Lý do được đưa ra cho việc kéo dài thời hạn là vì Bộ VH-TT-DL không chọn được ai trong những ứng viên hiện tại, dù đã từng tiến hành bỏ phiếu. Tuy nhiên, đây là lý do kém thuyết phục nhất, bởi ở nhiệm kỳ 2012 - 2013, chỉ duy nhất một bộ hồ sơ ứng cử của Lý Nhã Kỳ và cô cứ thế mà được chọn, không phải thông qua một cuộc bỏ phiếu nào.
Khi có nhiều hồ sơ ứng cử hơn, lý ra sự lựa chọn phải dễ dàng hơn, nhưng dường như sự dễ dàng đó đã chấm dứt kể từ lúc Lý Nhã Kỳ xin rút trong nhiệm kỳ tiếp theo này.
Điều này được ông Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL), phần nào thừa nhận: “Chọn được rồi đó chứ, nhưng người ta xin rút. Còn những cô kia thì báo chí có chịu đâu, có bỏ phiếu cho đâu”.
Phương án chọn ĐSDL cho những vùng miền trọng điểm cũng được Bộ nhắc đến và sẽ tùy theo số lượng và chất lượng của hồ sơ ứng cử để quyết định có hay không vào tháng 10/2013.Tuy nhiên, ĐSDL sẽ hoạt động theo cơ chế, kinh phí nào, được giám sát ra sao thì lại chưa có phương án.
Theo ông Nguyễn Văn Tình, ở nhiệm kỳ của Lý Nhã Kỳ, khi nào Bộ có hoạt động về du lịch thì mời cô tham gia và cô được hưởng chế độ như công chức bình thường của Bộ trong những hoạt động ấy.Ngoài ra, Lý Nhã Kỳ còn tự bỏ tiền túi, tận dụng các mối quan hệ của mình để thực hiện thêm nhiều hoạt động khác.
Song thực tế, ở nhiệm kỳ đầu tiên, chỉ khi Lý Nhã Kỳ được chọn để có mặt trong những hoạt động về du lịch của Bộ thì danh xưng ĐSDL mới được nghĩ đến và quy chế chọn người cũng như đường hướng hoạt động mới được soạn thảo, để hợp thức hóa “chức danh” này và hợp thức hóa sự có mặt của cô trong các đoàn công tác.
Và, những hoạt động quảng bá cho Vịnh Hạ Long, vận động đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18, chương trình quảng bá xúc tiến du lịch và đầu tư Việt Nam tại Hồng Kông mang tên “Vẻ đẹp bất tận”… đều là các hoạt động của Bộ và cô được mời góp mặt.
Những gương mặt ứng cử ĐSDL nhiệm kỳ 2013 - 2014: Diễm Hân, Châu Mộng Như, Đỗ Hồng Thuận, Lan Phương |
Gần như, khái niệm ĐSDL chỉ có ở một vài nước trong khu vực, nhưng có ở một nghĩa khác, như Nhật Bản chọn biểu tượng mèo Hello Kitty là ĐSDL của Nhật, hoặc chọn đại sứ danh dự ở nước ngoài như Hàn Quốc từng chọn ca sĩ Mỹ Linh…
Thực tế, việc chọn một ĐSDL không hề sai nếu xây dựng được chương trình hành động thiết thực, hiệu quả về du lịch gắn với đại sứ đó. Tiếc rằng, đó là điều mà Bộ vẫn chưa và không cho thấy là sẽ làm được.Những hoạt động của Lý Nhã Kỳ ở vai trò ĐSDL trong thời gian qua gần như chỉ quảng bá cho riêng cô là chính.
Khi chưa làm được điều đó, dự định “nhân rộng” ĐSDL càng cho thấy một cách làm vô bổ đối với ngành du lịch, thậm chí còn bị lạm dụng để quảng bá cho cá nhân.
Dựa trên tất cả những gì Bộ đã làm, có thể nói, khái niệm về ĐSDL hiện tại thật ra chỉ là một danh xưng mang tính tượng trưng, không phải là danh hiệu, càng không phải là một vai trò quan trọng việc phát triển du lịch nước nhà.
“Thật ngớ ngẩn nếu ai đó ảo tưởng rằng có được một nữ ĐSDL xinh đẹp thì sẽ cải thiện được ngành du lịch Việt Nam”, ông Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam nhận định.
Thực tế, điều đó ít nhiều đã được Bộ VH-TT-DL khẳng định, khi được hỏi về việc bỏ trống “chức danh” ĐSDL trong năm 2013. “Có hay không trong năm nay không cấp thiết lắm. Bao nhiêu năm trước Việt Nam cũng có ĐSDL đâu”, ông Nguyễn Văn Tình nói.
Chỉ đáng tiếc, một nhân vật mang tầm có hay không cũng được lại gây tốn kém quá nhiều giấy mực, lãng phí không ít thời gian lẫn tiền của.
Theo PhunuOnline