>>Trần Tuấn Quỳnh tự ý rời tuyển bóng bàn Việt Nam
>>Bóng bàn Việt Nam tìm kiếm vé dự Olympic: Viễn cảnh đầy trắc trở!
>>Bóng bàn Việt Nam tan giấc mộng vàng tại SEA Games 26
Kể từ khi tay vợt 2 lần đoạt vé Olympic (2004, 2008) Đoàn Kiến Quốc rút lui khỏi tuyển quốc gia, tuyển bóng bàn Việt Nam rơi vào khủng hoảng lực lượng. Vẫn những gương mặt cũ như Tuấn Quỳnh, Quang Linh, Thành Luân (nam) hay Mỹ Trang, Việt Linh (nữ) nhưng bóng bàn VN vẫn không thể đạt được mục tiêu tham dự Olympic.
Lý do không khó lý giải bởi nhiều năm nay công tác đào tạo trẻ chưa được đầu tư chỉn chu, tương xứng nên không có tay vợt nào tỏa sáng đủ sức thay thế các đàn anh.
Trong khi đó những tuyển thủ quốc gia hiện tại đều chững lại về mặt chuyên môn. Phần nhiều vì họ không có điều kiện tập huấn, thi đấu quốc tế để trau dồi, tiếp cận với những kỹ thuật bóng bàn hiện đại để tích lũy kinh nghiệm.
Vũ Mạnh Cường dù đã 40 tuổi vẫn xuất hiện vì “căn bệnh thành tích” - Ảnh: Anh Thắng
Lẽ ra Liên đoàn Bóng bàn VN cần có những quy định buộc các đơn vị phải giới thiệu được những tài năng do chính mình đào tạo để có những thay đổi nâng tầm cho bóng bàn VN trong tương lai thì tại giải VĐQG sắp khởi tranh vẫn lại quanh quẩn các khuôn mặt cũ.
Thậm chí những lão tướng như cựu số 1 Việt Nam Vũ Mạnh Cường vẫn đăng ký tranh tài trong màu áo T&T dù năm nay đã 40 tuổi.
Cũng vì “căn bệnh thành tích” mà người hâm mộ bóng bàn VN lại thấy Đoàn Kiến Quốc dẫu rút lui khỏi tuyển QG nhưng vẫn là chủ lực của CLB Petro Việt Nam.
Nhiều HLV làm công tác đào tạo trẻ than thở rằng cỡ như Vũ Mạnh Cường mà còn cầm vợt để kiếm thành tích thì không biết đến bao giờ các tay vợt trẻ mới được trao cơ hội thi đấu để vươn lên. Cứ như vậy bóng bàn VN lại sống trong cảnh “tre đã già mà măng chưa mọc”.
Theo Thanh Niên