Thủ môn Tấn Trường: Hành trình trượt dốc của một “ngôi sao”

Thứ ba, 01/05/2012, 10:12
Bắt đầu từ những ồn ào khi trở thành trung tâm của bản hợp đồng giá trị lên đến 9 tỷ đồng, Tấn Trường dường như đã không còn là chính mình nữa.


Tin liên quan
>>
Qua chuyện Sài Gòn FC rao bán Tấn Trường: Cầu thủ cũng chỉ là mớ thịt, bó rau
>>Tiếp “vụ” Sài Gòn FC và Tấn Trường: Nhờ cơ quan điều tra vào cuộc?!  
>>Vì sao Bùi Tấn Trường…. mất tích?


Từ vị thế của thủ thành số một trong khung gỗ ĐTQG, anh đang trở thành dự bị ở CLB, bị rao bán và kỳ cục hơn, chưa thấy đội bóng nào muốn nhận.

Đấy là một hành trình trượt dốc quá nhanh mà nguyên nhân không khó để dư luận nhìn nhận nó nằm ở bên ngoài sân cỏ, nơi Tấn Trường có vẻ như đã bị nhiễm phải căn bệnh "ngôi sao".
 

Sau những thành công cả ở đội tuyển lẫn CLB... Ảnh: M.Hoàng


Là một ngôi sao

Cần phải khẳng định điều đó nếu nhìn vào năng lực và cả quá trình nỗ lực không ngừng của Tấn Trường để có được sự thừa nhận.

Từ vị trí của một thủ môn trẻ vô danh, bị nghi ngờ trong lần xuất hiện đầu tiên cách đây 5 năm đến vai trò không thể thay thế trong đội hình ĐTQG thời điểm này là cả một chặng đường dài mà chàng trai trẻ xứ bưng biền phải đổ vào đó thật nhiều mồ hôi cũng như nước mắt và nỗi đau thể xác (gãy xương bả vai ở chung kết SEA Games 2009).


Nhiều người hẳn chưa thể quên, đến thời điểm này, Tấn Trường mới là thủ môn thứ hai, đồng thời cũng là thủ môn nội đầu tiên... ghi bàn trong lịch sử V-League.

Với Trường, đấy là khoảnh khắc lịch sử mang đến cho anh rất nhiều tự tin bởi pha lập công vào lưới ĐT.LA (trận đấu giúp Đồng Tháp hòa 2-2) diễn ra gay cấn trong mùa giải ra mắt màu áo Đồng Tháp.

Trước mùa giải đó, những gì người hâm mộ biết về Trường chỉ là hình ảnh cậu bé cao quá khổ đã được Đồng Tháp giới thiệu ở một vài giải trẻ. Nhưng từ sau mùa giải 2007 ấy, Tấn Trường chính là một phần không thể thiếu trong đội hình TĐCS.ĐT.


Hai, ba mùa giải trước, đội bóng xứ bưng biền vật vã trong cơn chảy máu cầu thủ. Lần lượt những ngôi sao sáng nhất của đội, từ Phan Thanh Bình, Châu Phong Hòa đến Văn Pho, Quý Sửu rồi Đoàn Việt Cường lần lượt ra đi theo tiếng gọi của tiền tài, danh vọng.

Trong bối cảnh đó, tài năng của Tấn Trường càng được khẳng định khi anh trở thành 50% sức mạnh giúp Đồng Tháp không chỉ trụ hạng mà nhiều thời điểm còn trở thành "ngựa ô" của V-League.


Chơi chói sáng trong màu áo CLB, Trường nhanh chóng lọt vào mắt xanh của HLV đội tuyển Henrique Calisto. Năm 2007, Trường được gọi dự SEA Games 24 trong vai trò thủ môn dự bị. Nhưng đến năm 2009, chàng trai trẻ đã cùng đội tuyển U23 sang Lào trong tư thế của người làm chủ khung thành.

Anh chơi tuyệt hay cho đến khi bị dính chấn thương ở trận chung kết. Xen giữa hai kỳ SEA Games đáng nhớ đó, chàng thủ môn miền Tây còn có cơ hội nâng cao Cúp vô địch Merdeka cùng đội tuyển U22 năm 2008.


Những thành công tột bậc đó không thể đến một cách ngẫu nhiên hay đơn thuần dựa vào may mắn. Nó cũng lý giải tại sao năm 2010, Đồng Tháp phải huy động mọi nguồn lực để ký gia hạn với anh bản hợp đồng có thời hạn 3 mùa, kèm khoản lót tay lên đến 5 tỷ.

Nhưng chưa kịp gắn bó cùng đội bóng quê nhà hết ba mùa, sự nghiệp của Tấn Trường lại bước lên một nấc thang mới. Bầu Thụy, trong nỗ lực đưa Sài Gòn FC giành ngôi vô địch V-League đã "gõ cửa" TĐCS.ĐT hỏi mua thủ môn gốc Lai Vung.

Một bản hợp đồng với giá trị không thể từ chối được chìa ra. Trường nhận 9 tỷ đồng, trở thành cầu thủ đắt giá nhất kỳ chuyển nhượng đầu mùa giải 2012 và trở thành ngôi sao trong "dream-team" dưới trướng bầu Thụy. Anh thực sự đã bước lên hàng ngôi sao sáng giá bậc nhất trong giới cầu thủ Việt, tính cả về giá trị lẫn thương hiệu và tầm ảnh hưởng.

