|
Các công ty Mỹ đã vui mừng khi mà Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận “ngừng bắn” trong cuộc chiến thương mại vào tháng này, thế nhưng khi mà hai bên đang hướng đến một thỏa thuận ban đầu, nhiều người lo sợ về khả năng một thỏa thuận thương mại thực sự có ý nghĩa trong dài hạn sẽ chẳng bao giờ có được.
Nhà đàm phán từ cả hai phía đang hướng đến thỏa thuận giai đoạn một, theo đó Mỹ sẽ loại bỏ các biện pháp tăng thuế để đổi lấy việc Trung Quốc mua mạnh nông sản Mỹ, Trung Quốc chấp thuận một số quy định mới về thao túng tiền tệ cũng như việc Trung Quốc chấp thuận mở cửa ngành tài chính đón doanh nghiệp nước ngoài.
Điều này cũng đồng nghĩa rằng nhiều vấn đề còn tồn tại cần giải quyết để mang đến sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp Mỹ sẽ phải lùi thêm thời gian chờ đến nhiều thỏa thuận khác. Giới điều hành Mỹ thường xuyên phàn nàn về việc họ chịu sức ép phải chấp nhận chia sẻ hoặc nhượng lại công nghệ cốt lõi của mình nhằm đổi lấy quyền gia nhập thị trường Trung Quốc, đồng thời hạn bị hạn chế về khả năng sử dụng dữ liệu gây tổn hại đến khả năng cạnh tranh của họ tại Trung Quốc.
Chủ tịch Liên minh các ngành dịch vụ, ông Christine Bliss, nhận xét: “Hiện đang tồn tại rủi ro rằng một khi điều gì được công bố vào giai đoạn một, chưa thể rõ điều gì sẽ xảy ra sau đó và liệu có thêm các cuộc đối thoại nữa hay không”.
Trưởng bộ phận chính sách công tại quỹ Pacific Investment Management, ông Libby Cantrill, nhận xét thỏa thuận giai đoạn đầu không giải quyết được nhiều vấn đề căn bản đã dẫn đến căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, chính vì vậy sẽ không ngạc nhiên khi mà “sự lãng mạn” sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn và rằng Tổng thống Trump sẽ sớm quay trở lại quan điểm cứng rắn.
Nhà Trắng đang hy vọng sẽ có được một thỏa thuận được hoàn tất trước thời điểm giữa tháng 11/2019, và rồi nó sẽ được ký bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Chile.
Thỏa thuận lần này có thể bao gồm những biện pháp nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cùng với việc xác nhận rằng Trung Quốc sẽ vẫn tiếp bước với kế hoạch ban đầu về việc mở cửa ngành dịch vụ tài chính, theo chia sẻ của các quan chức và nhóm kinh doanh.