Chính phủ Hàn Quốc luôn nỗ lực xuất khẩu văn hóa để gây dựng sức mạnh mềm cho quốc gia trong thời toàn cầu hóa. Không hề nói chơi hay hô hào khẩu hiệu, họ biết cách hành động cũng như đong đếm kết quả đạt được qua số liệu xuất khẩu văn hóa (bắt đầu từ năm 1980).
Năm 2011, ngành công nghiệp giải trí xứ Kim Chi đã hồ hởi với con số 794 triệu USD thu được ở thị trường nước ngoài, tăng 25% so với năm trước đó.
Cơn sốt video ca khúc “Gangnam Style” lan từ thế giới ảo ra tới thực tế
với những màn bắt chước điệu nhảy ngựa
Nếu có điều gì đấy làm ông trùm giải trí xứ Hàn chưa vội hài lòng thì đó là việc các nghệ sĩ của họ chưa thể chinh phục được thị trường các nước châu Âu, Bắc Mỹ và Mỹ Latin. Khu vực thống trị của: Bi Rain, Kangta, Girls’ Generation, Super Junior hay Big Bang…thường khoanh vùng ở Đông Á và Đông Nam Á.
Tuy nhiên, câu chuyện gần đây của anh chàng rapper Park Jae-Sang (nghệ danh PSY), người đang gây sốt khắp thế giới với MV “Gangnam Style”, khiến người ta phải cân nhắc lại là thực tế trên có còn đúng nữa hay không.
Thực tế, đó là một bài hát đơn giản và dễ nhớ. Sức mạnh khiến đoạn video này làm mưa làm gió khắp toà n cầu là ở điệu nhảy có hình ảnh của một người đang cưỡi ngựa lẫn…con ngựa.
Điệu nhảy vui nhộn, lạ, đơn giản và dễ làm theo đã khiến mọi người vui thích và nảy ham muốn bắt chước như một trò vui.
Điệu nhảy vừa vui nhộn, vừa đơn giản, dễ bắt chước
Cơn sốt “Gangnam Style” thật đáng kinh ngạc và chưa từng thấy trong lịch sử. Tính đến ngày 6/10, nó đã thu hút gần 372 triệu lượt xem trên You Tube.
Trước đó, ngày 22/9, tổ chức kỷ lục Guinness đã công nhận nó là đoạn phim được xem nhiều nhất lịch sử của trang chia sẻ video này. Kể từ ngày ra mắt 15/7 đến nay, bài hát đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc của hàng chục quốc gia, trong đó có nhiều nước phương Tây như: Anh, Úc, Canada, Bỉ, Đan Mạch…
Đây có lẽ là dẫn chứng trực quan và thuyết phục nhất cho thấy thế giới đang ngày một xích lại gần nhau. Bởi ít khi nào người ta được chứng kiến nhân loại cùng chung chia sẻ về một niềm vui, trò hài hước với tốc độ nhanh và rộng khắp đến như vậy.
Trò bắt chước điệu nhảy ngựa thu hút từ những người lính hải quân ở Mỹ, Thái Lan cho đến tù nhân ở Philippines, từ những người vô danh cho đến những người nổi tiếng như: Britney Spears, Tom Cruise, Katy Perry…
Xét trên bối cảnh Hàn Quốc đang rất cần những nghệ sĩ có sức ảnh hưởng toàn cầu để đặt lên vai họ trách nhiệm của một đại sứ văn hóa, PSY hẳn là ứng cử viên sáng giá.
Trước nay ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc vẫn cố gắng “xuất khẩu” được những nghệ sĩ có vẻ ngoài hấp dẫn, diện thời trang lung linh, đi kèm với những sản phẩm giải trí thuộc dạng dễ xem, dễ nghe và dễ nhìn. Nhưng PSY thì lại rất khác. Năm nay anh 35 tuổi, tóc cắt ngắn, người mũm mĩm và trông không lấy gì làm đẹp trai.
Từng học tại trường âm nhạc Berkley danh tiếng ở Boston (Mỹ), PSY về nước hoạt động âm nhạc như một ca sĩ nhạc rap, một vũ công, một tay hài hước chọc cười công chúng và cũng là nhà sáng tạo các video ca nhạc.
Dù đã ra tới 6 đĩa nhạc, được giới trẻ xứ Kim Chi rất ưa thích nhưng anh chưa bao giờ được những dòng chính trong nền âm nhạc đại chúng ở Hàn Quốc coi trọng. Anh thuộc về mạch ngầm.
Và như nghệ sĩ hát rap khác, anh bị chỉ trích vì ca từ nhạo báng và châm biếm, buộc phải tự điều chỉnh mình theo hướng thỏa hiệp với những khuôn mẫu của xã hội.
Khác với các đồng nghiệp không ngừng nỗ lực hướng ra thế giới, có thể coi PSY là trường hợp “bất chiến tự nhiên thành”. Tuy nhiên, món quà danh tiếng đầy bất ngờ mà You Tube “ban tặng” này sẽ kéo dài được bao lâu?
Câu hỏi có lẽ tùy thuộc vào lựa chọn của anh giữa ngã ba đường. Hoặc tiếp tục mạch ngầm của rap với tất cả đam mê và sáng tạo mà không cần biết tới sự phù phiếm của danh tiếng. Hoặc thay đổi mình cho phù hợp với hình ảnh của một đại sứ và tận dụng đòn bẩy vừa có để hoàn thành trách nhiệm với quốc gia.