Vì sao gameshow truyền hình cần có scandal?

Chủ nhật, 05/05/2013, 07:44
Cái giá của scandal bây giờ đúng là rất “đắt”, nhưng là “đắt” theo nghĩa đen, vì cứ sau mỗi scandal trên truyền hình hiện nay, thì giá quảng cáo của chương trình có scandal lại tăng lên một cách chóng mặt.

Thậm chí, scandal gần như là một điều khoản đảm bảo cho lượng người xem mà theo đó là số tiền thu được thông qua quảng cáo.

Ai mới thực sự là người tạo nên scandal?

Ở mùa đầu tiên, bảy tập đầu tương đương với hai tháng lên sóng giờ vàng lúc 20h Chủ nhật hằng tuần của Vietnam’s Got Talent, giá quảng cáo cho một spot 10-15-20-30 chỉ là 30 – 36 - 45 - 60 triệu đồng. Sau khi xảy ra scandal Quỳnh Anh, ngay lập tức biểu giá quảng cáo của chương trình này đã cán mức kỷ lục của năm 2012 khi tăng hơn 200%.

Tương tự, báo giá quảng cáo của The Voice Vietnam 2012 tăng thêm hơn 10% sau khi clip Phương Uyên dàn xếp kết quả bị tung lên mạng. Theo đơn giá này, 10 giây quảng cáo trước chương trình thấp nhất là 75 triệu đồng và cao nhất là 90 triệu đồng. Với suất quảng cáo 15 giây, đơn giá là 90 -108 triệu đồng; 20 giây có giá 112,5 - 135 triệu và 30 giây là 150 - 180 triệu đồng. Tính ra, đơn giá mới trên tăng khoảng 10-20 triệu đồng mỗi suất quảng cáo (tương đương 11%).

Giá quảng cáo tăng theo độ nóng của chương trình, số rating người xem, cũng là điều bình thường của thị trường. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, độ nóng của chương trình không phải được đo hay tạo ra bởi chất lượng thực sự, mà từ hiệu ứng của scandal đang được tạo ra, bởi một thế lực ngầm nào đó mà đến nay khán giả vẫn còn phải đoán non đoán già. 

Nếu như không phải Phương Uyên lại được đề cử vào vị trí GĐ âm nhạc của The Voice năm nay, thì có lẽ, khán giả đã nghĩ rằng sự cố bị tung clip dàn xếp kết quả hay cả những giọt nước mắt hối lỗi của cô trong cuộc họp báo “nhận tội” của nhà sản xuất đúng là sự cố. Cô là bị can. 

Và đã rút khỏi vị trí GĐ âm nhạc của mình để trả lại “tiếng thơm” cho The Voice. Nhưng, đến lúc này, khán giả bắt đầu nghi ngờ. Liệu đó có phải là sự cố? Liệu phải chăng là có kẻ nào đó chơi xấu, quay clip lại và tung lên mạng nhằm “đánh” Phương Uyên? Hoặc “đánh” chương trình? Có cảm giác, tất cả câu chuyện đã được diễn ra theo một kịch bản sẵn có. Và Phương Uyên chỉ là một vai trong đó mà thôi.

Thực sự, ai mới là người tạo nên scandal trong các chương trình truyền hình thực tế, các gameshow được xem là một trong những vết chàm lớn nhất trên sóng truyền hình quốc gia năm vừa qua thì có lẽ khán giả chẳng bao giờ biết được. Chỉ biết, các chương trình dính scandal đã thực sự nóng lên mỗi tuần, và tỷ lệ thuận với độ nóng là giá quảng cáo lên, càng cuối càng cao.

cặp đôi hoàn hảo
Cặp đôi hoàn hảo 2013 có thể nói là chương trình ăn quảng cáo nhờ scandal choáng váng nhất hiện nay. 

Ngập trong scandal với đủ các màn tố cáo từ các thí sinh tham gia đến những trận cãi lộn ầm ĩ trên mặt báo, Cặp đôi hoàn hảo mỗi ngày một làm mới mình bằng… các biểu giá quảng cáo. Giá của các spot 10-15-20-30 giây trong chương trình này lần lượt là 100-120-150-200 triệu đồng. Một con số được xem là kỷ lục trên thị trường quảng cáo trong một show truyền hình thực tế ở Việt Nam. 

Cho dù Mỹ Lệ buột mồm than thở đang quảng cáo không công cho chương trình thì có lẽ bản thân chị cũng không thể ngờ tới cái giá của một cuộc cãi cọ của chị lại… cao đến thế. Còn khán giả thì ước, giá như, đó là cái giá của một giọng ca/một sản phẩm âm nhạc có phải là đỡ bi hài hơn không?

