Mặt trái cũng là mặt thật
Trước khi đội tuyển quốc gia tập trung, HLV Miura muốn xem càng nhiều trận đấu càng tốt, cốt là để đánh giá năng lực chuyên môn của các cầu thủ, thậm chí tìm ra một số nhân tố mới cho đội tuyển.
Chỉ có điều, những gì mà ông Miura nhìn thấy lại là những điều mà chắc chắn những người yêu bóng đá chân chính không muốn nó diễn ra. Đấy là bạo lực và sự hung hăng của giới cầu thủ và cả những tiếng còi khó hiểu từ giới trọng tài.
Ở Nhật, có lẽ sẽ khó nhìn thấy cảnh cầu thủ cởi phăng áo, để lộ hình xăm, rồi hùng hổ lao vào tổ trọng tài như thể họ có thù hằn với nhau trước vậy! Rồi ông Miura có lẽ cũng không hiểu vì sao thay vì đá bóng, cầu thủ hai đội Hải Phòng và Hà Nội T&T lại quay sang đá người, rồi thoi túi bụi vào nhau như thể họ là VĐV môn đấu võ tự do, chứ không phải là cầu thủ bóng đá?
HLV Miura trong những chuyến đi đến các sân đã buộc phải chứng kiến những điều không muốn nhìn thấy.
Và, vị HLV người Nhật cũng không bao giờ tưởng tượng nổi cảnh sau khi để cho cầu thủ của mình gây chuyện, lãnh đạo một đội bóng, cụ thể ở đây là Hải Phòng, thay vì xin lỗi khán giả, lại gây chuyện còn lớn hơn, đó là thách thức BTC và đòi bỏ giải.
Xem những trận đấu dạng như thế chắc chắn rất khó để đưa ra đánh giá về mặt chuyên môn. Xem những trận đấu kiểu như vậy cũng không dễ dàng nhận xét được rằng những cầu thủ mà ông Miura đang nhắm tới, hoặc được giới thiệu đá hay hay dở.
Bởi đơn giản ở chỗ với những trận cầu sặc mùi bạo lực như thế, cầu thủ không thể nào phô diễn ra toàn bộ cái hay về mặt chuyên môn.
Đấy là mặt trái của bóng đá nội, nhưng oái ăm thay đó cũng chính là bộ mặt thật của V-League: Một giải đấu càng lúc càng xuống cấp về mặt chuyên môn, nhưng lại đầy rẫy bạo lực và những sự biến tướng trong công tác trọng tài.
Một nền bóng đá như thế không thể sản sinh ra nguồn cầu thủ trẻ tốt, cũng không thể có được sự nhuần nhuyễn trong lối chơi của từng CLB, vì bạo lực đang được chú trọng, trong khi chuyên môn bị đẩy xuống hàng thứ yếu.
Sửa lỗi kỹ thuật và sửa lỗi hành vi
Nhiệm vụ của HLV Miura khi nhắm đội tuyển Việt Nam là thổi cái hồn của bóng đá Nhật Bản vào bóng đá Việt Nam. Đấy là một lối chơi kỷ luật và kỹ thuật của người Nhật. Điều quan trọng hơn nữa là cầu thủ Nhật biết họ nên làm gì trên sân bóng, khi khoác đội tuyển quốc gia, trong khi cầu thủ nội lại toàn hành xử theo bản năng.
Sửa lỗi kỹ thuật cho các cầu thủ sẽ khoác áo đội tuyển chắc chắn là điều không dễ. Sửa sao cho những cầu thủ vốn lâu nay chỉ quen đá dài, quen đua sức khi khoác áo CLB, phải biết phối hợp nhóm và biết cách đá với thể hình nhỏ của người Việt Nam dĩ nhiên là không đơn giản.
Nhưng cái khó khác còn nằm ở chỗ sửa thói quen về hành vi của cầu thủ Việt Nam trên sân bóng. Bạo lực rõ ràng không tự nhiên xuất hiện. Cầu thủ không thể tự mình đá láo nếu như không có sự dung dưỡng của CLB, cầu thủ cũng không thể nào hung hăng đến vậy nếu như người ta không gieo trong đầu họ sự bao biện sau mỗi hành vi phản cảm.
Cầu thủ cũng không thể nào hết hung hăng một khi bản thân chính lãnh đạo các CLB, các HLV không ít người cũng hung hăng không kém, hay chí ít là thấy học trò làm sai nhưng vẫn ngó lơ.
Thay đổi điều đấy cho các cầu thủ trước khi họ lên tuyển mới là điều khó, bởi giáo dục ý thức không phải là điều có thể thực hiện trong ngày một ngày hai.
Ông Miura chưa chính thức ra mắt khán giả Việt Nam, nhưng đã phải đối diện với một núi công việc rất đặc thù trong bóng đá nội. Những việc đấy thay vì phải được người ta thực hiện ở từng CLB, thì khi lên đội tuyển, HLV đội tuyển phải làm lại từ đầu.
Điều đấy chắc chắn sẽ rất khác với những việc ông Miura từng làm khi nắm các đội bóng Nhật Bản, bởi cầu thủ Nhật Bản được hình thành trên cái nền sẵn có, khác xa với cầu thủ Việt Nam yếu kém vì nhà mục từ móng.
Theo Dân trí