Covid-19 rõ ràng là câu chuyện lớn nhất của thế hệ này, và đa số báo chí đều có lượng người đọc kỷ lục. Nhưng cùng lúc đó, nhiều phóng viên mất việc và tòa soạn phải đóng cửa, theo Guardian.
Báo chí khắp nước Mỹ đã chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế do các lệnh phong tỏa, và phải sa thải hàng loạt nhân viên. Mất đi tiền quảng cáo, nhiều báo chí đã phải dừng bản in, chỉ duy trì bản online. Nhưng dù vẫn còn bản in hay chỉ là báo online, họ vẫn bấp bênh, dựa cả vào sự lên xuống của quảng cáo.
Báo chí chưa bao giờ khó khăn như trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay. (Ảnh: Reuters). |
Doanh số quảng cáo tụt dốc rất nhanh, khi các doanh nghiệp phải thắt chặt chi tiêu, tất nhiên bao gồm chi cho quảng cáo, để đối phó với hệ quả kinh tế của Covid-19. Đối với ngành báo chí vốn đang chật vật, tác động của Covid-19 gần như là lập tức.
Chắc chắn cần thời gian để biết chính xác bao nhiêu việc làm bị mất, nhưng Jed Kolko, nhà kinh tế trưởng ở trang việc làm Indeed.com, nói các bài đăng tuyển dụng ngành truyền thông đã giảm 35% trong 60 ngày tính đến 3/4, so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm các ngành khác nhỏ hơn, ở mức 24%, cho thấy đại dịch có tác động lên báo chí lớn hơn các ngành khác, ông Kolko nói với New York Times.
Một thống kê của New York Times cho thấy ở Mỹ, tính đến đầu tháng 5, khoảng 36.000 nhân viên tại các cơ quan báo chí Mỹ đã bị sa thải, tạm nghỉ không lương hoặc bị giảm lương.
Chẳng hạn, ở New York, công ty Schneps Media - sở hữu các báo phát miễn phí là amNewYork và Metro New York - đã phải cắt giảm 30 nhân viên, tức 20% nhân sự. BuzzFeed giảm lương tháng 4 và 5 cho mọi nhân viên có lương trên 40.000 USD, và các nhân sự cấp lãnh đạo sẽ giảm lương 25%.
Condé Nast, công ty xuất bản Vogue, Vanity Fair và New Yorker cắt 10-20% lương cho hơn nửa nhân sự. Tạp chí kinh doanh có tuổi đời cả thế kỷ Fortune sa thải 35 người, tức 10% nhân sự. Các nhân sự cấp cao chịu giảm lương 35-50%.
Ở Louisiana, một trong những bang bị ảnh hưởng nhất từ Covid-19, các tờ Times-Picayune và Advocate cho nghỉ không lương 10% trong số 400 nhân viên, và phải chuyển thành tuần làm việc bốn ngày.
Phóng viên Lester Black, 30 tuổi, ở Seattle bị sa thải ngày 13/3. (Ảnh: Reuters). |
Tình hình không chỉ tệ ở Mỹ. Đài BBC của Anh ngày 17/6 vừa kêu gọi nhân viên tự nguyện từ chức vì đài này phải tiết kiệm 156 triệu USD do dịch Covid-19. BBC không cho biết cần cắt giảm bao nhiêu nhân viên, nhưng số nhân viên hiện tại là 22.000.
Guardian Media Group, sở hữu tờ Guardian, dự đoán sẽ giảm doanh thu 20 triệu USD. Tờ Mail & Guardian hàng đầu của Nam Phi cho biết doanh thu quảng cáo giảm 70%.
Ở Ấn Độ, các tờ báo không thể in do lệnh phong tỏa, còn người phát báo thì bị xua đuổi do nỗi sợ virus. Doanh số bán báo giảm 1/3, hãng tin AFP dẫn một số ước tính.
Magdoom Mohamed, một quan chức của Hiệp hội Báo in và Nhà xuất bản tin Thế giới, cho biết báo in của Ấn Độ mất đi 75-85% quảng cáo chỉ riêng trong tháng 3-4. (Quảng cáo mang lại cho báo in và tạp chí của Ấn Độ 3 tỷ USD mỗi năm.) Tờ Hindustan Times bị giảm tiền quảng cáo từ 6 triệu USD mỗi tháng xuống còn 500.000 USD.
Các gói đồ ăn do Câu lạc bộ Phóng viên Mumbai chuẩn bị cho hàng trăm phóng viên bị sa thải hoặc giảm lương trong đợt Covid-19. (Ảnh: AFP). |
Một số chuyên gia dự đoán sẽ có nhiều nơi không thể hồi phục trở lại như cũ. Penny Abernathy, trưởng khoa báo chí tại Đại học Bắc Carolina, dự đoán hàng loạt báo chí, trang tin ở Mỹ sẽ đóng cửa.
“Tôi nghĩ sẽ lên tới hàng trăm, chứ không chỉ hàng chục”, Abernathy nói.
“Một sự kiện ngang mức tuyệt chủng có thể sẽ giáng mạnh lên các báo chí nhỏ, kể cả các báo chí là một phần của tập đoàn lớn”.
Ngay từ trước dịch Covid-19, báo chí đã bấp bênh, nhất là các cơ quan báo chí nhỏ “phủ sóng” một thành phố hay một tiểu bang.