 

... Tấn Trường dường như đã mắc bệnh "ngôi sao". Ảnh: Minh Hoàng


Những bước đi lầm đường

Nhìn lại hành trình 5 năm bước ra sân chơi chuyên nghiệp của Tấn Trường, thì con đường anh đi có cảm tưởng là một chuỗi những thăng tiến chóng mặt. Có lẽ vì thế, mà khi hay tin thủ thành này bị Sài Gòn FC gạt ra ngoài đội hình, đồng thời rao bán chỉ sau vài tháng ký hợp đồng, nhiều người không khỏi sững sờ.

Ai đó thậm chí đã bán tín bán nghi rằng Trường, có thể là nạn nhân của chính sách "không ai không thể bán" mà bầu Thụy áp dụng. Nhưng khi tìm hiểu nguyên nhân sâu xa, thì dường như chính thủ môn xứ bưng biền đã tự hại mình.


GĐĐH Trần Tiến Đại khẳng định: "Trường đã bị CLB kỷ luật treo giò một trận. Hứa hẹn rút kinh nghiệm, một số vòng đấu sau đó cầu thủ này đã thể hiện tốt hơn. Song rồi đâu lại vào đấy". Một thông tin khác ở Sài Gòn FC tiết lộ, Tấn Trường cũng không được các đồng đội ưa vì "bệnh ngôi sao".

Thông tin ấy có thật hay không thì còn phải chờ kiểm chứng. Song việc lãnh đạo CLB Sài Gòn FC bức xúc với Tấn Trường đến mức phải bán anh thì đã lan tràn qua nhiều ngày.

Một quan chức của CLB này đã nói thẳng trên báo: "Tấn Trường đầu tư vào kinh doanh sân cỏ nhân tạo và có nhiều hoạt động khác ngoài bóng đá. Nhưng trước khi là một doanh nhân, thì Trường phải xác định được mình là cầu thủ chuyên nghiệp. Tiếc thay, cậu ta lại không giữ được sự tập trung vào nhiệm vụ chính". Có cảm giác, Trường đã thỏa mãn với những gì anh đạt được trên sân cỏ.


Giờ thì Tấn Trường buộc phải chấp nhận giữa hai con đường, ở lại Sài Gòn FC để mài đũng quần trên ghế dự bị đến hết mùa giải. Hoặc anh phải tìm đến một đội bóng khác sẵn lòng cưu mang mình, nếu không muốn mất suất trong đội hình đội tuyển dự AFF Cup cuối năm nay.

Vậy mà trong hoàn cảnh bi đát, Tấn Trường hình như vẫn bị... ngộ nhận. Chuyện kể rằng trong thời gian được SG FC cho phép liên hệ tìm CLB, thủ môn này đã về đánh tiếng với CLB bóng đá Kiên Giang.

Nhưng khi đặt vấn đề với đội bóng vừa thăng hạng V-League này, Trường đã tự "hét giá" bản thân mình mức lương... 72 triệu đồng/tháng và khoản lót tay 5 tỷ đồng. Đề nghị ấy, như một lãnh đạo CLB Kiên Giang thừa nhận đã khiến ông "suýt té xỉu".


Một đội bóng khác cho Tấn Trường hy vọng có thể "tá túc" là Đồng Tháp. Nhưng ngay ở đội bóng quê hương, sau khi tiếp xúc, Trường cũng chưa nhận được cái gật đầu. Lãnh đạo CLB xứ bưng biền hình như cũng ngại, không muốn nhận lại một ngôi sao nhiều rắc rối như Tấn Trường.

Mà quan trọng hơn, họ không sẵn lòng trả giá cao cho Trường được, khi trong khung gỗ hiện tại đã có người kế thừa xuất sắc Bửu Ngọc. Vậy là từ vị thế của một ngôi sao lớn, Tấn Trường giờ đứng trước nguy cơ bị bỏ rơi, không được bất kỳ đội bóng nào nhòm ngó tới.



Thay lời kết

Trong cả quá trình tuột dốc ấy, Tấn Trường trước hết chỉ có thể trách mình. Anh đã mất tròn 5 năm khổ luyện để được thừa nhận như là thủ môn tài năng nhất của bóng đá Việt. Nhưng chỉ hơn 5 tháng ngắn ngủi, vì tâm lý tự mãn, sự ngộ nhận về vị thế ngôi sao dẫn đến những xao nhãng trong thi đấu, tập luyện, anh đã đứng trước nguy cơ đánh mất tất cả.

Sau câu chuyện bị chê trách rất nhiều với Kiên Giang, một lời khuyên cho Trường lúc này chỉ có thể là quên đi thứ hào quang tiền bạc phù phiếm đã ngấm sâu vào tư tưởng của mình.

Không chỉ vì Kiên Giang hay Đồng Tháp quá nghèo để trả anh khoản lương, lót tay "trên trời" theo đòi hỏi, mà đơn giản là muốn chơi bóng thật tốt, muốn tìm lại vị thế ngôi sao sân cỏ thì Trường trước hết phải tìm được cơ hội chơi bóng đỉnh cao.

Mà điều đó, chẳng đội bóng nào sẵn lòng cho Trường lúc này, nếu anh không tự nhìn nhận được những sai lầm trong thời gian chơi bóng ngắn ngủi nơi Sài thành phồn hoa.


Theo Gia Đình

Các tin cũ hơn