- Thời gian này thấy chị liên tục tham gia các đêm nhạc trong nước, động lực nào khiến chị thực hiện những cuộc đi về như vậy?
- Những lời mời đã có nhiều năm trước, khi tôi đang mang bầu và mới sinh con thì không thu xếp được. Giờ bé lớn hơn, đi nhà trẻ, tôi rảnh rang hơn để tham gia các hoạt động âm nhạc ở đây. Nghề biểu diễn là công việc của tôi, cần gì động lực? Không hát ở Việt Nam thì ở Mỹ tôi cũng đi khắp nơi, đỡ vất vả hơn về Việt Nam thôi. Thời gian cho phép thì tôi về.
Hà Trần cho biết chưa bao giờ thấy áp lực khi hát cùng ai. |
- Trong những đêm nhạc chị biểu diễn từ đầu năm tới nay, đêm nhạc nào khiến chị háo hức nhất?
- Sẽ là “Thanh Tùng In The Spotlight - Chuyện tình của biển”. Tôi - Tấn Minh - Uyên Linh - Đông Hùng đang nỗ lực chuẩn bị cho đêm nhạc này.
- Nhạc Thanh Tùng có vẻ hợp với những giọng hát đầy “lửa” như Ngọc Bích, Thanh Lam… Sở hữu chất giọng nhẹ nhàng, tinh tế, chị làm thế nào để thổi bùng ngọn lửa âm nhạc của Thanh Tùng?
- Tôi từng thu vài bài trong đĩa nhạc Thanh Tùng. Nhạc Thanh Tùng không kén ca sĩ đâu, dễ hát, chọn bài hợp với tạng của mình và mình thích là được. Trong đêm In the spotlight này, những người tổ chức lựa chọn tôi, thay vì có thể mời rất nhiều ca sĩ khác hay hát nhạc Thanh Tùng, chứng tỏ tôi có yếu tố phù hợp với tinh thần đêm nhạc. Phải làm khác đi thì mới thành "tâm điểm âm nhạc" được chứ, đúng không?
Sân khấu luôn đầy tính bất ngờ. Tôi chỉ cố gắng làm tốt nhất phần việc của mình, còn việc “thổi lửa” thì phụ thuộc vào hiệu ứng khán giả.
- Với âm nhạc của Thanh Tùng, chị tìm được điều gì đồng cảm từ ông?
- Có thể gọi ông là người tiên phong cho nhạc nhẹ Việt Nam. Tôi còn nhớ như in hình ảnh Cẩm Vân toả sáng trên sân khấu cuộc thi tiếng hát chuyên nghiệp năm 1987. Chị mặc áo cánh tiên hát bài Ngôi sao cô đơn. Cẩm Vân đoạt giải nhất bảng nhạc nhẹ và tôi bắt đầu yêu nhạc Thanh Tùng từ đó.
Ấn tượng này lặp lại lần nữa năm 1991, Thanh Lam làm cả Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội đứng dậy ào ào pháo tay tán thưởng khi chị ấy hát Giọt nắng bên thềm. Thanh Lam đoạt giải Grand prix, tức là còn hơn cả giải nhất.
Hầu hết ca sĩ nhạc nhẹ thời ấy đều gắn bó tên tuổi với nhạc Thanh Tùng. Âm nhạc và hình ảnh của ông luôn trẻ trung, lịch lãm, đơn giản nhưng không nhạt.
Tôi hát nhạc Thanh Tùng như một "fan" hát nhạc của người mình từng hâm mộ. Tôi được tiếp xúc với Thanh Tùng ngoài đời đôi lần ngắn ngủi. Ông kiêu hãnh, ít khen tụng, vồ vập, kiệm lời nhưng nói câu nào bén câu đó, rất hóm hỉnh. Và không thấy ông nói về âm nhạc của mình. Tôi thích.
- Trong đêm nhạc Thanh Tùng, chị sẽ song ca với Uyên Linh. Trong khi chị chín chắn, nhiều kinh nghiệm và xử lý tinh tế thì Uyên Linh lại có cái hừng hực của tuổi đôi mươi, chất giọng đầy nội lực. Chị làm thế nào để thói quen hát to của Uyên Linh không làm lấn át chất giọng nhẹ nhàng của chị?
- Tôi nghĩ đây sẽ là một sự kết hợp có bổ trợ. Tôi thấy Uyên Linh cũng biết lắng nghe trong những bản song ca. Tôi thích thú chờ đợi sự kết hợp này.
Luôn luôn lắng nghe người hát chung với mình, hiểu biết kiểu hát, thuộc các ưu thế và nhược điểm để bổ trợ thì mới thành song ca được. Tôi hát chung với nhiều ca sĩ nhưng có người tôi thích hơn người khác. Ấy là khi bạn thấy có người tôi hát đôi nhiều hơn người khác.
