Cặp đôi Mỹ Lệ và Khương Ngọc trong cuộc thi Cặp đôi hoàn hảo - Ảnh: T.T.D. |
“Vét đĩa” thí sinh
Sự buồn chán ở những mùa sau trước hết có lý do thuộc về một thành phần quan trọng nhất của các cuộc thi: thí sinh. Cuộc thi tài nào cũng cần có nhiều thí sinh giỏi nhưng nhân tài thường vốn hiếm hoi lại thi thố dồn dập nên việc các mùa sau phải “vét đĩa” thí sinh là tất yếu.
Không chỉ vậy, vì truyền hình thực tế có khá nhiều cuộc thi liên quan đến ca hát nên việc khan hiếm thí sinh giỏi trở thành “khủng hoảng thiếu” thí sinh dự thi. Có những thí sinh chạy từ cuộc thi này sang cuộc thi khác làm khán giả “nhẵn mặt”.
Những chương trình có thí sinh chưa nổi tiếng đã vậy, những cuộc thi đòi hỏi thí sinh là người nổi tiếng càng “bi kịch” hơn. Cặp đôi hoàn hảo và Bước nhảy hoàn vũ là hai ví dụ rõ ràng nhất cho “bi kịch khan hiếm người nổi tiếng chịu đi thi thố”.
Diễn viên Kim Oanh, ca sĩ Thái Trinh, MC Phan Anh, ca sĩ Quang Hào vừa rời cuộc thi Cặp đôi hoàn hảo không hẳn vì họ kém tài hơn mà có một phần vì kém sức hút với công chúng.
Thử so sánh với những thí sinh “ngôi sao” mùa đầu tiên như Đàm Vĩnh Hưng, Kim Thư, Cù Trọng Xoay, Văn Mai Hương, Phạm Văn Mách, Phương Linh, Nguyễn Ngọc Anh... sẽ dễ nhận thấy những gương mặt thí sinh nổi tiếng năm nay có kém hơn về độ ăn khách. Bước nhảy hoàn vũ mùa thứ tư cũng đứng trước khó khăn trong việc tìm kiếm thí sinh nổi tiếng chịu dự thi.
Còn với những chương trình tìm kiếm tài năng như Vietnam Got Talent cũng không dễ dàng gì tìm được nhiều tài năng độc đáo, mới lạ trong khoảng thời gian ngắn ngủi để xoay vòng chương trình hằng năm như hiện nay.
Thêm vào đó, vì thiếu những thí sinh độc đáo, đặc biệt, có hoàn cảnh khác thường hoặc những câu chuyện cảm động từ họ (kiểu như cô bé xương thủy tinh hay cô gái hát nhạc kịch năm ngoái) nên khó tránh khỏi khán giả cứ thấy Vietnam Got Talent mùa này nhạt nhạt thế nào.
Cạn kiệt giám khảo
Chuyện giám khảo của truyền hình thực tế cũng làm đau đầu cả nhà tổ chức lẫn khán giả. Với những cuộc thi có chuyên môn nhảy múa/khiêu vũ như Bước nhảy hoàn vũ, So you think you can dance... thì việc cần có tối thiểu một giám khảo là người có bằng cấp chuyên môn lẫn một chút danh tiếng với đại chúng khán giả (chứ không chỉ giới chuyên môn biết) cũng gây ra chút mệt mỏi vì cứ quẩn quanh với Khánh Thi, Trần Ly Ly, Chí Anh chạy vòng vòng làm giám khảo.
Với các cuộc thi dính đến chuyên môn ca hát, các giám khảo truyền hình thực tế cũng không được thoải mái dù có “chuyên môn”. Nhạc sĩ Quốc Trung, ca sĩ Mỹ Tâm với Vietnam Idol là những ví dụ. Buột miệng nói điều gì đó khác lạ là dễ dàng bị “hứng đá” dư luận ngay. Với những cuộc thi được truyền hình trực tiếp hằng tuần theo kiểu marathon thì việc lúc nào cũng nói được những lời hay ho và không có sơ sẩy gì về chuyên môn là một thách thức khó vượt qua.
Trong khi giám khảo “có chuyên môn” hiếm thì giám khảo “phụ trợ” cũng là một nguyên nhân ít nhiều gây buồn chán cho những mùa sau của truyền hình thực tế vì cũng quá hiếm người chịu và “dám” ngồi ghế nóng để hứng búa rìu dư luận vốn rất dễ giáng xuống.
