Ngân hàng đòi khách hơn 6.700 chỉ vàng

Thứ hai, 21/05/2012, 08:32
Ngân hàng bảo bị đơn đã vay vàng của mình, còn khách hàng nói đây là kinh doanh vàng ảo trên sàn vàng.

Vụ án gây nhiều tranh cãi quanh việc vận dụng pháp luật giải quyết hậu quả mà bị đơn cho rằng đó là giao dịch trên sàn vàng - một hình thức mua bán khá đặc biệt.

Giao dịch vàng ảo

Tháng 8-2010, Ngân hàng X. kiện ông T. ra tòa đòi ông phải trả hơn 6.700 chỉ vàng cả nợ gốc và lãi. Ngân hàng cho biết hợp đồng ký kết giữa hai bên vào cuối tháng 10-2007 cùng biên bản bổ sung hợp đồng thể hiện ngân hàng cho ông T. vay 5.450 chỉ vàng SJC thời hạn 10 năm, trả gốc 12 tháng/lần, trả lãi sáu tháng/lần… Tuy nhiên, ông T. đã không trả nợ như giao kết...

Ông T. cho biết ông không ký vay nợ hợp đồng tín dụng như ngân hàng nêu mà đây là giao dịch mua bán trên sàn vàng với hình thức đầu tư vàng ảo. Ngân hàng tự quy ra số tiền trên, thực tế ông T. không nhận được chỉ vàng nào nên không thanh toán.

Xử sơ thẩm tháng 9-2011, TAND TP.HCM đã buộc ông T. trả gần 6.660 chỉ vàng cho ngân hàng. HĐXX nhận định bị đơn trước khi ký hợp đồng trên có mua bán vàng với ngân hàng, sau đó mới thỏa thuận ký hợp đồng tín dụng. Giao dịch này do các đương sự tự nguyện thỏa thuận với nhau nên bị đơn phải có trách nhiệm thanh toán nợ.

Ngay sau đó, ông T. đã kháng cáo bản án. Hiện nay tòa án cấp phúc thẩm đang xem xét giải quyết.

Còn nhiều lấn cấn

Bàn về vụ án, một thẩm phán TAND TP.HCM cho rằng ngân hàng bảo hợp đồng trên là hợp đồng tín dụng là không phù hợp với điều lệ của ngân hàng nói riêng cũng như các quy định của luật.

Luật ngân hàng quy định vàng do Ngân hàng Nhà nước quản lý, đồng thời Luật Các tổ chức tín dụng thì quy định kinh doanh vàng phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản. Vì thế cần phải xem xét lại tính hợp pháp của hợp đồng tín dụng vay vàng trên.

Luật sư Nguyễn Minh Thuận (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết thêm nếu sự việc đúng như bị đơn trình bày thì có thể thấy rằng sàn vàng là một loại hình kinh doanh “kỳ lạ”.

Kỳ lạ ở chỗ nó không được điều chỉnh bởi một hành lang pháp lý nào và nó cũng không được cơ quan có thẩm quyền tiến hành thí điểm nhằm tìm ra một cơ chế vận hành an toàn để bảo vệ quyền lợi cho người dân.

Vì vậy khi có sự cố xảy ra thì đa phần thiệt hại thuộc về khách hàng vì trong cuộc chơi này, khách hàng là người nắm đằng lưỡi. Trên thực tế, báo chí đã phản ánh rất nhiều sự cố “sập mạng” khiến cho khách hàng chỉ biết kêu trời. May là Chính phủ đã nhìn thấy những bất ổn từ sàn vàng nên mọi hoạt động sàn vàng đã bị ngưng, dù vậy đã có rất nhiều nhà đầu tư bị tán gia bại sản...



Theo Phapluat TP

Các tin cũ hơn