Bệnh “sao” dễ lan

Thứ tư, 27/03/2013, 12:22
Bệnh “sao” tàn phá ở người ta rất nhiều thứ, đổi lại, chỉ là nỗi thất vọng trong lòng khán giả.

Gần đây nhất, người vừa mon men vào làng ca sĩ mà đã mắc bệnh “sao” không ai khác là Bùi Anh Tuấn. Vừa ra khỏi cuộc thi “Giọng hát Việt”, anh đã thành “nạn nhân” của vụ hát nhép không “biết trước” cũng như bỏ buổi tập và tổng duyệt của chương trình “Bài hát yêu thích tháng 3”. Không chỉ thế, anh còn bỏ một show khác mà không có câu giải thích thỏa đáng.

Bùi Anh Tuấn
Ca sĩ Bùi Anh Tuấn.

Nhiều người tiếc cho những ca sĩ mới nổi và có cơ hội “nhảy vọt” lên võ đài của những ca sĩ thượng thặng như Bùi Anh Tuấn mà sớm để vuột mất uy tín và danh tiếng. Nhưng cái tiếc sau đó là chuyện khác.

Một khi người phạm lỗi không chịu thừa nhận mình sai, thì đà tiếp tục tái phạm khó mà ngăn lại. Bệnh “sao” tàn phá ở người ta rất nhiều thứ, đổi lại, chỉ là nỗi thất vọng trong lòng khán giả.

Nói đến chuyện hát nhép thì các “đàn anh, đàn chị” khác cũng từng trình diễn nhiều “chiêu” ngoạn mục. Tuy nhiên, chỉ vì không thẳng thắn thừa nhận lỗi hát nhép của mình, không ít ca sĩ đã trượt dốc trên con đường nói dối và scandal. Cao Thái Sơn - người đi trước Bùi Anh Tuấn - là điển hình.

Kể từ khi nhận án phạt hát nhép đến nay, sự nghiệp của anh chàng nhiều tai tiếng này không có gì nổi trội, ngoài những scandal tình, tiền. Album mới đây nhất của anh khẳng định điều ngọt ngào nhất chính là cuộc sống cân bằng, nhưng chính thân chủ lại phát ngôn tiếp tục gây sốc, kiểu: “Lên giường với tôi sẽ có câu trả lời”.

Vừa thắng trong cuộc thi “Gương mặt thân quen”, Khởi My đã bị tố là “hát nhép” trong đêm chung kết. Hát trên nền nhạc thu sẵn giọng Sakira thì rất khó thanh minh này khác.

Điều này hơi khó giải thích, vì Khởi My là một trong những ca sĩ không dính scandal nào từ trước đến nay. Rất có thể, nạn hát nhép vốn dĩ được “bình thường hóa” trong giới ca sĩ, nên chuyện “mượn giọng” người khác cũng không có gì lạ chăng?

Trước đây, Minh Hằng cũng thản nhiên không hề thanh minh hay xin lỗi trong một scandal hát trên nền giọng của một ca sĩ opera khác, có lẽ cũng vin vào “đẳng cấp sao” của mình? Và tên tuổi cô gắn với một “nghi án” mua giải “L.S.X” cũng là đề tài đàm tiếu chưa nguội hẳn.

Không chỉ có các ca sĩ đang nổi, có những ca sĩ mới tập tễnh vào nghề hoặc mới bước ra từ một cuộc thi nào đó, đã vội mắc bệnh “sao”. Sẽ không mấy ai biết đến Pha Lê nếu không có vụ tố bất thành việc Noo Phước Thịnh vi phạm luật bản quyền, chỉ vì ca khúc cô mua độc quyền của một nhạc sĩ khác, lại bị ca sĩ này đổi tên.

Lẽ ra đó là chuyện cần giải thích giữa tác giả bài hát và Noo Phước Thịnh. Cuối cùng thì đơn vị quản lý tại TP.HCM đã không chấp thuận, để họ đưa nhau ra tòa vì một cớ không đâu. Ngược lại, Noo Phước Thịnh tố đó là một chiêu PR tên tuổi của Pha Lê.

Bệnh “sao” không trừ một ai, kể cả ca sĩ đã có tiếng lẫn lớp mới thành danh. Tuy nhiên, chứng bệnh hay lan rộng này là một minh chứng cho việc quản lý khá lỏng trong lĩnh vực biểu diễn. Tệ hát nhép vẫn tiếp diễn vì mức phạt quá thấp, không làm ai sợ. Việc bỏ tập, bỏ sô diễn ra như cơm bữa, nhất là các sô ở tỉnh, nhưng chẳng mấy ai bị răn đe.

Hiếm hoi chỉ có chương trình “Bài hát yêu thích” thẳng thừng từ chối Bùi Anh Tuấn lên sóng trực tiếp, còn các nơi khác thì vẫn phải “chiều chuộng” ca sĩ hết mực.

Còn chuyện phát ngôn gây sốc thì đầy rẫy trên mặt báo, cứ như không có sự có mặt của ca sĩ “ngôi sao” này nọ thì báo không thể... bán được. Thế nên, rất khó để nói chuyện nhân cách và sự chừng mực của người nổi tiếng ở đây.

Theo Laodong

Các tin cũ hơn