Báo động việc V-League vắng khán giả: Vì đâu nên nỗi?

Thứ sáu, 09/03/2012, 09:03
V-League tính đến nay đã thấm thoắt đi qua 12 mùa trăng. Mỗi mùa giải trôi qua, V-League lại chứng kiến biết bao đổi thay từ công tác tổ chức của BTC, chất lượng giải đấu ngày một tăng, cầu thủ thi đấu ngày càng hay, cống hiến nhiều bàn thắng đẹp. Đây là một tín hiệu đáng mừng với bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, có một nghịch lý đi ngược lại với sự phát triển, đó là việc các khán đài ngày càng vắng bóng khán giả.


Nghẹn ngào quá khứ

Quay về quá khứ khoảng hơn một thập kỷ, mỗi khi giải VĐQG khởi tranh là người hâm mộ ùn ùn kéo đến sân theo dõi đội bóng mình thi đấu. Với họ, sự khao khát được xem bóng đá, được cổ vũ cho đội bóng của mình là một niềm vui, niềm tự hào cháy bỏng. Những cái tên như: Thể Công, Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Công An TP.HCM, Đường Sắt Việt Nam, SLNA hay Đồng Tháp dường như đã ăn sâu trong ký ức của họ.

Mỗi buổi chiều cuối tuần, khán đài các sân cỏ nơi những đội bóng này thi đấu đều nêm chật cứng, một vài sân do số lượng ghế ngồi có hạn, khán giả buộc phải leo lên cây và các tòa nhà xung quanh theo dõi trận đấu. Có thể nói, thời điểm đó đi xem bóng đá chẳng khác nào đi trẩy hội.

Theo thời gian do nhiều biến cố, có những đội bóng dần dần chuyển đổi thương hiệu và bị bán cho một địa phương khác hay thậm chí đã bị xóa sổ khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam. Âu cũng là lẽ thường trong dòng chảy của cuộc sống. Nhưng có một điều đáng ghi nhận là hình ảnh đội bóng vẫn còn đọng lại trong tâm trí người hâm mộ. Những cái tên như: Thể Công, Cảng Sài Gòn luôn là niềm tự hòa của bóng đá hai miền Nam-Bắc.

 

Cảnh khán đài trống vắng khiến nhiều CLB ở hạng Nhất và V-League lo lắng


Sau hơn chục năm, bóng đá Việt Nam thay đổi nên một diện mạo mới nhưng việc không thể kéo khán giả đến sân là một nỗi buồn với bất kỳ người làm bóng đá nào. 14 đội tham dự V-League chỉ khoảng 3-4 cái tên là giữ được bản sắc địa phương. Đó là Hải Phòng. Đồng Tháp và SLNA, lượng khán giả đến sân xấp xỉ một trận cũng trên 10 ngàn người. Đây là điều đáng ghi nhận với người làm bóng đá nơi đây.

Nhưng đó là quá ít so với phần còn lại của V-League. Một nghịch lý đang diễn ra ở hai trung tâm kinh tế lớn nhất nước : Hà Nội và TP.HCM là số khán giả đến sân theo dõi các trận V-League ngày càng giảm. Nguyên nhân không khó để hiểu, khán giả đến sân chẳng biết cổ vũ để làm gì bởi cổ vũ cho ai cũng thế. Đơn cử như hai CLB đang đóng trên địa bàn TP.HCM là: Sài Gòn FC và Navibank Sài Gòn đều là những đội bóng mới nhập hộ khẩu vào thành phố, rồi việc thi đấu nhạt nhòa thì làm sao lấy lòng được khán giả.

Ai cũng hiểu “miếng bánh” kinh tế thu hút họ du nhập vào đây nhưng họ đến được thì cũng có thể đi được. Bởi thế, việc khán đài sân Thống Nhất ngày càng heo hút là điều dễ hiểu. Bản sắc Sài Gòn âu cũng chỉ còn CLB TP.HCM nhưng đội bóng này thi đấu lại èo uột và có nguy cơ phải tan rã.

Ở Hà Nội cũng thế, việc chuyển giao hay thay tên đổi họ liên tục của các đội bóng khiến khán giả mờ cả mắt, rồi những vấn đề bạo lực sân cỏ cũng như vấn nạn trọng tài cũng khiến khán giả nản lòng tới sân cổ vũ. Ngay cả Hà Nội T&T của bầu Hiển thi đấu rất hay và đẹp mắt nhưng ông bầu này vẫn luôn đi tìm lời giải cho sân Hàng Đẫy là khán giả ở đâu? Và làm cách nào kéo họ đến sân?
 
Điểm tựa tinh thần

Với mỗi đội bóng ngoài tham vọng chinh phục các danh hiệu vô địch, mục tiêu lớn nhất của họ là làm sao kéo khán giả đến sân, bởi đây là liều doping giúp họ thi đấu thăng hoa. Đá bóng mà không có ai xem thì đá làm gì? Đó là lời tâm sự của hầu hết những người làm bóng đá.

Một vài đội bóng như CS-Đồng Tháp hay V-Hải Phòng mặc dù chưa tạo được thành tích tốt nhưng mỗi khi đội nhà thi đấu họ lại nhận được một sự động viên và cổ vũ to lớn từ 4 phía khán đài. Và chính người hâm mộ là người bạn đường tin cậy để họ dựa dẫm mỗi khi đội đang trong tình cảnh khó khăn. Đội bóng xứ bưng biền có lẽ hiểu được dư vị ngọt ngào này nhất. Suốt mấy mùa bóng qua, CS-Đồng Tháp luôn bị đánh giá là ứng viên cho suất xuống hạng, điều này chỉ đúng khi CS-Đồng Tháp thi đấu trên sân khách nhưng khi về ngôi nhà Cao Lãnh, đội bóng  luôn biết dựa vào “cầu thủ thứ 12” để lấy trọn 3 điểm và rồi giành những thành tích ấn tượng.

Hay như đội bóng xứ Nghệ, chức vô địch V-League mùa vừa qua có sự đóng góp tinh thần rất lớn từ người hâm mộ nơi đây. Suốt dọc chiều dài đất nước, đi đâu SLNA cũng được khán giả của mình đi theo cổ vũ. Với khẩu hiệu: “ Chảo lửa sông Lam, giữa lòng…”.( Dấu 3 chấm là địa phương mỗi khi SLNA đến thi đấu.), khán giả Nghệ An như tiếp thêm sức mạnh cho SLNA suốt chặng đường dài V-League.

Bất cứ ông bầu hay lãnh đạo đội bóng nào cũng thấu hiểu điều nay nhưng làm được không phải dễ. Đã có những cách làm tìm hướng ra để kéo khán giả đến sân như: bốc thăm trúng thưởng ở sân Thống Nhất mỗi khi Navibank Sài Gòn thi đấu hay mở cửa tự do, cũng như cách làm khá độc của Sài Gòn FC mùa này khi mời ca sĩ và người mẫu đến sân nhằm thu hút khán giả nhưng xem ra vẫn chưa đem lại hiệu quả là bao. Việc làm nhất thời chỉ mang tính “chữa cháy” chứ về lâu về dài xem ra không hiệu quả.

Sự trống vắng trên các khán đài của Hà Nội T&T, Navibank Sài Gòn, CLB Hà Nội sẽ còn kéo dài như một điệp khúc bất tận. Người hâm mộ chỉ có thề gắn bó với các CLB một khi họ nhen nhóm trong lòng tình yêu và sự chờ đợi. Bằng không, chuỗi ngày u ám mang tên “khán đài” sẽ không có điểm dừng.

 

Minh Phước (TH)

Các tin cũ hơn