Trong các năm 2004-2018, khoảng 1.800 cơ quan báo chí đã phải đóng cửa, khi mà số người mua báo in giảm. Giữa lúc ngành báo thích nghi với thế giới mà mọi người đọc tin online, Google và Facebook lại thâu tóm nguồn thu quảng cáo trên mạng, vốn đang giúp nhiều báo đài “thoi thóp”.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Google và Facebook lấy đi 77% doanh thu quảng cáo trên mạng của báo địa phương tại Mỹ, dẫn đến “các tòa soạn ma”, tức không có đủ phóng viên để cung cấp thông tin cần thiết cho một nền dân chủ.
“Đây (báo chí) không phải là một ngành đủ mạnh để đương đầu với cuộc khủng hoảng virus”, Ken Doctor, nhà phân tích truyền thông tại Newsonomics, bên chuyên cố vấn các tổ chức về việc chuyển đổi sang Internet. “Đó là một ngành đang đi xuống khá tệ, mất doanh thu vào khoảng 5-10% vào năm 2019, ngay cả khi kinh tế vẫn đang tốt trong năm đó”.
Covid-19 như một “sự kiện ngang mức tuyệt chủng” giáng lên báo chí toàn cầu. (Ảnh: Bloomberg). |
Ông Doctor nói các báo địa phương đang mất đi 30-60% tiền quảng cáo do Covid-19 - một ngành vốn đã bấp bênh lại mất doanh thu.
Dù nhân viên mất việc, tiền quảng cáo không còn, lượng đọc của hầu hết báo chí vẫn tăng mạnh. Ông Doctor ước tính lượng độc giả tăng gấp đôi, “hầu như là do virus corona”, còn truyền hình cáp thì có lượng người xem kỷ lục.
“Vì mọi người đều ở nhà - đều sợ hãi, và cố tìm hiểu về thứ mà chưa ai trong chúng ta từng phải sống qua”, ông nói.
Dịch Covid-19 là một câu chuyện toàn cầu, nhưng cũng là câu chuyện ở địa phương. Ai cũng muốn biết có bao nhiêu ca nhiễm trong địa phương mình, các khuyến cáo ra sao, hay đơn giản là công viên nào mở, công viên nào đóng - tất cả đều là chủ đề của báo địa phương.
Nhưng nhiều nơi ở Mỹ đã mất đi nguồn tin địa phương này từ trước khi dịch phát. Năm 2018, một nghiên cứu của bà Abernathy, từ Đại học Bắc Carolina, cho thấy 1.300 cộng đồng đã mất hoàn toàn nguồn tin địa phương, tạo ra những “hoang mạc tin tức” - những nơi mà thời sự địa phương, vốn có chức năng giám sát các quan chức địa phương, gần như là không có.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới minh họa rõ hơn tình trạng này khi ước tính 1 trên 3 người Mỹ giờ đây sống trong “hoang mạc tin tức”.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới ước tính 1 trên 3 người Mỹ giờ đây sống trong “hoang mạc tin tức”. (Ảnh: Đại học Bắc Carolina). |
Giữa lúc ngành báo chật vật, các tập đoàn lớn lại “nuốt” các công ty nhỏ của địa phương, và trong quá trình đó cũng sa thải nhiều người. Dù có trụ lại được ở các tập đoàn lớn, phóng viên cũng vẫn bấp bênh do dịch Covid-19.
Gannett, công ty sở hữu báo lớn nhất ở Mỹ, đã mất đi tận 94% giá trị kể từ tháng 8/2019, một con số khó tin, do dịch Covid-19. Công ty cho biết đã phải cho nhân viên nghỉ không lương một tuần trong tháng - công đoàn của nhân viên nói điều này tương đương với giảm lương 25%.
Công ty Gannett, sở hữu tờ USA Today, mất đi 94% giá trị kể từ tháng 8. (Ảnh: AP). |
Lee Enterprises, sở hữu hơn 70 báo ở các thành phố lớn của Mỹ, cũng phải cắt lương cho tất cả, và nói có kế hoạch cho nghỉ không lương.
Nếu có điểm sáng, thì đó là khả năng mọi người cuối cùng cũng nhận ra tình thế nguy cấp của ngành báo chí.
Theo một nghiên cứu của Pew năm 2019, có tới 71% người tin rằng báo ở địa phương họ đang có tài chính tốt. Nhưng đồng thời, chỉ 14% đã trả tiền để đọc báo địa phương trong năm 2019.
“Chúng ta có thể hy vọng sẽ có thêm nhận thức và mọi người chịu trả tiền cho tin tức hơn”, bà Abernathy nói. “Và sẵn sàng chấp nhận những cách mới để báo chí có nguồn sống - dù là qua tiền thuế, hay là sự cảm thông nếu tờ báo của bạn quyết định tăng giá so với trước”.
“Vì mô hình kinh doanh vốn là nền tảng cho báo chí trong 200 năm qua đã sụp đổ”.
Tại Việt Nam, bài toán nguồn thu cũng trở nên cấp bách với báo chí, và là chủ đề của một diễn đàn ngày 11/6, theo trang Dân Việt.
“Đại dịch Covid-19 như siêu bão khủng khiếp quét qua… Phần lớn các tòa soạn bị sụt giảm tới 50% doanh thu và có thể còn tiếp tục nhiều hơn thế nữa”, ông Lê Trần Nguyên Huy, Tổng biên tập báo Nhà báo & Công luận phát biểu tại diễn đàn.
Theo Zing