Nhà mạng cần nhanh chóng cấp phép 4G |
Ông Mai Liêm Trực, nguyên thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông), cho rằng việc cơ quan quản lý chưa cấp giấy phép cho các nhà mạng cung cấp dịch vụ 4G làm cho người dân Việt Nam được hưởng dịch vụ tốt chậm hơn thế giới.
Cần nhanh chóng cấp phép 4G
Phát biểu tại buổi tọa đàm “Việt Nam tiến lên 4G như thế nào?” do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ Thông tin Việt Nam tổ chức chiều ngày 21-10 tại Hà Nội, ông Trực cho rằng cơ quan quản lý cần có tư duy mạnh mẽ và nhanh chóng trong việc cấp phép 4G, để Việt Nam không bị tụt hậu so với thế giới về công nghệ.
Thực tế, cuộc tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh các nhà mạng muốn được sớm cấp phép cung cấp dịch vụ 4G, nhưng cơ quan quản lý nhà nước thì chưa.
Ông Trực nhận xét, gần đây ông thấy lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng chưa cấp phép 4G vì cần thời gian để các doanh nghiệp hoàn vốn 3G. Ông cho rằng, hiện các mạng di động đều là của nhà nước nên cơ quan quản lý có sự lo lắng đó là dễ hiểu. Song, ông cho rằng cơ quan quản lý không nên có tư duy kiểu chờ doanh nghiệp viễn thông hoàn vốn 3G rồi mới cấp phép 4G.
“Nếu doanh nghiệp có nhu cầu thì cơ quan quản lý nên cấp phép. Còn việc hoàn vốn hay không là việc của doanh nghiệp,” ông Trực nhấn mạnh.
Số liệu được tập đoàn Qualcomm (Mỹ) cung cấp tại tọa đàm cho thấy hiện thế giới đã có 670 nhà mạng đang nghiên cứu để triển khai 4G, và 422 nhà mạng đã triển khai và cung cấp dịch vụ 4G ra thị trường.
Ông Trực cho rằng đến giờ Việt Nam chưa cấp phép 4G là chậm, và nêu một loạt câu hỏi: Tại sao Việt Nam cứ phải đợi theo kế hoạch đến 2016 mới cấp phép? Sao không cấp phép luôn để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị hạ tầng và cung cấp dịch vụ ra thị trường, bởi từ khi bộ cấp phép đến khi doanh nghiệp cung cấp được dịch vụ cũng mất 1-2 năm?
Theo ông Trực, việc cơ quan quản lý chờ khi thị trường có nhu cầu lớn mới cấp phép là chưa hợp lý bởi hiện xã hội đã có nhu cầu sử dụng internet tốc độ cao của mạng 4G.
Vẫn có người mới chỉ dùng đến 2G (chỉ gọi và nhắn tin), nhưng cũng có rất nhiều người là doanh nhân, hay làm truyền thông cần tốc độ cao, họ sẵn sàng dùng 4G...
Ông Trực cũng cho biết, thời ông còn làm thứ trưởng, khi Việt Nam đưa công nghệ di động GSM vào triển khai (là sớm hơn so với một số nước trong khu vực) cũng vướng phải ý kiến cho rằng sẽ không có người dùng vì cả giá cước và thiết bị lúc đó đều đắt. Nhưng sau này khi thị trường cạnh tranh, giá cước và giá thiết bị rẻ đi, Việt Nam đã trở thành thị trường bùng nổ thuê bao di động, phổ cập dịch vụ di động nhanh so với thế giới.
Nếu cơ quan quản lý chờ đến khi nhu cầu 4G trở nên lớn trong xã hội mới cấp phép thì đợi đến bao giờ, ông Trực nói, và nhấn mạnh: "Ta cứ đợi thêm nữa thì thế giới họ lại triển khai 5G mất rồi."
Ông Trực còn cho rằng 4G sẽ tác động lớn đến sự phát triển của nền kinh tế, nên cần sớm đưa công nghệ này vào Việt Nam. Cơ quan quản lý nhà nước không nên lừng khừng làm chậm cho người dân được thụ hưởng dịch vụ tốt.
