truyền thông là ca sĩ Hồ Ngọc Hà và diễn viên múa Linh Nga. Đối với Hồ Ngọc Hà, đây chỉ là một trong vô số lần bị “ném đá” tơi tả và cô đã âm thầm vượt qua được. Nhưng lần này, sóng gió nổi lên mạnh hơn khi nghi án “giật chồng”, là “người thứ ba” được ấn định cho cô, cùng với Linh Nga, khiến cả hai lao đao vì những thông tin dè dặt từ phía các nhãn hàng mà họ đại diện.

Nguy cơ mất tiền tỉ từ thu nhập quảng cáo cũng sẽ xảy ra, khi có cả hội tẩy chay họ trên trang web trẻ thơ với các “bài” chuyên nghiệp.

Câu chuyện không còn dừng ở chuyện scandal tình ái nhan nhản ở giới showbiz, khi người này… giành đại gia của người kia, mà đã trở thành chuyện thường ngày. Bởi lẽ, có sao nào trong giới showbiz không dính líu đủ scandal tình, tiền, mà sao hai ngôi sao sáng này trở thành tâm điểm cho mũi dùi của thiên hạ?

Đây là lúc xử lý truyền thông. Có nghĩa là, nếu ai đó khôn khéo, người đó sẽ cứu bàn thua trông thấy, cùng cái tai tiếng vớt lại cũng được một chút ít tử tế.

Không phải ngẫu nhiên khi mắc phải hạn người lái xe tông chết người cuối năm 2014 vừa qua, Hồ Ngọc Hà đã biết cách xử lý bằng chữ tình, đến thăm hỏi nạn nhân, chia sẻ kịp thời với gia đình họ. Và sau khi dư luận lắng lại, hình ảnh cô và người chồng cũng được khôi phục phần nào trong mắt cộng đồng.

Cho đến khi lâm vào khủng hoảng tiếp theo, khi bức ảnh chụp cùng đại gia kim cương lan truyền chóng mặt, Hồ Ngọc Hà cũng đã có cuộc tiếp xúc khôn ngoan với phóng viên báo mạng. Thậm chí, cũng có ý từ trên xuống không nên xoáy sâu vào đời tư một người nổi tiếng như cô.

Còn Linh Nga thì sao? Cô học cách im lặng như trước đây của Hồ Ngọc Hà. Việc ai cứ làm, cứ để cho công việc của mình chứng minh mình là con người của nghệ thuật, của múa. Tuy nhiên, có thể, thời gian dần qua cũng chứng minh không phải cứ im lặng chịu đựng là được cho qua.

Bởi lẽ, cộng đồng các mẹ với cả triệu lượt like sẽ không chịu ngồi yên khi không “làm cho ra lẽ, lấy lại sự công bằng” cho những người vợ thiệt thòi. Và lẽ dĩ nhiên, ở cương vị người nổi tiếng, nếu không giữ hình ảnh của mình cho đàng hoàng, họ sẽ khó lấy lại những gì đã mất.

Đến nhà đài cũng chịu tai tiếng

Tăng Thanh Hà vượt qua khủng hoảng truyền thông bằng cách im lặng.

Thân phận nghệ sĩ đã khốn đốn khi bị dính hạn đen, song ngay cả nhà đài lớn cũng gánh chịu không ít hậu quả khi bị dính vào khủng hoảng truyền thông. Câu chuyện “cần giải hạn” của VTV trong năm ngoái và năm nay là một ví dụ.

VTV liên tiếp bị phạt vì vụ “khăn Piêu làm khố”, đưa tin sai sự thật trong “Điều ước thứ bảy”, hay vụ “Quà tặng cuộc sống” với đoạn “gắp xương cho thầy”. Tiếp theo lại làm dậy sóng dư luận vì thất thố khi điều tra cầu thủ Công Phượng có gian lận tuổi hay không. Gần đây nhất, có các vụ “Điệp vụ tuyệt mật” dời thủ đô Hà Nội sang phía nước khác, phát hình ảnh của Paris By Night chưa được cấp phép…

Nhìn chung, cách ứng xử trung thực sẽ dễ giúp người xem bỏ qua lỗi của nhà đài. Thế nhưng, tình trạng đẩy đưa cho đối tác phối hợp thực hiện, hay lần lữa thanh minh mới nhận lỗi… đã khiến người xem quá thất vọng. Suy cho cùng, xử lý khủng hoảng truyền thông lần này lại ở mức thấp nhất, khi chính nhà đài rơi vào “bẫy truyền thông” của chính mình, vì cẩu thả, sai sót và cố chứng minh mình đúng cho được bất chấp sự thật.

Không chỉ đài lớn, các đài địa phương cũng chịu áp lực không nhỏ khi các chương trình truyền hình thực tế của họ bị ngưng phát sóng vì chưa cấp phép hoặc dễ dãi, câu khách quá trớn khiến người xem đặt dấu hỏi. Tuy nhiên, sau đó, các chương trình lại từ từ lên sóng và người ta tự hỏi, hay là càng bị ngưng, chương trình đó (vốn đã hết ăn khách) trở nên “nóng trở lại”? Có chiêu trò gì ở đây chăng?

Truyền thông có nhúng chàm?

Trước hết, không có lửa làm sao có khói? Truyền thông nếu không “đổ dầu thêm lửa”, thì việc săn lùng các ngôi sao, cùng chuyện soi đời tư của họ quá sâu khiến mọi chuyện không dừng ở đó.

Còn nhớ nhiều chuyện truyền thông bị mắc lỡm, hết đưa tin chồng của Tăng Thanh Hà bị đồng tính, lại đến khơi mào nhiều cuộc tình của Hồ Ngọc Hà, rồi “chuyện là người thứ ba” của Ngô Thanh Vân…, nghĩa là đề tài không bao giờ cạn. Cuộc chiến câu view trở nên quyết liệt, cho đến khi, tách ra khỏi con đường làm báo lá cải không dễ.

Không ít trường hợp, vì đi sâu quá đà mà truyền thông góp tay vào dồn người bị nạn vào đường cùng. Còn nhớ có vụ tự tử của một nhạc sĩ trẻ sau khi bị tố lừa tiền của học trò, để lại lời trăng trối tội nghiệp. Không nên lao vào chỉ trích, thóa mạ một ai đó khi sự việc chưa rõ ràng, chỉ mới thấy bề nổi.

Cũng không nên khoét sâu đời tư của người khác một cách tàn nhẫn chỉ vì cần sự quan tâm của độc giả hơn nữa. Những thông tin kiểu đó chính là liều thuốc độc, không chỉ làm ảnh hưởng cuộc sống của nghệ sĩ, mà cả của chính gia đình, con cái của họ.

Sự tử tế của ngòi bút, của lương tâm mới có thể cứu rỗi những nạn nhân trong giới showbiz.

Theo LaoĐộng

Các tin cũ hơn