Vì sao Phạm Hương bon chen ở Hoa hậu Hoàn vũ?

Thứ sáu, 11/12/2015, 08:47
Hoa hậu Phạm Hương cần được khen ngợi khi vứt bỏ sự tự ti, tìm mọi cách gây ấn tượng ở đấu trường quốc tế - điều mà chưa người đẹp Việt nào từng dám thực hiện.

Những ngày gần đây, clip quay lại việc Phạm Hương chạy nhanh giành vị trí tốt làm nổi sóng dư luận. Người thì đánh giá, đó là một việc làm khôn ngoan, biết cách để thể hiện bản thân của thí sinh Việt Nam. Lại có người cho rằng hành động như vậy là không lịch sự, không phù hợp khi tham gia cuộc thi quốc tế. Bỏ qua những ý kiến của các nhà đạo đức và nhìn vào thực tế của cuộc thi này thì: chậm chân là chết! Vì sao?

Sự khác biệt cơ bản giữa Hoa hậu Hoàn vũ và Hoa hậu Thế giới

Ở những cuộc thi như Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Quốc tế, hoặc Hoa hậu Trái đất, thái độ và cách cư xử được đánh giá tổng thể, ảnh hưởng trực tiếp đến điểm số thí sinh. Đó là lý do nhiều Hoa hậu Thế giới thời kỳ đầu bị tước vương miện, còn những năm sau này thì người chiến thắng đều không để lại bất kỳ điều tiếng nào, dù đôi khi điều đó làm cho họ (và cả cuộc thi) trở nên nhàm chán.

Mới đây nhất là trường hợp của hoa hậu Panama - Carmen Jaramillo tại cuộc thi Hoa hậu Trái đất 2015 diễn ra ở Áo. Dù được đánh giá cao cho ngôi hậu và là người giành nhiều giải phụ nhất nhưng lại không vào nổi top 16 bán kết. Chỉ 24 giờ trước khi công bố giải, cô bị gạch tên và thay thế bởi một thí sinh khác vì trong suốt quá trình thi, cô luôn xô đẩy thí sinh khác để giành vị trí tốt nhất, không chịu xếp hàng lấy thức ăn một cách trật tự.

Còn tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ hoàn toàn khác. Ban tổ chức không quan trọng việc người đẹp diễn vẻ nhân hậu, dịu dàng trước camera rồi bên trong hậu trường bộc lộ ra bản chất là một cô gái đanh đá, ăn thua hay có những hành động không đẹp.

Cái thực dụng của người Mỹ là chọn ra gương mặt nào có khả năng mang lại nhiều hợp đồng làm ăn nhất cho tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ, đáp ứng sự mong đợi từ những thị trường mạnh và truyền thống như Mỹ Latin hoặc Đông Nam Á. Họ không mấy quan tâm đến quá khứ, lối sống hay cách cư xử của cô với những thí sinh khác, mà chỉ chấm xem cô ấy làm việc có chuyên nghiệp, tác phong nhanh nhẹn, giao tiếp có hoạt bát và có tinh thần cầu tiến hay không.

Hình ảnh các thí sinh trong buổi tiệc chào mừng. Phạm Hương đứng ở vị trí dễ nhận biết (vòng tròn đỏ). Ảnh: GB

Hãy nhớ lại các cựu Hoa hậu Hoàn vũ có nhiều tai tiếng, có những phát ngôn sốc, thậm chí thoải mái chụp ảnh cho Playboy như Alicia Machado (1996), Lupita Jones (1991), Oxana Fedorova (2002), Natalie Glebova (2005)... Một số cô khác lại bị phê bình về cách cư xử trịch thượng, không tôn trọng người khác như Zuleyka Rivera (2006), Amelia Vega (2003), Stefania Fernandez (2009).

Cho dù cô có ảnh nóng trên 18+ thì vẫn được tham gia, vẫn dễ dàng giành ngôi vị á hậu như Priscilla Machado - hoa hậu Brazil 2011 hoặc cố tình tìm vị trí hàng đầu có nhiều tay săn ảnh, quên mặc đồ lót để "khoe hàng" nhằm gây bão truyền thông và ung dung vào vòng bán kết như của Catalina Robayo - hoa hậu Colombia 2011. Còn chuyện nói xấu, giấu quần áo hay 1001 chiêu trò hãm hại lẫn nhau tại cuộc thi này chỉ là chuyện cỏn con.

Phạm Hương chụp ảnh cùng đương kim hoa hậu Paulina Vega.

Theo thông tin do một phụ nữ tên Paola Bracho tiết lộ, sự sắp đặt của ban tổ chức trong đoạn clip quảng cáo cảnh hơn 80 thí sinh cùng bước ra chào đón hoàn toàn có chủ ý. Các thí sinh được yêu cầu đợi ở sảnh, chỉ bước ra khi đương kim Hoa hậu Hoàn Vũ 2014 - Paulina Vega có mặt. Chỉ vỏn vẹn vài phút trước khi đi ra, nhân viên an ninh tiếp cận nhóm thí sinh, yêu cầu một số đứng lùi lại phía sau và một số khác được gọi đến trước cầu thang và chờ thông báo tiếp theo.

