Sự vượt trội về catwalk của cô khiến nhiều thí sinh (TS) khác không thích, thậm chí Helena (Hồng Kông) còn cho là điều đó không công bằng, bởi Thùy Trang đã có nhiều kinh nghiệm về trình diễn còn các TS khác thì không.
Vượt trội là thế, nhưng đã có không ít thông tin về thời điểm dừng chân của Thùy Trang được lan truyền trên các diễn đàn mạng. Thực tế, những thông tin rò rỉ về kết quả là điều không lạ đối với một chương trình mang tính thi thố. Điều đó cũng cho thấy một sự khắc nghiệt ở các chương trình truyền hình thực tế (CT THTT).
Không phải ngẫu nhiên mà trước khi tham gia một CT THTT, TS phải ký một bản cam kết với ban tổ chức (BTC) với nhiều điều khoản ràng buộc liên quan đến bảo mật thông tin.
“Không chỉ ràng buộc với TS, mà sự ràng buộc này còn dành cho tất cả thành viên thuộc ê kíp sản xuất CT, nhằm đảm bảo nguyên vẹn cảm xúc cho khán giả, nhất là với những tập ghi hình trước, phát sóng sau.
Một khi đã biết trước, khán giả sẽ không còn cảm xúc tươi mới, mất đi sự hồi hộp, bất ngờ, không còn đón đợi để xem nữa”, bà Huyền Thương - Giám đốc truyền thông BHD, đơn vị sản xuất các CT THTT như Vietnam Idol, Vietnam’s Got Talent… cho biết. Dĩ nhiên, trong sự ràng buộc nhau đó, phần lợi luôn thuộc về BTC, nếu có chuyện không ổn xảy ra, TS là người... lãnh đủ.
Theo format của Next Top Model, các TS sau khi vào ngôi nhà chung, dù sau đó có bị loại hay không cũng sẽ bị “cách ly” hoàn toàn, BTC sẽ bố trí một căn nhà khác để TS bị loại ở cho đến khi CT phát sóng xong. Vì kinh phí, Asia’s Next Top Model không thực hiện điều này, nên phải đối mặt với nguy cơ bị lộ.
Tại The Voice hay Idol, sự hạn chế liên lạc để đảm bảo bí mật thông tin cũng được đặt lên hàng đầu. Không phải ngẫu nhiên mà tại American’s Next Top Model, BTC thậm chí còn phải mời chuyên gia tâm lý đến giúp đỡ các TS đã bị loại nhưng không được về nhà. Sự ức chế tâm lý từ việc bị giới hạn liên lạc không phải là điều dễ vượt qua.
Trong khi đó, có rất nhiều sự việc, TS gần như bị “lột trần” trên các phương tiện thông tin, từ những khiếm khuyết nhỏ, những ích kỷ cá nhân, những ganh đua, những tiểu xảo… Tất cả đều được xây dựng thành những câu chuyện để “làm quà” cho khán giả.
Dĩ nhiên, không có phương án bảo mật nào tuyệt đối, khi có quá nhiều cá nhân nắm giữ bí mật. Trong lịch sử CT American’s Next Top Model, một TS sau khi tiết lộ một phần kết quả, đã khiến BTC phải ghi hình lại từ tập bị lộ và loại luôn TS này từ tập đó. CT X-Factor tại Anh từng phạt một TS 8.000 bảng và cấm dự thi trong vòng ba năm vì tiết lộ danh sách 24 TS vào vòng trong…
Trong ba mùa giải, Vietnam’s Next Top Model cũng không ít lần đối mặt với những thông tin bị lộ về kết quả, đỉnh điểm là việc khán giả đã biết: Thùy Dương, Hoàng Oanh và Phương Nghi bị loại trước khi kết quả này được phát sóng. Trước khi việc chuyển giới của Hương Giang Vietnam Idol 2012 được thừa nhận, thông tin này cũng đã được bàn tán trên các diễn đàn mạng…
Có thể thấy rất rõ, chưa có hình thức xử lý nghiêm khắc nào dành cho những trường hợp làm lộ thông tin, dù từng có vụ “dọa kiện” bồi thường 15 tỷ đồng như tại Vietnam’s Next Top Model. Không ai có thể kiểm chứng đâu là thiệt thòi của nhà sản xuất nếu việc bảo mật thông tin thất bại. Ranh giới giữa cái được trong PR và cái mất chỉ có nhà sản xuất nắm rõ. Và đương nhiên, nếu có xử phạt, đối tượng vẫn sẽ là TS.
Dự kiến, sóng truyền hình Việt Nam năm 2013 sẽ chứng kiến cuộc “đổ bộ” của nhiều CT THTT nổi tiếng khác như The Voice Kids, X-Factor… Mỗi CT sẽ có một kiểu “nắm cán” khác nhau, các TS không thể không cẩn trọng.
Theo PNO