2016 mới cấp phép 4G
Cũng tại tọa đàm, ông Trần Tuấn Anh, đại diện cho Cục Viễn Thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đã xác định rõ sau 2015 mới cấp phép cho công nghệ viễn thông di động thế hệ tiếp theo. Có thể năm 2016 Bộ sẽ cấp phép 4G cho các doanh nghiệp.
Ông Tuấn Anh cũng cho biết hiện bộ này đã nhận hồ sơ xin cấp phép và dự kiến sẽ cấp phép thử nghiệm cho ba nhà mạng triển khai 4G. Tuy nhiên quy mô thử nghiệm hạn chế mỗi nhà mạng chỉ triển khai tối đa ba tỉnh, thành phố. Hiện Cục đang trình xin phép Bộ trưởng về thời điểm cấp phép thử nghiệm cho các nhà mạng.
Trong khi đó, với tư cách là một chuyên gia, ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (vừa mới nghỉ hưu), cho rằng không nên vội vàng triển khai 4G. Để triển khai một dịch vụ vào thị trường, cần xem xét nhiều yếu tố, ông Thắng nói.
Thứ nhất, phải xem công nghệ đã chín muồi và phổ biến chưa. Bởi nếu công nghệ không phổ biến và chín muồi, khi triển khai ra mới giữa chừng thì thế giới đã chuyển sang công nghệ khác, và sẽ bị lỡ nhịp. Hoặc nếu công nghệ chưa chín muồi, chưa phổ biến thì giá thành thiết bị đầu cuối, thiết bị mạng đắt dẫn đến giá cước cho người dùng cao.
Ông Thắng cho biết, chuẩn công nghệ 4G LTE được nói đến từ 2009-2010, nhưng đến năm 2012 Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU) mới công nhận tiêu chuẩn công nghệ LTE Advance là 4G. Do đó, trong 422 mạng đã triển khai 4G trên thế giới thì chỉ có hơn 80 mạng triển khai đúng 4G theo chuẩn được ITU công nhận.
Ông Thắng còn cho hay, tổng số thuê bao 4G (gồm cả chuẩn LTE và LTE Advance) đến quý 3-2015 là trên 700 triệu, chiếm 10,4% trong tổng số thuê bao di động toàn cầu.
“Với viễn thông, khi số lượng thuê bao công nghệ mới nằm trong khoảng 10-15% tổng số thuê bao di động toàn cầu thì công nghệ ấy được xem là có khả năng trở thành phổ biến. Nếu tỷ lệ càng cao, thì tính đảo ngược của công nghệ càng ít," ông Thắng phân tích.
"Chúng ta từng trả giá cho một số công nghệ vào Việt Nam nhưng đã thất bại như CityPhone, CDMA 2000… Nếu chúng ta đi sớm, chúng ta có lợi thế. Nhưng đi sớm quá thì không tận dụng được công nghệ mới sau này. Nếu ta triển khai 4G từ 2012 thì ta mới có tiền 4G chứ chưa phải 4G,” ông Thắng nói.
Thứ hai, ông Thắng cho rằng việc triển khai công nghệ 4G còn phụ thuộc vào cung cầu của thị trường. Xét cho cùng, đưa vào công nghệ tốt nhưng còn phụ thuộc vào nhu cầu. Hiện phần lớn người dùng Việt Nam đang dùng dịch vụ rất đơn giản, như truy nhập website, gửi thư điện tử, tải nhạc... thì chỉ cần dịch vụ 3G cũng có thể đáp ứng nhu cầu, chưa cần phải có 4G.
Ông Thắng nhấn mạnh: “Hơn nữa hiện chuẩn 4G LTE Advance chỉ mới được tích hợp trên những điện thoại đắt tiền, khoảng 8 triệu đồng trở lên/chiếc. Trong khi đó để dịch vụ phổ biến cần có điện thoại giá 3 triệu đồng/chiếc tích hợp công nghệ này.”
Theo TB KTSG