Trọng tài Võ Minh Trí bị cầu thủ Hải Phòng phản đối dữ dội.
|
Theo lời kể của trọng tài Từ Minh Đăng - "thủ phạm" chính khiến CĐV trên sân Cột Cờ nổi giận - tối hôm đó, một người lạ mặt trong cơn say đã cầm súng đến dọa tổ trọng tài. Tất cả sau đó bỏ cả giày dép mà chạy giữa trời giá rét.
Với cú sốc đầu tiên trong sự nghiệp cầm còi như thế, nên việc bị dọa giết trong những năm sau đó với Minh Trí cũng là chuyện không có gì ghê gớm. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở mức dọa, chứ chưa phải “đụng tay, đụng chân” như tai họa lần này. Những người có mặt nói, nếu các CĐV Hải Phòng có mang theo vũ khí, có lẽ còn xảy ra án mạng bởi khi đó các CĐV này gần như mất kiểm soát.
Cựu còi vàng Dương Văn Hiền khẳng định, không có trọng tài nào trên thế giới không mắc sai sót. Chuẩn mực cho các trọng tài phấn đấu là giảm mức độ sai sót xuống mức thấp nhất, chứ không phải không bao giờ sai.
Nhưng ở Việt Nam, các quyết định thiếu chính xác thường bị cho là có vấn đề về tư tưởng. Nghiệp trọng tài ở Việt Nam vốn rất bạc, chỉ một sai lầm nhỏ là bị các đội bóng phản ứng, nhẹ thì chỉ là chửi bới, nặng hơn là đuổi đánh, hành hung và cả dọa giết. Bởi thế trọng tài Võ Minh Trí không phải "tủi thân", có nhiều đồng nghiệp của ông cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Đàn anh của ông Trí là trọng tài Từ Minh Đăng từng bị cả đội Hàng Không Việt Nam vây đánh, đấm túi bụi vào mặt ngay trên sân bóng ở mùa giải 2003. Rất may với kinh nghiệm của mình, trọng tài Đăng đã né được không ít cú đánh của các cầu thủ trước khi chạy thoát.
Khi các trọng tài bỏ chạy, sự uy nghiêm của người cầm cân nảy mực cũng rơi mất. Nhưng đối phó những cái đầu bốc hỏa của các cầu thủ, chạy luôn là thượng sách. Có những trọng tài đã luyện ngón "chạy" đến trình độ rất cao.
Mùa giải 1996, trận chung kết Giải vô địch bóng đá quốc gia diễn ra trên sân Cao Lãnh giữa đội chủ nhà Đồng Tháp và đội Công an TP HCM vừa kết thúc, trung vệ Chu Văn Mùi và tiền đạo Lê Huỳnh Đức đuổi đánh trọng tài FIFA Tuấn Hùng.
Tuy nhiên các sao sân cỏ không sao đuổi kịp bởi tài chạy theo hình chữ chi của vua áo đen. Sau trận này, Chu Văn Mùi bị treo giò vĩnh viễn, còn Lê Huỳnh Đức bị cấm thi đấu 6 tháng.
Trong giới trọng tài, không ai là không phục tài chạy của trọng tài Trương Thế Toàn. Với khả năng chạy tốc độ của một VĐV điền kinh, trọng tài Toàn đã nhiều lần thoát các vụ hành hung của cầu thủ trên sân trong gang tấc.
Mùa giải 1999-2000, với những bước chạy nhanh và ngoằn nghèo, dù rất đông cầu thủ Vĩnh Long tham gia tấn công nhưng không một ai đuổi kịp trọng tài Toàn. Sau vụ việc cười ra nước mắt đó, trọng tài Toàn được phong danh hiệu “Vua nước rút”, còn đội Vĩnh Long bị xử phạt xuống hạng.
Những năm sau này, khi V-League lên chuyên nghiệp, hầu như mùa giải nào các trọng tài cũng bị dọa đánh, dọa giết, thậm chí bị cầu thủ lao vào bóp cổ ngay trên sân.
Về cảm giác khi bị dọa giết, cựu còi vàng Dương Văn Hiền nhớ lại: “Trận Thanh Hóa - Nghệ An năm 2007, tôi kiên quyết thổi phạt đền cho SLNA, dù lúc đó thủ môn Mạnh Hà của chủ nhà phải vào bệnh viện cấp cứu vì gãy chân. Khán giả phản ứng dữ dội và trận đó và họ đã đòi xử tôi ngay trên sân. Sau trận, tôi được công an Thanh Hóa áp tải mấy chục km ngay trong đêm”.
Ông Hiền nhận xét, cầu thủ bây giờ có thói quen là cứ lao vào phản ứng, dù chưa biết đúng sai như thế nào.
Tất nhiên, ở góc độ nào đó, trọng tài cũng có sai sót vì đều là con người cả. "Xem World Cup hay C1 trọng tài cũng sai nhiều. Không phải vì thế mà mình đổ lỗi cho các trọng tài, mà phải nhìn dưới góc độ khách quan. Trọng tài sai thì đã có cơ quan hữu trách xử lý. Còn ở trên sân, các đội phải chấp nhận luật", ông Hiền nói.