Môn leo tường (Climbing Wall) bắt nguồn tại Vương quốc Anh vào năm 1964. Hiện tại nó phát triển mạnh tại Singapore và Indonesia và được nước chủ nhà SEA Games 26 đưa vào chương trình thi đấu chính thức như một cái “mỏ” huy chương. Đội đang tập luyện ráo riết tại Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng từ đầu tháng 6-2011 đến nay dưới sự hướng dẫn của ông Kenneth Bruce Fudge (Giám đốc CLB leo núi Xrock Climbing). Ba chàng trai của đội từng chinh phục thành công đỉnh Everest là Phan Thanh Nhiên, Nguyễn Mậu Linh và Bùi Văn Ngợi, cùng ba thành viên còn lại là Lê Thanh Dũng, Lê Trọng Khôi và Phan Thanh Luân sẽ đại diện Việt Nam thi đấu cùng 4 đội tuyển các nước trong khu vực Đông Nam Á. Chỉ tiêu đặt ra cho đội là lọt vào tốp 4 nhưng theo đánh giá của các thành viên trong đoàn thì khả năng giành được huy chương là có thể xảy ra. Dù mới du nhập môn thể thao này vào TPHCM nhưng các VĐV của ta học hỏi kỹ thuật rất nhanh, cũng như trong đội hình có các thành viên từng trải qua những tháng ngày gian khổ khi chinh phục đỉnh Everest. Cái khó nhất hiện nay là phía chủ nhà đang rất khao khát đoạt huy chương vàng, nên có phần chơi xấu các đội khác, khi họ không đưa ra một loại tường nhất định, mà thông báo có đến 30 mẫu tường sẽ được đưa vào thi đấu. Trong khi nước chủ nhà đương nhiên biết trước mẫu tường sẽ thi đấu và họ đã tập luyện mấy tháng qua. Tại CLB leo núi Xrock Climbing của chuyên gia Kenneth Bruce Fudge, các bức tường hiện tại có chiều cao 16m, phù hợp với các nội dung speed track, speed record, speed track relay ở SEA Games 26. Dù vậy, các tay vịn và gờ đỡ tại đây không cùng kích cỡ với tường leo tại SEA Games 26. Đó cũng là cái khó mà các “người nhện” Việt Nam phải vượt qua. (Theo SGGP)
6 chàng trai đại diện TPHCM và Việt Nam tham gia SEA Games 26 với môn thể thao mới là leo tường (ảnh minh họa)
Đội tuyển leo tường Việt Nam với thành phần chủ lực là các VĐV TPHCM tham gia đoàn thể thao Việt Nam bằng kinh phí xã hội hóa, mà theo tính toán, là khoảng 18.000 USD. Kênh truyền hình Let’s Viet VTC9 tài trợ toàn bộ số tiền này. Đó là lý do các “người nhện” Việt Nam sẽ có mặt tại cuộc tranh tài lần đầu tiên trong lịch sử.
Một khó khăn khác là độ chuẩn của các loại tường đưa vào thi đấu. Theo VĐV Lê Thanh Dũng, khó khăn lớn nhất của đội là không tiếp cận được các bài tập thể lực, bài tập bổ trợ đặc thù dành cho môn leo tường. Mọi thông tin liên quan của môn thể thao này là do các thành viên lên mạng tải về để tham khảo.
Được biết, cùng tham gia trong đội tuyển còn có hai cán bộ Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng, cái nôi khởi phát môn leo tường tại Việt Nam là Nguyễn Thanh Nghị trong vai trò HLV trưởng và Lê Bá Phúc là HLV phó kiêm phiên dịch. Họ cũng là những người ngày đêm sưu tầm, tìm kiếm tài liệu hỗ trợ thêm cho các vận động viên trong giai đoạn tập luyện nước rút.
Lê Trung