Mừng cho Lee Nguyễn

Thứ ba, 15/05/2012, 11:16
Không ít người có cảm giác đôi chút tự hào, pha với ngỡ ngàng khi thấy các trang thể thao hàng đầu của Mỹ đều dành những vị trí nổi bật để đưa tin tiền vệ gốc Việt Lee Nguyễn.


>>Bị Lee Nguyễn át vía, Beckham nóng nảy cãi vã với đồng đội 
>>Lee Nguyễn sánh ngang với danh thủ Henry
>>B.Bình Dương thanh lý hợp đồng với Lee Nguyễn
 

Lee Nguyễn đã lập cú đúp, cộng với một đường chuyền quyết định giúp CLB New England Revolution hạ Vancouver Whitecaps tới 4 – 1 ở giải MLS cuối tuần qua. Vòng đấu mà đến siêu sao David Beckham cũng chỉ có thể ghi một bàn giúp LA Galaxy tránh khỏi thất bại.

Nhưng sau cảm giác tự hào đó sẽ là câu hỏi tại sao Lee Nguyễn lại không thể toả sáng khi chơi ở quê nhà, mà đương nhiên là giải vô địch Việt Nam không thể đem so sánh được với giải vô địch Mỹ, dẫu rằng MLS cũng chỉ được coi là nơi dưỡng già của các danh thủ châu Âu mà thôi.

 

Lee Nguyễn (trang phục đỏ) thi đấu cho Bình Dương trong mùa bóng 2011.


Thực ra, đây là vấn đề đã từng được cánh báo chí mổ xẻ chán chê, với rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải tại sao các cầu thủ Việt kiều không thể thể hiện được khả năng khi chơi bóng ở V-League, ngay cả với cầu thủ có đẳng cấp thực sự như Lee Nguyễn.

Sự hoà nhập, khả năng thích nghi, lối chơi chặt chém hay vấn đề sân bãi tồi (khi chứng kiến mặt sân Lạch Tray lổn nhổn gạch đá, cát bay mù mịt, một chuyên gia đã phải thốt lên tiqui-taca của Barca mà đá trên sân này thì cũng chịu chết) là những yếu tố được nói tới nhiều hơn cả. Những yếu tố đó tạo ra một nghịch lý nhưng hoàn toàn dễ hiểu, rằng đẳng cấp cao chưa chắc đã được phát huy ở một môi trường lạc hậu đồng thời thấp kém cả về trình độ lẫn tính tổ chức.

Nghịch lý ấy cũng giống như việc các ông huấn luyện viên ngoại tới Việt Nam với tư duy làm việc theo kiểu phương Tây, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, để có thể thích ứng với hoàn cảnh thực tế, tất cả đều bị (hay được) Việt hoá thậm chí đôi lúc còn hơn cả người bản xứ.

Do đó, nhiều người đã nói vui rằng, nếu có mời Jose Mourinho hay Pep Guardiola đến Việt Nam thì kết quả cũng chỉ đến thế mà thôi. Vì vậy, sau bao phen sử dụng thầy ngoại cũng không đem lại hiệu quả, chưa kể còn gây lãng phí, thì một “chân lý” giản đơn mà mọi người đều nghĩ tới là dùng béng thầy nội cho xong.

Nhưng do nghịch lý tồn tại quá nhiều mà đến việc đơn giản nhất là việc chọn một ông thầy nội mà mãi cũng chưa thấy làm xong. Thế nên, mới thấy thật may cho Lee Nguyễn khi sớm rời Việt Nam để quay về Mỹ làm lại từ đầu. Cho dù danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam đã bắt đầu được rộng mở cho cả những cầu thủ nhập tịch, thì nó cũng chẳng đáng gì so với những thành quả mà Lee Nguyễn đã hái được kể từ ngày tái hồi MLS.

 

Theo SGTT

Các tin cũ hơn