BKAV đã phải tìm cách bán Bphone theo cách bình thường sau một khoảng thời gian dài làm điều bất thường. |
Bphone gây ồn ào trên mặt báo từ đầu năm. Đây là sản phẩm di động đầu tiên của công ty chuyên về phần mềm bảo mật. Theo đó, Bkav có cách tiếp cận thị trường khác so với số đông thương hiệu tại Việt Nam. Họ chỉ bán hàng qua mạng và thậm chí không có sản phẩm trải nghiệm tại các cửa hàng.
Tại thời điểm đó, nhiều nhà bán lẻ không tin vào khả năng thành công của Bphone. Đại diện một hệ thống lớn cũng tuyên bố "Tôi không tin Bkav làm được", bởi cả Xiaomi, Huawei cũng từng nhiều lần thất bại trước đó ở Việt Nam với cách làm này.
Trong khi đó, có ý kiến cho rằng Bkav chọn bán trực tuyến là cách làm thông minh. Công ty này chưa lường trước được nhu cầu thị trường và không đủ mạnh để sản xuất số lượng lớn, mang Bphone đến các cửa hàng. Hay nói cách khác, Bkav chọn bán trực tuyến Bphone vào thời điểm đó vì sợ tồn hàng, muốn hạn chế thấp nhất các rủi ro nếu bị người tiêu dùng quay lưng.
Tuy nhiên, gần 5 tháng sau khi chiếc di động ồn ào nhất Việt Nam lên kệ, nhiều nhà bán lẻ lớn tiết lộ, Bkav đã tiếp xúc với nhiều hệ thống để "ký gửi" Bphone.
Từ chỗ chỉ bán trực tuyến để chủ động nguồn hàng, nay Bphone cũng đã được "ra chợ" như nhiều thương hiệu khác. Máy được bán từ cuối tháng 10 với giá từ 10,99 triệu đồng cho bản 16 GB, tương tự mức giá bán trực tuyến trước đó. Trao đổi với Zing.vn, Bà Đỗ Thu Hằng, đại diện truyền thông của Bkav này cũng xác nhận đang làm việc với các đối tác nhưng từ chối tiết lộ danh tính cụ thể các đại lý bán máy trong đợt này.
Bphone không phải là trường hợp duy nhất phải bán lẻ sau khi khi được bán trực tuyến ở Việt Nam. |
Vì sao Bphone đang "trên mây" phải "nhảy xuống đất" ?
Trường hợp "nhảy kênh" bán của Bphone cũng không phải hiếm gặp trong kinh doanh di động tại Việt Nam. Hàng loạt cái tên từng làm mưa làm gió trên Internet ở nước ngoài, vào Việt Nam cũng gặp cảnh tương tự.
Chia sẻ lại câu chuyện của mình với Zing.vn, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Giám đốc ngành hàng di động của Thế Giới Di Động, cho biết chính nhà bán lẻ này cũng phải theo cách làm "bán online trước, offline sau" với một số sản phẩm để đảm bảo doanh số.
Trong năm 2015, nhiều thương hiệu đến từ Trung Quốc như Lenovo, Huawei,... đã tiếp cận thị trường Việt Nam theo hướng mới mẻ hơn. Theo ông Hiểu Em, tại Trung Quốc và Ấn Độ, hình thức bán hàng trực tuyến khá hiệu quả khi cho doanh số chiếm 25 - 30%. Trong khi ở Việt Nam chỉ chiếm dưới 10%. Do đó, nhiều hãng di động Trung Quốc cũng đã tìm đến các nhà bán lẻ Việt Nam để bán trực tuyến trong giai đoạn đầu và chuyển xuống bán lẻ trong giai đoạn sau.
Cụ thể, tại Thế Giới Di Động hiện có hai model đang được bán trực tuyến là Lenovo Vibe Shot và Honor 4C. Ông Hiểu Em cho biết hai mẫu này bán khá chạy nhờ có giá tốt so với cấu hình. Trả lời cho câu hỏi "làm sao để sản phẩm bán online hấp dẫn người tiêu dùng?", doanh nhân này tiết lộ hãng và đại lý đã phải cùng bàn với nhau để đưa ra mức giá "sát sườn" nhất có thể, thậm chí cùng nhau chịu lời ít, không tính đến chi phí để bán được hàng càng nhiều càng tốt.
Tuy mạnh dạn trong cách làm, nhưng doanh số từ bán trực tuyến không làm thay đổi cục diện toàn thị trường Việt Nam. Theo ông Hiểu Em, nếu mức thông thường ở Việt Nam là dưới 10% (tức cứ 10 chiếc smartphone đến tay người dùng thì chỉ có chưa đến 1 chiếc mua qua mạng), thì ở hệ thống này, doanh số đạt tầm 15%.
Không thất bại, cũng không thể nói là thành công. Việc bán trực tuyến của nhà bán lẻ này dường như chỉ để "nuôi dưỡng" thói quen mua sắm trực tuyến của người dùng Việt Nam, giúp họ dần cởi bỏ tư tưởng phải thấy tận mắt, sờ tận tay mới dám quyết định mua một chiếc điện thoại.
Theo một chuyên gia, câu chuyện bán smartphone trực tuyến cho các thương hiệu Trung Quốc và nhìn lại vào trường hợp của Bphone, việc Bkav đưa model này đến các cửa hàng giống như một việc "cực chẳng đã", bởi họ vấp phải hai rào cản lớn: Thói quen mua sắm của người dùng và mức giá của sản phẩm. Bkav đã cố gắng trở thành một "Xiaomi của Việt Nam", nhưng thời điểm hiện tại chưa có một giải pháp nào đảm bảo thành công cho bán hàng trực tuyến ở thị trường trong nước.
Trao đổi với phóng viên, đại diện một hệ thống ở TP.HCM cho biết chỉ nhập Bphone với số lượng hạn chế vì muốn thăm dò phản ứng của người tiêu dùng trước khi quyết định "ôm" lượng hàng lớn hơn. Điều này cho thấy, dù Bkav đã "nhảy từ trên mây xuống mặt đất", thì cách làm này cũng chưa đảm bảo giúp công ty này bán hết lượng máy còn tồn đọng, trừ khi họ có cách bán hàng mới lạ, độc đáo hơn.
Theo Zing