Đạo diễn Lê Hoàng thứ bảy ngồi ghế giám khảo Bước nhảy hoàn vũ, bữa sau vào vị trí tương tự trong Cặp đôi hoàn hảo, liên tục như thế thì dù hoạt ngôn cách gì anh cũng khó có thể tuần nào cũng “phun châu nhả ngọc” được như những gì đã làm nên thương hiệu của vị đạo diễn thông minh, tinh quái.
Tất nhiên cũng còn có nhiều lý do nữa để truyền hình thực tế những mùa sau nhạt dần: khán giả không còn bất ngờ với chương trình như lần đầu, hình thức thể hiện không có gì mới lạ, không có những xì-căng-đan từ trên trời rơi xuống hoặc xì-căng-đan cố ý tạo dựng...
Tìm được “thuốc chữa nhạt” giữa mớ bòng bong những cuộc chơi đua nhau nở rộ quả là một bài toán khó giải lúc này.
Những mũi tên phản chủ Ngoài độ hấp dẫn cần thiết của một phiên bản hay cộng với người tham gia chất lượng (có lúc đo bằng độ nổi tiếng của nghệ sĩ), thì sử dụng “chiêu” cũng đóng góp một phần hiệu ứng cho tên tuổi cả người tham gia lẫn nhà tổ chức. Tuy nhiên dàn dựng “chiêu trò” cho những lần biểu diễn khác nhau đòi hỏi người sử dụng chiêu phải thật sự có tài năng và linh hoạt, đôi khi nếu sử dụng chiêu bài cũ không thành công cũng có thể trở thành mũi tên phản chủ. Khi Cặp đôi hoàn hảo mùa thứ hai đang diễn ra, Nathan Lee và Ngọc Oanh thể hiện Lại gần hôn anh đã “mượn” lại nụ hôn ngọt ngào và lãng mạn từng gây nhiều hiệu ứng trái ngược của cặp đôi song Ngọc (Ngọc Anh và Quách Ngọc Ngoan) ở mùa trước, nhưng thật sự họ đã thất bại. Bởi phần trình diễn thiếu sự tinh tế chưa đủ sức dẫn dụ cao trào cảm xúc với chiêu bài không còn mới. Vô tình hay hữu ý họ bị đem ra so sánh mà nắm chắc phần bất lợi, như là một vở tuồng cũ được soạn lại không hoàn hảo. Và không biết là vô tình hay có dàn dựng của nhà tổ chức khi (mùa thứ hai 2011) Đại Nghĩa, Phương Thanh thấp thoáng hình ảnh của Minh Béo và Siu Black (mùa đầu tiên 2010) ở sự hài hước và khá được ưu ái với màn trình diễn chưa xuất sắc ở Bước nhảy hoàn vũ. Huyền Trang của Vietnam Next Top Model chiến thắng với hình tượng “vịt hóa thiên nga” tạo hiệu ứng tốt ở tính nhân văn mà chương trình đem lại thì với Lê Thúy mùa thứ hai hay quán quân mùa thứ ba Mai Giang lại là sự lạm dụng không cần thiết và dễ bị bắt bài khi kết quả dễ đoán mà chưa đến hồi kết. Truyền hình thực tế ngoài sự đặc biệt của người chơi, những tiết mục dàn dựng công phu, thì những màn tranh luận về điểm số, hay việc thí sinh bất mãn với giám khảo cũng là một gia vị để gây dư luận. Với hình ảnh khó tính một cách có chủ ý về cách cho điểm kèm sự “chua ngoa” vốn có ở Cặp đôi hoàn hảo, ở mùa trước Lê Hoàng gây phản ứng dữ dội, nhưng sau đó lại rất thuyết phục với cách cho điểm có phần cứng rắn so với sự quá hào phóng điểm 10 của các giám khảo khác, vô tình Lê Hoàng ăn điểm. Ở mùa mới này “bài” đó đang lặp lại nhưng không còn gây dư luận nhiều nữa. Màn phản ứng có phần hài hước của Đàm Vĩnh Hưng khi không hài lòng với ban giám khảo về điểm số, hay Minh Quân bức xúc với giám khảo Lê Hoàng cũng gây khá nhiều sóng gió với dư luận tò mò. Thì nay, sự chặt chém lẫn nhau giữa Mỹ Lệ - Lưu Thiên Hương, Lê Minh Sơn - Thảo Trang lại tạo sự phản cảm đối với khán giả về hình ảnh người nghệ sĩ, theo đó thiện cảm với chương trình cũng giảm. |
Theo Tuoitre