Xem The Voice một lần và để lại ấn tượng không đẹp
Trong vai trò Huấn luyện viên, nhạc sĩ Quốc Trung nhận được nhiều lời khen - chê. Còn với riêng ông, nhạc sĩ Quốc Trung trên chiếc “ghế nóng” có “ổn” không?
- Tôi nói thật là tôi không can thiệp vào những chuyện của Trung làm bởi Trung đi theo con đường nhạc nhẹ còn tôi gọi là đi theo con đường sư phạm. Nó không phải là khác nhau ghê gớm nhưng nó cũng có những cái khác nhau.
Tôi không bao giờ nói: "Con không nên tham gia các chương trình như này” hay “Con làm chương trình đó làm gì mang tiếng này khác” bởi Trung cũng hơn 40 tuổi rồi biết nên làm thế nào.
Nhưng tôi cũng phải nói thật là Trung tham gia Giọng hát Việt không duyên bằng cái trước (VietNam idol - PV). Tôi cảm giác thế thôi. Giọng hát Việt tôi chỉ xem một lần nhưng một lần ấy để lại ấn tượng không đẹp. Thực lòng nếu Trung không tham gia Giọng hát Việt thì hơn.
Khoảng cách giữa các thế hệ đôi khi khiến cho những quan điểm khác nhau, thưa ông?
- Đúng, nó khác nhau và vì thế mà tôi không nhập cuộc được. Nhưng có những lúc tôi kiểm điểm lại: Nếu như (điều này chắc không bao giờ xảy ra) mình ngồi vào vị trí ấy thì cũng phải hòa nhập vào không khí ấy.
Chứ chả lẽ mình lại đạo mạo, nghiêm túc vuốt râu này kia thì trông vô duyên lắm. Bởi chương trình đòi hỏi những cái kiểu giải trí như thế. Nhưng nhiều khi chương trình có những câu nói đúng là… khó tưởng.
Đăng Quang thì ngoan, Thiện Thanh hơi lười
Các con của nhạc sĩ Quốc Trung đang dần thể hiện những năng khiếu âm nhạc. Là ông nội hẳn là ông chăm bẵm cho những tài năng âm nhạc từ trong chính gia đình mình nhiều lắm?
- Ôi giời ơi(cười), mất thời gian lắm. Tôi chỉ là một phần thôi nhưng bà vợ tôi, nói theo một nghĩa bình thường đó là có phải cháu ruột đâu nhưng bà yêu nó đến mức tôi cảm giác "rồ dại". Bà yêu thằng con của Quốc Trung lắm nên trách nhiệm dạy rất khủng khiếp. Nói thật ngồi dạy những đứa trẻ học piano sốt ruột lắm. Mới đầu cu cậu không nghĩ là học đâu, học chơi chơi thôi nhưng giờ lớn thì phải học, tập suốt ngày.
- Không! Không! Những chuyện như thế dễ bị tự ái lắm. Tôi chỉ nói với Trung là sau này Đăng Quang muốn học gì thì học nhưng việc đầu tiên là phải học piano đã. Piano ở trong âm nhạc nó hơi giống như Toán ở trong Khoa học tức là nếu như anh là người chỉ huy âm nhạc, là sáng tác âm nhạc mà không biết piano là chết.
Ca sĩ Thanh Lam cùng hai con Thiện Thanh (trái) và Đăng Quang.
Nếu cháu học hết piano mà tốt nghiệp xuất sắc thì khi chuyển sang các nghề khác về sáng tác, chỉ huy dàn nhạc rất đơn giản. Chứ để trở thành một solist chuyên độc tấu piano như Đặng Thái Sơn thì không thể nào làm được. Thứ nhất là bản thân nó. Thứ hai là môi trường âm nhạc của Việt Nam làm sao mà bằng Đặng Thái Sơn đã được học.
Đăng Quang cũng đang tập để sắp tới "ông trẻ Sơn" về dạy nó. Đặng Thái Sơn hiện đang ở Nhật, mấy hôm nữa về Việt Nam, Sơn có hẹn sẽ lên lớp cho Đăng Quang. Nói chung với cậu cháu này vẫn mất thì giờ lắm. Bây giờ Đăng Quang học trung cấp 2 rồi nếu học mà không ngồi bên cạnh là đánh ẩu. Mà đánh ẩu là sau này sửa rất khó.
Thế còn cháu gái Thiện Thanh thì sao, thưa ông?
- Thiện Thanh cũng từng học piano của bà Hà (giảng viên Thu Hà - vợ NSND Trung Kiên nguyên là Hiệu trưởng Học viện âm nhạc Quốc gia - PV) nhưng rồi thôi vì hơi lười. Tôi có dạy cháu thanh nhạc nhưng tôi biết cháu chỉ học hát rồi sau này đi với mẹ. Tôi cứ nói đùa là "bia kèm lạc" thế thôi.
Đăng Quang ở với ông bà là chủ yếu nên chịu sự giám sát của ông bà nên thằng bé rất ngoan. Còn Thiện Thanh ở với bố trên Ciputra. Trung vẫn có hai phòng thu ở nhà tôi (phố Tây Hồ - PV), thi thoảng vẫn về đây. Nói chung cũng tùy bố cháu, tôi chỉ biết dạy các cháu thôi.
Chương trình bất đắc dĩ mới xuất hiện
Thời gian rảnh rỗi ông thường làm gì?
- Ngoài việc dạy nhạc cho các học sinh hệ cao học tôi dành thời gian lớn để đốc thúc, giám sát việc học của Đăng Quang. Những lúc rảnh rỗi tôi thích đọc sách, viết sách hoặc đi câu cá. Tôi câu được nhiều cá lắm chị nhé. Câu ở chỗ quen thân - người nhà ấy mà nên đi cho vui thôi.
Mấy năm trở lại đây ông thường rất "kén" xuất hiện trong các chương trình ca nhạc. Vậy lý do nào ông nhận lời tham gia "Điều còn mãi" diễn ra vào ngày 2/9 tới?
- Nhiều chương trình ca nhạc vẫn hay mời tôi nhưng tôi không tham gia bởi bây giờ có tuổi rồi, viết sách thôi, để cho lớp trẻ họ hát. Tôi biết tự kiềm chế bản thân thế nhưng có những ông nhạc sĩ như ông Thụ (nhạc sĩ Dương Thụ - PV) mời cũng có ý nào đó thì tôi tham gia. Nói thật là tôi ngại lắm. Chương trình bất đắc dĩ tôi mới xuất hiện thôi.
Cái khổ của tôi là không luyện thanh là tôi không hát được. Hôm trước biểu diễn ở Nhà hát Lớn trước đó tôi phải tập cả tháng. Phải tập như vậy nó mới trở lại dần dần bởi lâu rồi tôi không hát. Như Thanh Lam hôm rồi nó bảo tôi: "Bố phải dạy thêm con. Mỗi tuần con chỉ một buổi thôi".
Đấy, đến như Thanh Lam cũng phải thường xuyên củng cố, trau dồi các kỹ thuật thanh nhạc. Mà tôi biết thừa nó phải chỉnh lại làm gì bởi sắp tới Lam phải hát một số bài mà nếu không có các kỹ thuật thì không hát được.
Hay cô ca sĩ Thanh Thúy cũng gọi điện xin ra Hà Nội hát để tôi chỉnh sửa. Nói thật học một hai tiếng chẳng nhiều nhặn gì nhưng mà họ tiếp thu được những điều mình căn dặn, chỉnh sửa cái này, chỉnh sửa cái kia ít nhiều cũng có ích lợi nào đấy.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Theo Vietnamnet