Một bản danh sách dự án mới cho thấy Google đang tìm kiếm kỹ sư thiết kế kiến trúc chip xử lý, người mà có thể dẫn đầu một dự án phát triển chip xử lý hoàn toàn mới và làm việc cùng những kỹ sư khác để đưa những con chip này vào chính sản phẩm của Google.
Thông tin này được công bố bởi đội dự án Pixel của Google, nhóm này chịu trách nhiệm phát triển dòng máy tính bảng cao cấp Pixel C vừa mới ra mắt. Nó càng khẳng định tham vọng Google muốn tạo ra những bộ vi xử lý của riêng mình, giống như những gì Apple và Samsung đang làm.
Google cũng có tham vọng tự sản xuất chip xử lý của riêng mình. |
Với việc tự mình phát triển và sản xuất các chip xử lý, nó cũng cho thấy Google muốn đẩy mạnh kinh doanh phần cứng với những thiết bị di động có thể cạnh tranh được với Apple. Google cũng sẽ không phải phụ thuộc quá nhiều vào các hãng sản xuất khác và có thể can thiệp sâu hơn vào những sản phẩm phần cứng của mình, cũng như tìm cách để hỗ trợ tối đa nền tảng phần mềm Android của Google.
Nhà phân tích Jim McGregor cho biết: “Với xu hướng phát triển theo chiều dọc, có thể thấy tại Microsoft và Apple khi các hãng này tự phát triển và sản xuất cả phần cứng lẫn phần mềm cho các sản phẩm của mình. Không có gì ngạc nhiên khi Google cũng sản xuất chip xử lý của riêng mình, đặc biệt là cho dòng máy tính bảng Android để có thể cạnh tranh với iPad và Surface Pro”.
Tại sao Google muốn sản xuất chip xử lý của riêng mình?
CEO của Google, Sundar Pichai đã tự hào tuyên bố rằng Pixel C là chiếc máy tính bảng đầu tiên được phát triển và sản xuất hoàn toàn bởi Google. Khác với các thiết bị trước đây như các dòng smartphone Nexus, Google luôn hợp tác và nhờ các nhà sản xuất khác như LG, Motorola.
Tuy nhiên, Google vẫn cần đến các nhà cung cấp linh kiện bên trong của thiết bị, như chip xử lý, cảm biến camera. Và mặc dù Pixel C sẽ được trang bị chip xử lý và chip đồ họa cao cấp, nhưng chắc chắn Google vẫn sẽ phải ghen tị với Apple.
CEO Sundar Pichai của Google. |
Khi Apple ra mắt chiếc iPhone đầu tiên cùng với chip xử lý do chính mình sản xuất, “Táo khuyết” đã tạo ra một ranh giới giữa sản phẩm của mình và toàn bộ phần còn lại của thế giới. Với việc tự sản xuất chip xử lý cho các thiết bị của mình, Apple đã có được vô số lợi thế trước các đối thủ cạnh tranh.
Đó là giảm chi phí do không cần trả tiền lệ phí cấp giấy phép của bên thứ 3, tối ưu hóa chip xử lý để phù hợp với thiết bị cũng như nền tảng phần mềm của mình, sản phẩm không thể bị sao chép bởi các đối thủ không có được công nghệ của chip xử lý, có lợi thế rất lớn trước các nhà cung ứng linh kiện.
Cũng chính vì vậy mà ngày càng có nhiều các công ty công nghệ lớn trên thế giới nhảy vào cuộc chạy đua này. Trong đó phải kể đến hãng sản xuất điện thoại Samsung cũng đang rất nỗ lực để tự sản xuất được các dòng chip xử lý của riêng mình.
Tuy nhiên Samsung lại không có lợi thế về nền tảng phần mềm như Google hay Microsoft. Cả hai hãng công nghệ này có một điểm chung đối với Apple, đó là cùng sản xuất phần cứng và phát triển phần mềm, do đó họ có thể dễ dàng kiểm soát và tùy chỉnh cả phần cứng lẫn phần mềm để cho ra những sản phẩm tối ưu nhất.
Và bánh răng cuối cùng và cũng có thể nói là quan trọng nhất trong một hệ thống thống nhất này, đó chính là bộ phận sản xuất chip xử lý. Điều mà Google vẫn đang thiếu so với Apple.
Tuy nhiên Google sẽ phải bán được rất rất nhiều máy tính bảng Pixel
Khó khăn lớn nhất chống lại Google trong việc tự sản xuất chip xử lý, đó là không giống như Apple, Google hiện không có đủ doanh số thiết bị phần cứng để bù lại chi phí của việc sản xuất chip xử lý.
Theo số liệu ước tính của Brookwood, Apple có thể đã phải bỏ ra khoảng 50 - 100 triệu USD cho việc nghiên cứu và phát triển chip xử lý A9. Tuy nhiên Apple có hàng trăm triệu thiết bị từ iPhone đến iPad được bán ra để bù lại chi phí nghiên cứu và sản xuất chip xử lý của mình.
Google sẽ phải bán được rất nhiều sản phẩm như chiếc máy tính bảng Pixel C. |
Tất nhiên Google sẽ không cung cấp chip xử lý của mình cho các hãng khác mà chỉ sử dụng trong các sản phẩm của mình. Do đó, chi phí vẫn là vấn đề lớn nhất mà Google phải đối mặt. Trừ khi gã khổng lồ tìm kiếm có thể bán được hàng chục triệu chiếc Pixel C, thì có lẽ vấn đề mới được giải quyết.
Nếu Google có thể trở thành một gã khổng lồ phần cứng, với các thiết bị di động, máy tính bảng, máy tính xách tay. Thì sau đó việc sản xuất chip xử lý của riêng mình sẽ là vấn đề đơn giản hơn nhiều.
Tuy nhiên vấn đề đau đầu ở đây là làm sao để trở thành một gã khổng lồ phần cứng? Nếu như câu trả lời là tự sản xuất chip xử lý thì lại quay về một vòng luẩn quẩn. Và đó là bài toán vô cùng hóc búa mà các nhà lãnh đạo của Google phải tìm được lời giải.
Theo Genk