Theo DealStreetAsia, trang tin chuyên về đầu tư ở Đông Nam Á, Cốc Cốc đã có những thay đổi lớn trong nội bộ công ty. Hai trong ba sáng lập viên của Cốc Cốc đã không còn tại vị và người còn lại nhiều khả năng cũng sẽ ra đi trong thời gian tới.
CEO người Nga Victor Lavrenko hiện là người có quyền lực nhất tại Cốc Cốc. 2/3 nhà sáng lập đã bán lại cổ phần và rời khỏi công ty. Ảnh: TIA. |
Theo đó, người sáng lập còn ở Cốc Cốc là ông Lê Văn Thanh.
Trên tài khoản LinkedIn, ông Nguyễn Đức Ngọc thông báo đã nghỉ công ty này từ 12/2014 và làm việc tại Atlassian từ 3/2015. Atlassian là công ty phần mềm máy tính.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Bình - được cho là đã rời đi và mở công ty riêng nhưng vẫn giữ quan hệ đối tác với Cốc Cốc. Theo DealStreetAsia, hai sáng lập viên này đã bán cổ phần của mình cho CEO người Nga Victor Lavrenko và các nhà đầu tư khác.
Theo nguồn tin của Zing.vn, thông tin trên là chính xác, dù ông Nguyễn Thanh Bình vẫn cho rằng mình còn làm việc ở Cốc Cốc.
Tôi vẫn đang làm việc ở Cốc Cốc. Tôi chuyển vào TP HCM vì đây là thị trường lớn và đầy tiềm năng. Tôi không có ý định chia sẻ điều gì, nhất là vào lúc này, khi mà tôi thấy được sự phát triển bùng nổ của công ty này.
Ông Nguyễn Thanh Bình, một trong ba nhà sáng lập Cốc Cốc. |
Trong bảng xếp hạng vừa công bố Top 30 nhà sáng lập Công nghệ hàng đầu Đông Nam Á của TechInAsia, người đại diện cho Cốc Cốc lại là CEO Victor Lavrenko, chứ không phải 3 người Việt sáng lập ra Cốc Cốc.
Theo một nhân viên giấu tên của Cốc Cốc, công ty này đã có những thay đổi mạnh mẽ trong nội bộ suốt 2 năm qua. "Mặc dù là sáng lập nhưng cả hai (ông Thanh và ông Bình) chỉ nắm những mảng nhỏ của công ty sau khi CEO người Nga nắm quyền".
Trả lời Zing.vn, đại diện truyền thông Cốc Cốc phủ nhận thông tin trên. "Cả 3 người sáng lập vẫn làm việc ở công ty. Chúng tôi vẫn hoạt động bình thường, không có gì thay đổi", người này nói.
Văn phòng Cốc Cốc ở TP .HCM. Ảnh:Duy Tín. |
Cốc Cốc (ban đầu mang tên Cờ Rôm+) ra đời 4/2013, do ba lập trình viên Việt Nam sáng lập. Họ từng tốt nghiệp đại học Lomonosov Moscow State University (Moscow, Nga). Theo DealStreetAsia, dự án này ban đầu được tài trợ bởi Yandex, một gã khổng lồ công nghệ chiếm 60% thị phần tại Nga. Ngoài Yandex, Cốc Cốc cũng được chống lưng bởi Mail.ru Group (công ty Internet hạng 7 thế giới) và Digital Sky Technology (quỹ từng đầu tư 200 triệu USD cho Facebook). Tuy nhiên, theo thông tin từ Cốc Cốc, nhà đầu tư thực sự cho công ty này là Mikhail Frolkin, người sáng lập công ty chuyên "săn đầu người" HH.ru.
Ban đầu, Cốc Cốc là trình duyệt Internet dựa trên mã nguồn mở Chromium. Tính năng hút khách của phần mềm này là tích hợp công cụ tải file tốc độ cao và nhận diện ngôn ngữ tiếng Việt (sửa chính tả, tìm kiếm bằng tiếng Việt tốt hơn).
Tính đến hiện tại, Cốc Cốc có 3,7 triệu lượt tìm kiếm mỗi ngày và 8,7 triệu người dùng thường xuyên mỗi tháng. Bên cạnh tìm kiếm, Cốc Cốc còn bán quảng cáo ngay trên trình duyệt và mở dịch vụ tìm kiếm địa điểm mang tên "Nhà Nhà". Trình duyệt này từng được nhiều trang Công nghệ trong khu vực ca ngợi như một đối thủ của Google tại Việt Nam.
Theo Zing