Đằng sau vấn nạn hooligan tại EURO 2016

Thứ ba, 14/06/2016, 11:51
Bạo lực bùng nổ giữa các nhóm CĐV tại EURO 2016 không còn là chuyện ngứa ngáy tay chân của những bợm nhậu quá khích. Nó đã phát triển phức tạp hơn là chuyện mất kiểm soát hành vi của vài cá nhân.

Một CĐV bóng đá Anh điển hình thường được mô tả như sau: Tuổi từ 25-35, công việc thiên về chân tay, học thức trung bình và ham nhậu nhẹt. Vào những năm có World Cup hay EURO mà ĐT Anh được tham dự, tay CĐV“điển hình” này sẽ dành dụm tiền cả năm để lên đường.

10 ngày hay 1 tháng, tùy thuộc vào thành tích của Tam sư, tay chơi này sẽ quậy tới bến. Đồng bảng vốn giá trị nên khi đi ra khỏi xứ sương mù, CĐV Anh có thể thoải mái tiêu pha mà khỏi nghĩ ngợi. Với số tiền mà ở Anh uống 1 cốc bia, ở nước ngoài phải được 3 cốc.

Mỗi kỳ EURO hay World Cup, các CĐV Anh hay đi thành nhóm thanh niên, rất ít theo dạng gia đình. Truyền thống gây rối, quậy bạo của CĐV Anh dưới cái tên hooligan xuất hiện một cách dễ hiểu, khi các nhóm đàn ông tụ tập rượu chè và tìm đến bạo lực để xả stress.

Nhưng có vẻ thời thế đã thay đổi. Danh hiệu CĐV bạo lực nhất giờ thuộc về người Nga chứ không phải các hooligan Anh.

Khác với các tay chơi Anh quốc mượn rượu gây rối nhưng vô tổ chức, các nhóm ultra đến từ Nga, như “Carel Butcher” được tổ chức rất chặt chẽ. Hạt nhân của nhóm chỉ vài chục người, nhưng là những hung thần thực sự mà mục đích duy nhất khi cổ vũ bóng đá là: Đánh nhau.
Các ultra Nga, với các tư tưởng phân biệt chủng tộc, thậm chí tân phát xít, luôn chủ động gây sự.
Tại Marseille, món cocktail bạo lực gồm 3 thành phần: Các bợm nhậu amateur Anh, các hung thần chuyên đánh nhau trên đường phố Nga và dân giang hồ Marseille khét tiếng không coi luật pháp ra gì.
Các nhóm CĐV gây rối của Anh mang màu sắc bợm nhậu hơn là côn đồ thực thụ. Nhưng vấn đề nằm ở con số: với sự tham dự của Anh, Bắc Ireland, Xứ Wales, dự kiến có khoảng 300.000 CĐV vượt biển Manche sang Pháp. Chỉ có 250.000 có vé vào sân, tức ít nhất 50.000 còn lại sẽ lang thang nhậu nhẹt trên đường phố và kiếm chuyện… giải sầu. Nhưng tất cả những điều này không lý giải được tại sao CĐV các nước khác như Ba Lan, Đức, Bắc Ireland, Ukraine… cũng bị cuốn vào vòng bạo lực?
Thực tế là dường như có một sự thù địch đang xuất hiện trở lại như trong quá khứ giữa hai khối Đông-Tây, mang màu sắc chính trị, dân tộc chủ nghĩa và sắc tộc. Khung cảnh bạo loạn Nga-Anh ở Marseille là điển hình. Những CĐV Nga trút nắm đấm vào CĐV Anh không đơn thuần vì “ngứa mắt”, mà sâu xa còn vì sự thù ghét đang gia tăng giữa người Nga với châu Âu trong vài năm qua. Trước bóng đá và EURO, đã từng có các đoàn xe mô-tô phân khối lớn của Nga dự định đi vòng quanh châu Âu để quảng bá cho chủ nghĩa dân tộc nhưng rồi bị cấm.
Tương tự, sự nổi lên mạnh mẽ của các phong trào cực hữu mang tư tưởng bài ngoại ở châu Âu thời gian ở Pháp, Đức, Áo, Anh… cũng làm ngộ độc bầu không khí xã hội. Châu Âu vài năm qua rất căng thẳng, hết khủng hoảng kinh tế đến khủng hoảng tị nạn, khủng bố… nên nhiều bức bối bị kìm nén, chỉ chờ có dịp là bùng nổ. EURO là cơ hội tuyệt vời, vì có cái mác bóng đá để bạo lực núp vào.
Cuối cùng, là câu chuyện của những cảnh sát Pháp đáng thương. Những cảnh sát, lính cứu hỏa Pháp từ hơn 1 năm qua đang sống trong những ngày căng thẳng, vất vả nhất trong lịch sử. Từ vụ Charlie Hebdo đến chuỗi khủng bố đẫm máu tháng 11 ở Paris, Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP 21, hàng trăm cuộc biểu tình bạo loạn đường phố và tình trạng khẩn cấp duy trì suốt 6 tháng qua… những con người này đang bị vắt kiệt cả thể chất và tinh thần.
Đến nỗi cuối tháng 5 vừa qua, cảnh sát Pháp cũng kéo nhau đi… biểu tình. Tại Pháp, kể cả khi chưa có EURO, quân đội đã phải được huy động (trong chiến dịch Sentinel) để san sẻ gánh nặng. Đến EURO, với nhiệm vụ trải dài từ SVĐ đến fanzone, trên đường phố… cảnh sát Pháp không đủ sức lực và sự tỉnh táo để kịp thời can thiệp làm nguội những cái đầu say xỉn.
Suy cho cùng, họ cũng chỉ là con người, không phải robot.
Theo Bongda Plus

Các tin cũ hơn