|
Chiều 31/10, sau nhiều ý kiến đại biểu về ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng được mời phát biểu tại Quốc hội. |
Chiều 31/10, sau nhiều ý kiến đại biểu về ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng được mời phát biểu tại Quốc hội.
5 năm thu 6,8 triệu tỷ
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông tin khái quát, thu ngân sách nhà nước 4 năm qua đều vượt dự toán, trong đó năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp vượt thu của ngân sách Trung ương. Các chỉ tiêu tổng thu, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước và cơ cấu thu nội địa cơ bản đạt mục tiêu của kế hoạch 5 năm.
Theo đó, tổng thu 5 năm 2016-2020 ước đạt kế hoạch là 6,8 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ huy động thu vào ngân sách đạt 24,4% GDP, trong đó từ thuế, phí xấp xỉ 21% GDP.
Tỷ trọng thu nội địa đến năm 2020 đạt gần 84% trong tổng thu ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng đánh giá, cơ cấu chi chuyển dịch tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch 5 năm. Trong đó , tỷ trọng dự toán chi cho đầu tư phát triển đều tăng dần, dự toán năm 2017 là 25,7%, đến 2020 là 26,9% và thực hiện 5 năm 2016-2020 ước đạt 27-28% tổng chi trong khi mục tiêu đề ra là 25-26%.
Tổng chi đầu tư phát triển ngân sách nhà nước 5 năm ước đạt thực tế là 2,15 triệu tỷ đồng, gồm cả nguồn tăng thu của ngân sách, vượt mức kế hoạch đề ra là 2 triệu tỷ đồng.
Thông tin tiếp theo từ Bộ trưởng là tỷ trọng dự toán chi thường xuyên giảm dần, dự toán năm 2017 là 64,4% thì đến năm 2020 dự kiến là 60,5%.
Lũy kế 5 năm đã giảm chi thường xuyên cho các nhiệm vụ này của ngân sách là khoảng 27-28 nghìn tỷ đồng, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về bội chi ngân sách nhà nước, Bộ trưởng khẳng định đã được kiểm soát cả số tuyệt đối và số tương đối. Năm 2020 dự toán là 3,44% GDP. Như vậy, bình quân cả giai đoạn 2016-2020 là 3,6-3,7% GDP, vượt mục tiêu đề ra cả giai đoạn là 3,9% và năm 2020 dự kiến là dưới 3,5% GDP.
Người đứng đầu ngành tài chính đánh giá, nhờ kiểm soát tốt bội chi, các khoản vay bảo lãnh của Chính phủ nên tốc độ tăng nợ công đã giảm hơn một nửa và tăng thấp hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa. Nếu như giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng nợ công là 18,1%/năm trong khi GDP danh nghĩa là 14,5%/năm, thì giai đoạn năm 2016-2018 tốc độ tăng nợ công 8,2%/năm trong khi GDP danh nghĩa là 9,7%/năm.
Nhờ vậy, tỷ lệ nợ công đến cuối năm 2020 chúng tôi ước tính là 54,3% GDP, trong khi năm 2016, năm đầu của thời kỳ là 63,7% GDP, Bộ trưởng so sánh.
Ông Dũng cũng cho biết, kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ tăng bình quân từ mức 3,9 năm của năm 2011 lên mức 13,5 năm của 9 tháng đầu năm 2019.
Thu xuất nhập khẩu và dầu thô giảm rất nhanh
Bên cạnh kết quả, Bộ trưởng Dũng cũng nêu nhiều khó khăn của thu, chi ngân sách. Như, tỷ lệ huy động từ thuế, phí có xu hướng giảm dần. Năm 2019-2020 chưa đạt mục tiêu là 21% GDP, mặc dù bình quân cả giai đoạn đạt mục tiêu là 21% GDP.
Nguyên nhân chủ yếu, theo Bộ trưởng là do đóng góp từ thu xuất nhập khẩu và dầu thô giảm rất nhanh. Bình quân giai đoạn 2006-2010, 2 khoản thu này đóng góp khoảng 10,5% GDP thì đến giai đoạn 2011-2015 còn 7,3% GDP và đến giai đoạn 2016-2020 giảm còn 4,5% GDP và dự kiến năm 2019 còn 4,2% GDP và năm 2020 còn 3,6% GDP.
Kế hoạch 5 năm 2016-2020 đặt ra yêu cầu điều chỉnh chính sách thu để thu tăng thêm khoảng 300 nghìn tỷ đồng để bù đắp khoản thu từ xuất nhập khẩu và dầu thô, nhưng triển khai các giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo kế hoạch 5 năm gặp nhiều khó khăn, Bộ trưởng trình bày.
Lý do nữa được Bộ trưởng đề cập là thu nội địa của một số địa phương trọng điểm có điều tiết về ngân sách Trung ương, tổng số thu chiếm 2/3 tổng thu nội địa của cả nước tăng rất chậm. Như Hà Nội thu nội địa của năm 2017 tăng 17,6%, nhưng đến năm 2020 chỉ tăng còn 6,5%. Tp.HCM năm 2017 thu nội địa tăng 15,7% nhưng đến năm 2020 chỉ còn 12,3% và tương tự Bình Dương, năm 2017 là 17,3% và năm 2020 còn 9,9%.
Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến cân đối thu của ngân sách Trung ương gặp khó khăn. 5 năm 2016-2020 ước đạt 55-56% tổng thu ngân sách nhà nước, thấp hơn mục tiêu đề ra, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong hai ngày thảo luận, một số ý kiến đại biểu cho rằng, thu ngân sách nhà nước chưa thực sự bền vững, thu ngân sách nhà nước vượt dự toán trong khi thu từ sản xuất kinh doanh không đạt dự toán.
Hồi âm ý kiến này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng xác nhận, đúng là thu ngân sách nhà nước 4 năm qua luôn vượt dự toán và thu của 3 khu vực kinh tế không đạt dự toán, việc này có nguyên nhân chủ quan của việc giao dự toán.
Những năm qua, do thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu giảm nhanh, dự toán năm 2020 thu từ dầu thô chiếm 2,3% tổng thu ngân sách nhà nước, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 13,8% và thu từ tiền sử dụng đất chiếm 6%, cho nên dự toán thu hàng năm tập trung vào 3 khu vực kinh tế chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu ngân sách. Dự toán năm 2020, 3 khu vực kinh tế này chiếm 45% tổng thu ngân sách và cũng tập trung vào các địa phương trọng điểm kinh tế, Bộ trưởng giải thích.
Ông Dũng cũng cho biết, về vấn đề này, năm 2018, Bộ Tài chính đã báo cáo Quốc hội và từng bước điều chỉnh sát hơn với thực tiễn.
Theo VnEconomy