Sau cột mốc 100 năm, sân khấu cải lương sẽ đi về đâu nếu không có phương hướng rõ rệt? Các đơn vị nghệ thuật công lập gần như bất lực trong việc tìm kiếm khán giả; còn sân khấu cải lương xã hội hóa chỉ sống theo mùa với sự kiện, lễ hội rồi cũng mờ mịt hướng đi.
"Trận chiến" mới
Thực trạng đáng buồn là vậy nhưng mới đây, Công ty TNHH Tổ chức biểu diễn Song Việt vẫn cho ra mắt Sân khấu Cải lương mới Đại Việt. Theo tâm sự của những người trong cuộc, đây được xem là một "trận chiến" mới để tìm lại khán giả, chung tay cứu cải lương.
Sân khấu Cải lương mới Đại Việt do soạn giả Hoàng Song Việt phối hợp cùng đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên và nghệ sĩ Quang Khải của Nhà hát Cải lương Việt Nam cùng đầu tư. Ngay cái tên của nó đã gợi lên nhiều suy nghĩ: Đổi mới để tồn tại dù nghệ thuật cải lương qua một thế kỷ hình thành và phát triển đã tạo nên khuôn mẫu ca diễn, dàn dựng in sâu trong lòng công chúng.
Nghệ sĩ Bạch Lê và nghệ sĩ Thanh Loan trong “Gìn vàng giữ ngọc” - một chương trình thu hút khá đông khán giả yêu thích cải lương
Tuy được đánh giá là loại hình mở, sẵn sàng dung nạp những tinh hoa để làm giàu đẹp hơn nhưng sàn diễn cải lương vẫn cứ loay hoay tìm lối thoát. Trong năm 2018, 3 sân khấu cải lương xã hội hóa gồm: Chí Linh - Vân Hà, Vũ Luân và Sen Việt đã ra mắt khán giả và tìm mọi cách để sáng đèn. Thế nhưng, dù đã hết sức nỗ lực, cả 3 sân khấu này cũng chỉ diễn được vài suất.
Nhiều nghệ sĩ tâm huyết cho rằng các sân khấu cải lương ngày nay khó sống nổi là vì thiếu chiến lược thu hút khán giả nói chung và khán giả trẻ nói riêng. Chính vì lẽ đó, lần lượt các sàn diễn xã hội hóa ra đời nhưng chỉ sáng đèn hoạt động "xuân thu nhị kỳ", khiến niềm tin vào sự hồi sinh của cải lương ngày càng giảm sút.
NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu, người giữ vai trò cố vấn cho Sân khấu Cải lương mới Đại Việt, nhìn nhận: "Lâu nay, nhiều nhóm xã hội hóa sân khấu làm cải lương đều nghĩ đến quyền lợi, còn dự án này là sự đồng tâm, rất đáng trân quý. Đây là một sân khấu hết sức tử tế từ sáng tạo, biểu diễn đến cách quảng bá. Cải lương gặp khó đôi khi là do chính nghệ sĩ. Lần này, 3 nghệ sĩ: Hoàng Song Việt, Triệu Trung Kiên và Quang Khải đã bắt tay thực hiện dự án nghệ thuật mà tôi cho là đầy tâm huyết, hứa hẹn đền đáp tình cảm của khán giả dành cho sàn diễn cải lương".
Kỳ vọng của người trong nghề hiện hướng về 3 nghệ sĩ nêu trên. Sau thành công của vở "Thầy Ba Đợi" với sự hợp lực của nghệ sĩ 2 miền Nam - Bắc, cuộc ra quân sau cột mốc 100 năm cải lương của họ đang gánh trên vai nhiều áp lực.
Chính vì muốn đổi mới sàn diễn cải lương và không làm vội vàng, các nghệ sĩ này đã và đang chuẩn bị 3 vở diễn thuộc các đề tài hương xa, xã hội và cổ trang để diễn trong năm 2019. Đó là các vở "Đoạt hồn", "Lôi vũ" và "Chuyện tình Khau Vai".
