Lý Nhã Kỳ |
Mau mau hốt bạc cho thật nhiều từ ngành công nghiệp không khói. Đây không phải chuyện đùa. Đây là chuyện thật, sắp thành thực tế nay mai. Không tin, cứ hỏi Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch thì biết.
Sau một năm thử nghiệm vai trò đại sứ du lịch với cô Lý Nhã Kỳ xinh đẹp, bộ tuyên bố năm 2013 tạm để trống chức danh này vì có nhiều người đăng ký dự tuyển, chờ năm sau, năm tới đại sứ du lịch Việt Nam sẽ lại tung cánh tới các phương trời xa, mà không chỉ một, sẽ có nhiều đại sứ du lịch. Phấn khởi, phấn khởi quá.
Vui mừng, vui mừng lắm. Rồi đây ra nước ngoài người Việt Nam sẽ nở mày nở mặt khi có khách du lịch biết đến Hạ Long nhờ đại sứ du lịch biển đảo, biết đến Tam Cốc - Bích Động nhờ đại sứ du lịch núi non, biết đến làng tranh Đông Hồ nhờ đại sứ du lịch làng nghề truyền thống...
Ôi, ta sẽ phủ kín các kênh truyền thông quảng bá du lịch bằng đủ các thông tin chuyên sâu cụ tỉ (cụ thể + tỉ mỉ) do các đại sứ du lịch từng lĩnh vực mang đến. Nhất Việt Nam, điểm đến của thiên niên kỷ, vẻ đẹp tiềm ẩn.
Ý tưởng về nhiều đại sứ du lịch còn có ý nghĩa trọng đại ở chỗ nó cứu giúp đàn ông Việt khỏi mất giá so với đàn bà Việt. Nhiều đại sứ nên cần tuyển nhiều người, do đó nữ tú thiếu thì đã có nam thanh. Gì chứ khoản nam nước ta không thiếu. Chẳng qua là do không hiểu vì sao người ta cứ mặc định đại sứ du lịch phải là nữ, nữ đẹp, dù quy chế của bộ không quy định phái tính trong chuyện này, cũng không đòi hỏi phải là hoa hậu, người mẫu.
Chỉ cần đủ tiêu chuẩn thì nam hay nữ, người Việt hay người nước ngoài đều có thể được chọn làm đại sứ du lịch Việt Nam. Một quý ông lịch lãm, một chàng trai linh lợi đều có thể thu hút khách nước ngoài đến Việt Nam bằng tầm văn hóa của mình. Đâu cứ phải đưa gái đẹp trình diễn mới là hơn, tôi nói điều này xin lỗi cô Lý Nhã Kỳ và nhiều người đẹp khác đang ấp ủ mộng đại sứ du lịch.
Trong việc này, mà đâu chỉ việc này khi quảng bá hình ảnh đất nước ra nước ngoài, nữ giới là tốt, và nam giới cũng tốt. Ờ, mà lạ nhỉ, không thấy bóng dáng đàn ông nào dám thử mình vào vị trí này, cứ mặc nhiên coi đại sứ du lịch là phải nữ. Đó cũng lại là một cái lệch của tư duy người Việt ta.
Tôi ủng hộ nhiều đại sứ du lịch, nhưng không phải ra nước ngoài mà ở trong nước. Mỗi người dân phải là một đại sứ du lịch ngay trên đất nước mình, quê hương mình. Mỗi người dân phải có ý thức tự hào và chăm sóc, bảo vệ phát triển các di tích thắng cảnh, các lễ tục truyền thống, các giá trị văn hóa của làng xóm, dân tộc mình để biết cách làm du lịch đúng đắn, hấp dẫn du khách.
Mỗi người dân phải có thái độ văn hóa tử tế đối với du khách, thu hút họ bằng nụ cười cởi mở, bằng sự tận tình hiếu khách, bằng những cách chào mời thú vị, hấp dẫn. Không làm được thế, có bao nhiêu đại sứ du lịch cũng bằng không.
Cứ như hiện nay, theo Tổng cục Du lịch, hơn 85% du khách nước ngoài sau khi đến Việt Nam đều không muốn quay lại vì khiếp hãi cảnh nhếch nhác, luộm thuộm, “chặt chém” ở các điểm du lịch thì thật là đáng thương cho các đại sứ du lịch khi họ phải đi đến nước người nói ra những lời quảng bá, giới thiệu hay ho, đẹp đẽ về phong cảnh đất nước, con người nước mình.
“Trăm nghe không bằng một thấy”, câu tục ngữ này nhắc ta hãy tự làm đại sứ cho mình trước đã trong chuyện du lịch.
Theo Tuổi Trẻ