Họ đang giết bóng đá

Thứ ba, 15/05/2012, 16:57
Bóng đá là một trò chơi, ai cũng có thể nói như thế, khi tỉnh táo. Chúng tôi tin không ai ngồi trên chiếc xe chở thành viên BTC, trọng tài từ Cao Lãnh về đêm chủ nhật vừa qua lại có đủ sức tưởng tượng là họ bị tấn công trên đường, cách sân bóng đến hơn 100 cây số và đã 4 tiếng đồng hồ sau trận đấu.

>>CĐV Hải Phòng tiếc vì không đánh... nặng hơn
>>Cổ động viên Hải Phòng đón lõng hành hung trọng tài
>>V-League 2012: Vua cũng phải... đánh!


Đây không phải là lần đầu trọng tài bị tấn công, kể cả tấn công bên ngoài sân bóng nhưng đây là lần đầu tiên sự tức giận và thù địch lên đến đỉnh điểm. Hành động tấn công hôm chủ nhật vừa qua vừa mang tính côn đồ, vừa là đỉnh điểm của bạo lực sân cỏ. Nó vượt qua những giới hạn thường thấy.

Trước đây, vẫn có chuyện các nhóm CĐV địa phương này chờ CĐV địa phương kia qua địa phận tỉnh mình mà tấn công. Tuy nhiên, đấy vẫn được xếp vào hành vi “xã hội” nhiều hơn là chuyện bóng đá. Đằng này, những người lãnh đòn lại là trọng tài và bối cảnh là bên ngoài xã hội. Chúng ta có thể tưởng tượng đến chuyện nếu sự thù địch lên cao hơn nữa, biết đâu ngay cả đời sống bình thường của trọng tài cũng bị can thiệp thô bạo theo cách côn đồ.

Tất nhiên, không thể cứ ngồi mà tưởng tượng như vậy bởi cũng chẳng biết cao trào của sự “điên loạn” ấy dừng ở đâu. Cái mà những người làm bóng đá có thể phải tập trung giải quyết ngay đó là: tại sao bóng đá lại đem đến sự thù địch lớn đến vậy?
 

Những hình ảnh như thế này đang “châm dầu” cho sự hủy hoại bóng đá. Ảnh: L.Vinh


Chính một thành viên trong chuyến xe bão táp ấy đã giải thích: “Người ta điên rồ như vậy đôi khi xuất phát từ việc không nắm rõ luật. Họ cho rằng trọng tài cố tình thổi sai. Trong cơn tức giận, họ không kiềm chế được bản thân. Tuy nhiên, vấn đề là ngay HLV Lê Thụy Hải và các cầu thủ Hải Phòng biết rõ luật mà còn có hành vi không đúng. Sự phản ứng thái quá của họ là đổ thêm dầu vào lửa chứ còn gì nữa”.

Đúng là như vậy. Những cảnh báo từ giới truyền thông bấy lâu nay đã nhắc nhớ những người làm bóng đá về khả năng xảy ra các rắc rối sẽ vượt ngoài các qui chuẩn về bóng đá. Nó xuất phát từ những hành xử trái luật đang diễn ra ngày một nhiều hơn trên sân cỏ.

Ở một cuộc chơi có luật lệ rõ ràng mà chính người tham gia còn muốn phá bỏ thì làm sao có thể kiểm soát được đám đông trên khán đài luôn ẩn chứa nhiều loại cảm xúc khác nhau. Người ta không thể quậy phá trên khán đài thì chắc chắn sẽ tìm cách xả cơn tức bên ngoài sân bóng. Vụ trung vệ Chí Công của Bình Dương bị chém ngoài đường phố là lời cảnh báo. Vụ việc vừa qua từ sân Cao Lãnh chỉ là “điều gì đến, phải đến”.

Nhưng cái cực kỳ nguy hiểm ở đây là người ta đang mượn bóng đá để làm chuyện xằng bậy. Họ đang giết bóng đá, cái đó thì rất rõ. Thế nhưng, chính những người đang “bị giết” cũng phải nhìn lại mình. Chính người làm bóng đá đang “châm dầu” cho chính những thứ sẽ hủy hoại niềm vui mà trái bóng có thể đem lại cho cuộc sống.

 

Theo SGGP

Các tin cũ hơn