Hướng đến Premier League 2015/16: Ngôi vương có đổi được màu?

Thứ ba, 21/07/2015, 16:12
Cả M.U, Arsenal và Liverpool đều đang rất tích cực hoàn thiện đội hình, nhưng đáng tiếc, cuộc đua vô địch cùng Chelsea và Man City vẫn khó có chỗ dành cho họ.
Màu xanh của Chelsea và Man City vẫn sẽ bao phủ Premier League 2015/16

Thời mà màu đỏ thống trị Premier League đã qua. Đó là thời M.U và Arsenal thay phiên nhau mang về những chiếc cúp như đi chợ, chỉ thỉnh thoảng xen kẽ sắc xanh của Chelsea và sắc xanh-trắng của Blackburn Rovers. Cho tới vài năm gần đây, tình thế đã đảo chiều.

Hai năm qua, màu xanh da trời của Man City và màu xanh nước biển của Chelsea đã dần lấn át đi sắc đỏ. Hai năm chưa phải là dài, nhưng nó mới chỉ là điểm khởi đầu của một thời kỳ mới, thời kỳ màu xanh lên ngôi.
Thật vậy, chức vô địch của Man City mùa 2013/14 và Chelsea 2014/15 là thành quả của quá trình đầu tư, xây dựng tâm huyết lâu dài, chứ không mang tính chất hiện tượng, kiểu “một phút huy hoàng rồi vụt tắt” giống như Blackburn Rovers năm 1995. Cho tới giờ, đội hình của Man City và Chelsea vẫn ổn định và chất lượng nhất, nhờ đó, những vụ chuyển nhượng của họ chỉ đang nhằm tăng cường chiều sâu thay vì trực tiếp nâng cấp đội hình chính như M.U, Liverpool hay Arsenal.
Mùa giải kết thúc không lâu, M.U đã làm nóng kỳ chuyển nhượng còn chưa chính thức mở cửa bằng thương vụ mua Memphis Depay từ PSV, không quên gắn thêm cái mác “Cristiano Ronaldo mới” cho CĐV thêm phần hưng phấn. Ít lâu sau, tới lượt cái tên Arsenal tràn ngập các mặt báo với vụ chiêu mộ Petr Cech từ Chelsea: Với Cech, “Pháo thủ” sẽ được tăng cường 10-15 điểm; với Cech, “Pháo thủ” đã hoàn thiện đội hình và đủ sức vô địch… Gooner thì đắc thắng khi giành được cầu thủ quan trọng của kình địch thủ đô.
Tiếp nữa, Liverpool gây bão với liên tiếp 4 vụ chuyển nhượng, mà nhiều cái tên trong số đó rất đáng chú ý, đáng kể là James Milner, Roberto Firmino và Nathaniel Clyne. Giới chuyên môn ca ngợi The Kop làm việc nhanh nhẹn, khôn khéo; các Kopite cũng hạnh phúc với tham vọng chi tiêu của CLB, đẩy lui mùa bóng đáng quên 2014/15 vào dĩ vãng. Rồi M.U lại hút hết ánh đèn sân khấu với tốc độ mua người nhanh như điện, đem về thêm 3 tân binh đẳng cấp Bastian Schweinsteiger, Morgan Schneiderlin cùng Matteo Darmian.
Xét về mặt lý thuyết, đội hình của cả M.U, Arsenal và Liverpool sau khi tăng cường đều đã hoàn thiện theo những mức độ khác nhau, hoặc chí ít cũng tiệm cận ngưỡng hoàn thiện. Chỉ có điều, khác biệt nằm ở khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn.
Arsenal mùa trước đã phải chờ tới lượt về mới phát huy được hết tiềm năng họ có, sau lượt đi bệ rạc và có lúc còn mang danh “đội bóng một người”, với phong độ bùng nổ của duy nhất Alexis Sanchez. Việc chỉ chơi tốt trong nửa mùa bóng không phải là vấn đề của riêng mùa trước, mà đã trở thành một thói quen xấu của “Pháo thủ”. Nguyên nhân chắc chắn không nằm ở vị trí thủ môn, tức là vấn đề không thể giải quyết chỉ với tân binh Cech.
Sau mùa 2014/15 bết bát, Liverpool đã “thay máu” hàng công, tăng cường hàng thủ, nhưng sự bất ổn vẫn là căn bệnh mãn tính với đội bóng này. Cũng chẳng thể trách Brendan Rodgers được, bởi nếu tình trạng mỗi mùa lại để mất một, hai ngôi sao lớn như vài năm qua vẫn tiếp diễn, ông còn phải thay đổi xoành xoạch cả lối chơi lẫn nhân sự. Cứ vào mùa bóng mới, ông thầy 42 tuổi lại phải đau đầu nghĩ ra một sơ đồ chiến thuật mới sao cho phù hợp với những con người mới, hỏi sao The Kop chẳng bắt nhịp chậm.
M.U thì đầy tham vọng, chẳng ngại chi tiền, và nếu xét về chất lượng đội hình, họ lúc này chẳng thua kém gì Chelsea hay Man City. Có điều, tính sơ sơ với Darmian, Schweinsteiger, Schneiderlin, Depay và có thể cả vị trí thủ môn nếu David de Gea ra đi, Louis van Gaal đã thay phân nửa đội hình so với mùa trước. Những nhân tố mới sẽ cần thời gian để thích nghi, quãng thời gian ấy là 1, 2 tuần hay hết cả mùa, chẳng ai nói trước được.
Trong khi đó, Chelsea và Man City vẫn giữ nguyên bộ khung đã giúp họ lên ngôi vô địch và á quân mùa trước. Duy nhất chỉ có Raheem Sterling là được đem về Etihad để trám vào một vị trí trong đội hình chính, có thể là của Samir Nasri hoặc Jesus Navas. Mourinho thậm chí còn chưa có thay đổi gì. Điều đó khiến CĐV ít nhiều lo lắng, nhưng trên thực tế, nó đảm bảo sự ổn định.
Đúng như Nemanja Matic nhận xét, lực lượng Chelsea đủ mạnh để chẳng cần phải bổ sung gì nhiều. Về phần Man City, nỗi lo lớn nhất của họ không phải là thực lực, mà là làm sao cho đủ quota cầu thủ home-grown để đáp ứng quy định của Premier League. Với Fabian Delph, Patrick  Roberts và Sterling, The Citizens đã dẹp yên được nỗi lo ấy.
Bạn nghĩ ai sẽ có lợi thế giữa một đội bóng với nhiều ngôi sao lớn nhưng chưa thi đấu cùng nhau bao giờ, mỗi người một phách; một đội bóng vốn có thói quen chỉ chơi hay một nửa mùa giải; và một đội bóng đã cùng nhau giành chiến thắng suốt nhiều năm? Mùa 2015/16, Chelsea, Man City vẫn sẽ phủ màu xanh lên Premier League. Màu đỏ của M.U, Arsenal hay Liverpool có chăng chỉ điểm xuyết cho sắc màu bóng đá Anh thêm phần lung linh mà thôi.

Theo Bóng Đá Plus

Các tin cũ hơn