- Chị theo chồng khi đang ở thời “đỉnh cao”. Khi ấy, chị là một trong bốn diva đình đám, đắt sô và được báo chí cũng như giới chuyên môn đánh giá cao. Ngót nghét chục năm, chị quay lại Việt Nam, vẫn cách hát ấy dù có tinh tế và sâu hơn, nhưng khán giả thì đã thay đổi, đã khác trước nhiều. Chị có nghĩ tới việc phải thay đổi nhiều để có thể phù hợp với lượng khán giả mới?
- Câu hỏi về khán giả luôn là một ẩn số. Có khi tưởng như biết lắm, có lúc lại hoang mang chẳng biết gì. Tôi lên sân khấu chỉ biết say sưa với bài hát. Thời thế thay đổi là quy luật rồi, mình chỉ sống đúng với bản chất, ai thích thì theo thôi.
- Người ta thường chung quan niệm: Nghệ sĩ cần sống bản năng và cần “điên” một chút. Chị thì được đánh giá là rất tỉnh táo và “lạnh”, vì thế chị hát rất hay, nhưng để khán giả nổi gai ốc hoặc khóc được thì chỉ là thời “Nhật thực”, còn bây giờ khán giả rất khó tìm lại được cảm giác ấy khi nghe chị hát. Vì sao vậy?
- Khán giả là fan thì mình hát cái gì cũng hay, không phải fan có lúc thích lúc không. Tôi sẽ không lạm bàn “điên, tỉnh, lạnh” ở đây làm gì.
Đối với “Nhật thực”, tính chất âm nhạc của nó đòi hỏi cách hát ma mị như lên đồng, như say như điên. Một diễn viên giỏi đóng bao vai chính diện, phản diện khác nhau thì ca sĩ giỏi cũng là người thể hiện được nhiều cung bậc âm nhạc khác biệt dù bản chất họ vẫn là một người thôi.
Giờ tôi hát nhạc Trần Tiến, Đỗ Bảo mà cứ quằn quại như "Nhật Thực" thì... chắc bị hâm.
- Trước chị hát hay nhất nhạc Trần Tiến và sau này thì thêm Đỗ Bảo. Có mối liên hệ nào trong sáng tác của hai nhạc sĩ này với chị?
- Hát nhạc của ai mà hợp thì là duyên nợ. Ca sĩ nào cũng mong mỏi có được một dòng nhạc "ruột" để nhân rộng và kéo dài sự nổi tiếng. Nhất là những nhạc sĩ tên tuổi trở thành kinh điển thì ca sĩ càng sống được lâu. Tôi là người may mắn có nhiều lương duyên trong âm nhạc. Những mối duyên tự tìm đến nhờ âm nhạc thôi.
Tôi từng hát thành công nhạc Quốc Bảo, Ngọc Đại nhưng nói chung với nhạc sĩ nào để hát hay phải hiểu con người họ. Ít nhất hiểu cái phần để họ "bay" trong tác phẩm thì mới thăng hoa cùng nhau được.
- Hiện nay ở Việt Nam mỗi năm có đến 4-5 cuộc thi hát, cuộc nào cũng cho ra lò top 3 tức là vị chi trên dưới 10 “ngôi sao” ném vào thị trường âm nhạc, nhưng ca sĩ trẻ thực tài thì lại chẳng thấy đâu, chỉ toàn ầm ĩ sau cuộc thi vài tháng rồi mất hút. Chị nghĩ gì về thực trạng này?
- Không chỉ ở Việt Nam, ở nước ngoài cũng vậy thôi, các hãng đĩa cho một hợp đồng, thí sinh có "bơi" được không khi hợp đồng kết thúc là do tự thân vận động. Có thực tài hoặc thực... khôn thì tồn tại.
- Một ca sĩ đoạt giải quán quân một cuộc thi hát, bước vào showbiz ngay lập tức được trả cát xê tới 50-60 triệu đồng một show. Cái giá đó có thực sự xứng đáng với tài năng hay chính các bầu sô đang làm hỏng một thế hệ ca sĩ trẻ tài năng bình thường mà bệnh “ngôi sao” thì quá nặng, theo chị?
- Tôi không bao giờ thắc mắc vấn đề cát xê, nó là xu hướng cung cầu thị trường. Ca sĩ đang hot đòi giá cao, bầu sô thấy có lời vẫn trả. Vấn đề là giữ hot được bao lâu? Qua giai đoạn đình đám có khi lại giá nào cũng hát. Tôi đã sống với nghề này 22 năm, thấy chuyện lên xuống dập dờn như những con sóng, như thuỷ triều. Tôi hoàn toàn bình thản và lãnh đạm.
Theo VNE