Sau hàng loạt sự cố trên sóng truyền hình bắt đầu thấy na ná nhau về “công thức”, khán giả cũng bắt đầu thấy nghi ngờ, phải chăng nghệ sĩ đã và đang bắt tay với nhà sản xuất để tạo scandal chứ không phải là “tai họa” từ trên trời rơi xuống như họ vẫn “sụt sịt”?…

Vì sao gameshow truyền hình cần có scandal?

Phần lớn các chương trình truyền hình thực tế đang phát sóng hiện nay đều là những chương trình mua bản quyền nước ngoài vốn đã thành công và nổi tiếng khắp thế giới. Nên khó có thể nói là formart của nó thiếu hấp dẫn, hay khán giả của Việt Nam không đủ “trình” để cảm nhận sự hay cái đẹp của nó.

Nhưng rõ ràng, dù được quảng cáo rầm rộ trước khi phát sóng và nhà sản xuất vốn quen tay với thể loại này cũng chịu khó đầu tư mời các nghệ sĩ có tên tuổi, các ngôi sao ăn khách của showbiz hoặc tham gia với vai trò người chơi, hoặc làm giám khảo, như Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng đến Hồng Nhung, Lê Hoàng, Quốc Trung Mỹ Lệ… cộng với khung giờ phát sóng “vàng”, thì trong “công thức” làm nên thành công (thể hiện ở lượng người xem) của các chương trình truyền hình thực tế hiện nay tại Việt Nam vẫn không thể thiếu scandal. 

Từ cãi cọ châm chích nhau tại sân khấu rồi tiếp tục lôi nhau lên báo khẩu chiến, sau đó lại làm lành ôm hôn nhau thắm thiết (trường hợp của Mỹ Lệ và Lưu Thiên Hương trong “Cặp đôi hoàn hảo” 2013).

Từ những cuộc tranh luận thoạt đầu mang tính chuyên môn và nghiêm túc nhưng sau đó đã thành “từ mặt”, “vỗ mông” (Đàm Vĩnh Hưng, Hà Hồ và Thanh Lam trong The Voive 2012). Rồi tin đồn giám khảo cặp kè với thí sinh…. như một nồi lẩu đủ các gia vị. 

Không ai biết, nghệ sĩ gặp phải tai bay vạ gió, một phút lỡ mồm hay có một thỏa thuận ngầm nào đó với nhà sản xuất, nhưng rõ ràng, dù cố ý hay vô tình, thì cái giá của scandal vẫn không thể đong đếm được chỉ thông qua số spot quảng cáo và số tiền thu lại sau mỗi chương trình. Ai được bao nhiêu, chỉ người trong cuộc mới biết. Nhưng cái mất thì hàng triệu con mắt trông lên dòm vào đều đã thấy.

Thay vì duyên dáng yêu kiều, Hồ Ngọc Hà trở nên thâm hiểm và điêu ngoa hơn sau những màn đá xoáy HLV khác. Mr Đàm khiến người ta dù không muốn vẫn buộc lòng phải nhớ lại “xuất thân” và thêm nghi ngờ về giới tính của mình bởi sự đanh đá quá mức cần thiết khi đối chọi gay gắt với Thanh Lam… 

Một nghệ sĩ chân chính và sống bằng tài năng đích thực chắc chắn không cần phải dựa vào scandal để hâm nóng tên tuổi. Nếu tên tuổi của họ đã bị chìm xuống thì chỉ có thể giải thích bằng câu thành ngữ muôn thuở: Đường dài mới biết ngựa hay.

Chọn cách tạo scandal bằng phát ngôn gây sốc hay thậm chí tham gia các chương trình truyền hình thực tế để thông qua đó tiệm cận hơn với công chúng rồi “vô tình” rơi vào vòng xoáy thị phi chỉ chứng tỏ sự bất lực của người đó mà thôi. 

Tương tự, một gameshow mua bản quyền cũng vậy, giữ độ nóng là việc cần thiết vì suy cho cùng, với nhà sản xuất đây không phải chỉ là làm nghề mà còn là kinh doanh, không thể không tính đến lợi nhuận. Nhưng giữ độ nóng có nhiều cách, có thể sử dụng scandal như một thứ gia vị, nhưng cái gì cũng có độ của nó, quá tay sẽ mặn! Hoặc ăn lắm cũng sẽ nhàm!

 

 

Theo PLXH

 

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích