|
Mặt nạ máu, bộ đồ phù thủy, kiếm, đao… là những món đồ chơi đang được nhiều cửa hàng bày bán trong mùa Halloween năm nay |
Là một lễ hội dân gian, rồi thành lễ hội tôn giáo, Halloween đã được tổ chức ở nhiều nước Tây Âu và Bắc Mỹ. Từ cách hóa trang nhẹ nhàng như ma áo trắng, đầu bí ngô, phù thủy… nay dần biến tướng kinh dị hơn, nào là máu me như hình ảnh trong các phim kinh dị đang ăn khách của điện ảnh Mỹ, Hồng Công.
Vài năm trở lại đây, lễ hội Halloween du nhập Việt Nam, được nhiều bạn trẻ tại các thành phố lớn hào hứng tham gia. Những ngày này, không khí đón Halloween đã nô nức từ không gian mạng đến ngoài đời thực. Thị trường các sản phẩm ăn theo ngày lễ Halloween trở nên sôi động, thu hút nhiều khách hàng.
Tại TP.HCM, nhiều cửa hàng đồ chơi, tiệm tạp hóa bày bán quần áo ma quỷ, mặt nạ máu, bình xịt máu, bộ xương người, đầu lâu và cả các đồ chơi bạo lực như đao, kiếm, rìu bằng nhựa cứng, sắc nhọn. Mức giá mỗi món đồ chơi này khá rẻ, chỉ từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng.
Chị Thu Trúc, chủ một tiệm tạp hóa tại chợ Gò Vấp, cho biết: “Mấy ngày qua có nhiều khách hàng tới mua đồ chơi Halloween, nhưng như mọi năm, thường đến ngày 30 và 31-10 mới đắt khách. Tất cả sản phẩm tôi bán đều lấy từ chợ đầu mối, còn xuất xứ ở đâu thì không rõ. Bán hàng thì chiều theo thị hiếu người mua, chứ thật tình tôi cũng thấy ớn những sản phẩm mang đậm màu sắc huyền bí, ma quái, kinh dị”.
Tại TP.HCM, thị trường đồ chơi rộ lên trong mùa Halloween, nhưng thiếu sự giám sát của các cơ quan chức năng, dẫn đến tình trạng nhiều đồ chơi phản cảm, đầy tính bạo lực, tràn ngập đường phố. Khi tiếp xúc với các đồ chơi như vậy, trẻ em liên tưởng đến ma quỷ và các hình ảnh giết chóc, đến nỗi bị ám ảnh. Không những vậy, loại đồ chơi vũ khí có hình dáng sắc nhọn rất dễ gây thương tích khi trẻ vui đùa.
Việc tiếp nhận, phổ biến nhưng thiếu chọn lọc các lễ hội ngoại lai có sự tiếp tay của những người tổ chức sự kiện ở lĩnh vực kinh doanh và văn hóa, kể cả sự tiếp tay của phụ huynh khiến những loại đồ chơi kinh dị này có đất sống.
Trò chuyện khi đang chọn mua đồ chơi kinh dị, anh Nguyễn Hải Triều (ở quận 12) vô tư cho biết: “Vài ngày trước tôi có mua quần áo và mặt nạ ma quỷ cho đứa con lớn, nay mua tiếp bộ nữa cho đứa út. Biết tụi nhỏ chỉ chơi vài ngày rồi vứt bỏ, nên tôi không quan tâm chuyện có tác hại hay không. Người ta mua sắm rần rần, còn mình không mua thấy tội nghiệp con”.
Mùa Halloween năm nào đường dây nóng của Báo SGGP cũng tiếp nhận nhiều ý kiến bức xúc của người dân trước những hình ảnh Halloween kinh dị, vậy mà vẫn cứ tiếp diễn, thậm chí ngày càng phản cảm hơn. Rất cần sự định hướng chấn chỉnh của ngành chức năng.
Theo SGGP