Đó là cách hoa hậu của Colombia, Philippines, Venezuela, Mỹ, Tây Ban Nha, Thái Lan, Peru, Puerto Rico, Brazil, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ được đứng ở những vị thế đẹp nhất. Họ cũng cho đại diện một số nước chưa thực sự có thương hiệu tại cuộc thi này đứng hàng trên nhằm mục đích không làm cho vụ việc bị nhìn nhận là sắp đặt quá lố, nhưng vẫn dễ dàng thấy được các thí sinh của những quốc gia có thương hiệu mạnh xuất hiện ở vị trí dễ nhìn thấy nhất.

Mọi người cùng đi ra một cửa lớn nhưng có một khoảng thời gian giãn cách dành cho hai nhóm thí sinh. Thổ Nhĩ Kỳ được xem là làm hài lòng nhà tài trợ CHI với chủ nhân là người gốc Trung Đông, Mỹ là nước chủ nhà, Colombia là quốc gia của đương kim hoa hậu, Thái Lan và Peru đang là "con cưng" của truyền thông nước chủ nhà. Những người đẹp còn lại nếu chậm chân thì thiệt thòi thuộc về mình.

Sự khôn ngoan của Phạm Hương

Quay lại câu chuyện của Phạm Hương, khi nhiều người chê bai cô bon chen thì những người am hiểu tính chất của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ lại muốn vỗ tay ủng hộ. Ít nhất, người đẹp này đã vứt bỏ được tính e ngại, rụt rè cố hữu của người Việt và dám làm những điều cô nghĩ là có thể giúp mình tỏa sáng: Chạy nhanh đến vị trí đẹp, lọt vào ống kính phóng viên, ngẩng cao đầu kiêu hãnh và luôn nở nụ cười để có thể đẹp ở mọi bức hình.

Phạm Hương không như một số đại diện Việt Nam khác, phát biểu rụt rè với truyền thông rằng: Tôi đi thi với tâm thế giao lưu văn hóa và giới thiệu bản sắc, truyền thống dân tộc ra bạn bè quốc tế, không quan trọng giải thưởng, quan trọng là chiến thắng chính mình. Cô hiểu, mỗi thí sinh phải thực sự chiến đấu, tranh giành từng cơ hội, luôn luôn thể hiện, phô diễn bản thân mọi lúc mọi nơi, phải tự biến bản thân thành một ngôi sao để người khác thần tượng.

Những khán giả trung thành của các cuộc thi Hoa hậu (cả trong nước và quốc tế) đều có thể thấy rằng, trong giây phút đăng quang, có rất nhiều người đẹp ùa đến cạnh người vừa giành vương miện. Ngoài việc để chúc mừng, mục tiêu của họ còn là được xuất hiện trên báo chí (dù là lần cuối trước khi chương trình kết thúc). Vậy tại sao khi cuộc đua đang tiếp diễn, một người đẹp lại không có quyền chọn cái tốt nhất cho mình?

Nếu không thể tìm thấy Phạm Hương trong ảnh tiệc chào mừng Hoa hậu Hoàn vũ, người Việt có thất vọng không? Nếu cô không gây ấn tượng, người Việt có chê trách cô không? Bên cạnh cái gọi là màu cờ sắc áo, Phạm Hương còn đang vì đam mê của chính mình. Một cô gái đã miệt mài đi trên con đường sắc đẹp, từ cuộc thi nhỏ nhất (F-Idol 2011) đến cuộc thi lớn nhất nhì hành tinh, hẳn đã xác định chạy nước rút cho chặng cuối.

Những người đẹp thi quốc tế (dù lớn dù nhỏ) đều có ê-kíp hỗ trợ gửi thông tin cho báo chí. Đây đều là những thông tin nhỏ lẻ vì hoa hậu cũng chẳng có nhiều thời gian viết, hình ảnh chủ yếu tự chụp bằng điện thoại. Phạm Hương thì khác. Tên tuổi cô vẫn phủ rộng trên truyền thông mà không có tin tức nào được đưa theo kiểu nhờ vả. Đơn giản vì báo chí quốc tế, chuyên gia hoa hậu đều đã dành cho cô những lời khen tặng ngọt ngào. Truyền thông trong nước chỉ đưa tin theo cũng đã quá nhiều.

Tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ có hai ban giám khảo riêng biệt. Một ban giám khảo chấm tổng thể hơn 80 thí sinh qua ba vòng (ứng xử, áo tắm, dạ hội) để chọn ra 10 cô gái có tổng điểm cao nhất cùng 5 thí sinh khác do ban tổ chức chọn (cảm ơn nhà tài trợ, nước chủ nhà, hợp đồng làm ăn...). Sau đó sẽ có một ban giám khảo khác chấm đêm chung kết trao giải, với thể thức đấu loại trực tiếp qua từng vòng, nghĩa là sau mỗi vòng thì điểm trở về 0 và chỉ chọn người cao điểm để thi tiếp top 10 dạ hội và top 5 ứng xử.

Điều ngăn bước tiến của thí sinh tại cuộc thi này là sự trình diễn yếu kém, kỹ năng không chuyên nghiệp, chưa đủ xinh đẹp và độ nóng bỏng. Mối quan hệ giữa ban tổ chức với giám đốc của từng quốc gia và bạn đang đại diện cho nước nào, có phải là thị trường đang trong tầm ngắm của tổ chức hay không... cũng tác động không nhỏ. Có rất nhiều yếu tố ngoài chuyên môn chi phối đến kết quả cuộc thi, nhưng đây là những điều được đúc kết qua gần 20 năm dưới bàn tay của tỷ phú Donald Trump.


Theo Zing

Các tin cũ hơn