"Đại Việt sẽ là một sân khấu cải lương chuyên nghiệp, diễn nguyên tuồng. Nghệ sĩ không hát nhép, phải thuộc tuồng. Mọi khâu đầu tư, thiết kế đều nghiêm túc. Chúng tôi đổi mới từ hình thức sáng tác kịch bản, dàn dựng đến ca diễn. Sự nghiêm túc và kỷ luật trong quá trình đầu tư vở diễn sẽ giúp tránh những lỗi cẩu thả mà nhiều người làm cải lương vì vô tình chạy theo thị hiếu đã mắc phải" - soạn giả Hoàng Song Việt tiết lộ.
Sự nghiêm túc, công phu của Sân khấu Cải lương mới Đại Việt thể hiện qua nhiều khâu. Chẳng hạn, các nghệ sĩ tham gia vở diễn "Chuyện tình Khau Vai" sẽ đến xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang để tìm hiểu thực tế, nhằm có được những hiểu biết, cảm xúc về đời sống và con người ở vùng đất diễn ra chuyện tình của các nhân vật.
Cải cách theo hướng nào?
Theo NSƯT Triệu Trung Kiên, câu đối "Cải cách hát ca theo tiến bộ - Lương truyền tuồng tích sánh văn minh" đã nói lên bản chất cốt lõi của nghệ thuật cải lương là phải đổi mới, cải cách không ngừng. Thế nhưng, việc cải cách hay không cải cách vẫn là tranh luận chưa có hồi kết của những người làm nghề, trong khi loại hình này đang mất dần sự quan tâm, yêu thích của khán giả.
Một trong rất nhiều lý do khiến sân khấu cải lương lâm vào khủng hoảng, thiếu vắng khán giả phải chăng là vì nó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, không còn phù hợp với đại bộ phận công chúng ngày nay - như rất nhiều nhà chuyên môn đã nhận định trong các cuộc hội thảo?
NSƯT Triệu Trung Kiên cho rằng việc ngay lập tức đổi mới nghệ thuật cải lương là điều có lẽ không cần phải bàn luận thêm. Vậy phải cải cách theo hướng nào?
"Phải chăng nghệ thuật cải lương cần phải phù hợp với thị hiếu của đại bộ phận khán giả hiện đại, cần bắt kịp với các xu hướng sân khấu tiên tiến trên thế giới, cần bảo tồn và phát huy những giá trị đích thực, đậm đà bản sắc dân tộc...? Để làm được điều đó, không có cách nào khác là phải tiến hành cùng lúc các hoạt động: nghiên cứu, thực nghiệm và đưa ra được những đúc kết mang tính khoa học; đối sánh kết quả thu được để tìm ra đáp án đúng cho quá trình thể nghiệm" - NSƯT Triệu Trung Kiên trăn trở.
Soạn giả Hoàng Song Việt cho biết theo phương hướng đó, các vở diễn của Đại Việt sẽ được xây dựng với quan điểm bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật dân tộc đích thực - một sân khấu cải lương mang yếu tố cải cách. Sân khấu này sẽ từng bước áp dụng những thử nghiệm nghệ thuật cần thiết với liều lượng phù hợp cho từng giai đoạn nhằm làm mới sàn diễn cải lương, tuân thủ tiêu chí và đặc trưng của loại hình ngay từ buổi đầu hình thành.
Nỗ lực thu hút khán giả Thành phần nghệ sĩ của Sân khấu Cải lương mới Đại Việt chính là những nghệ sĩ trụ cột của Đoàn Thắp sáng niềm tin trước đây, do soạn giả Hoàng Song Việt gầy dựng ở Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Bên cạnh đó, sẽ có thêm các nghệ sĩ tên tuổi của sân khấu 2 miền Nam - Bắc. Trong đêm biểu diễn khai trương, một khu vực trong sảnh Nhà hát Thành phố hoặc Nhà hát Bến Thành (TP.HCM) sẽ được dành để tái hiện không gian văn hóa Khau Vai với hình thức trưng bày hoặc nghệ thuật sắp đặt các vật phẩm sinh hoạt, công cụ lao động; các hình ảnh, thông tin về văn hóa, đời sống của đồng bào vùng núi cao Hà Giang để đưa khán giả bước vào không gian vở diễn. "Đó là một nỗ lực đáng ghi nhận nhằm thu hút khán giả đến với sàn diễn cải lương" - một nghệ sĩ lão thành kỳ vọng. |
Theo NLĐ